Phú Thọ: Tháo gỡ vướng mắc các dự án chậm tiến độ

07:59 24/09/2022

Trong những năm qua, Phú Thọ đã tập trung huy động nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, dự án quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, một số dự án triển khai ở mức thấp, tiến độ thực hiện còn chậm, đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Dự án khách sạn Đại Hà
Dự án khách sạn Đại Hà "ngủ quên" sau 21 năm.

Thời gian qua, nhiều dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang chậm tiến độ, gặp khó khăn vướng mắc kéo dài gây lãng phí tài nguyên đất đai, làm làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc thu hút các nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm. Sử dụng đất sai mục đích, chưa giải quyết vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; không đủ năng lực tài chính thực hiện; nợ thuế, nợ ngân hàng, tài sản bị thế chấp… là những nguyên nhân khiến cho nhiều dự án đang chậm triển khai.

Điển hình như Dự án khách sạn Đại Hà, nằm vị trí đắc địa khu đất “vàng” thuộc phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư từ 10/3/2011, với diện tích sử dụng hơn 3.100 m2, quy mô xây dựng tòa nhà 10 tầng, tổng mức đầu tư 162 tỷ đồng. Sau 21 năm “ngủ quên”, dự án mới xây dựng được phần thô gồm một tầng hầm và ba tầng nổi.

Tương tự như như Dự án khách sạn Đại Hà, Dự án Nhà máy cán thép Sông Hồng thuộc Công ty cổ phần Thép Sông Hồng được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư từ năm 2002. Đến năm 2009, Công ty đã hoàn thành giai đoạn một. Do hoạt động thua lỗ nên đến năm 2012, Công ty tạm dừng hoạt động và đến nay không có khả năng triển khai giai đoạn hai dự án.

Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều dự án lớn khác như Khu nghỉ dưỡng Ao Giời-Suối Tiên của Công ty cổ phần Trường Giang; dự án Khu du lịch Xuân Sơn của doanh nghiệp Xuân Trường; dự án Khu đô thị Tây Nam Việt Trì của Công ty Bất động sản Toàn Cầu; Dự án đô thị Vương Cường; Nhà máy xi măng Hữu nghị thuộc Công ty TNHH Phát triển Hùng Vương; Nhà máy sản xuất phôi thép của Công ty cổ phần Kim khí Hưng Thịnh Phát; Dự án trồng hoa mầu và nuôi thủy sản tại phường Bến Gót, thành phố Việt Trì, của Công ty cổ phần Khoáng sản Tây Bắc; Dự án nông nghiệp công nghệ cao H2… cũng chậm tiến độ và vướng mắc kéo dài nhiều năm.

Công tác giải phóng mặt bằng Cụm Công nghiệp Sóc Đăng
Công tác giải phóng mặt bằng Cụm Công nghiệp Sóc Đăng.

Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo huyện Tam Nông, Đoan Hùng, thành phố Việt Trì nhanh chóng hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các dự án thuộc khu phức hợp Eco-Lakeside, Dự án trung tâm điều hành xe bus và Dự án đầu tư cụm công nghiệp Sóc Đăng; giao Cục Thuế tỉnh thu hồi số tiền nợ ngân sách Nhà nước đối với Dự án khu nông nghiệp công nghệ cao H2.

Trước thực trạng này, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Phú Thọ chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung rà soát tháo gỡ vướng mắc các dự án chậm tiến độ, các dự án tồn đọng kéo dài nhiều năm theo tinh thần chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy.

Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, qua rà soát hiện toàn tỉnh có 18 dự án chậm tiến độ, gặp khó khăn vướng mắc kéo dài thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy quản lý. Trong đó có ba dự án được tháo gỡ khó khăn, hiện còn 15 dự án đang được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc.

Trên cơ sở xem xét, kiểm tra các vấn đề tồn tại có liên quan và đối chiếu với các quy định của pháp luật, đồng thời đảm bảo quyền và nghĩa vụ liên quan, UBND tỉnh Phú Thọ sẽ đưa ra các biện pháp mạnh để giải quyết dứt điểm những dự án còn tồn tại, vướng mắc kéo dài nhiều năm. Dự kiến trong năm 2022 tỉnh sẽ chỉ đạo giải quyết vướng mắc 11 dự án; trong đó sẽ kiên quyết thu hồi sáu dự án, tập trung giải phóng mặt bằng và các tồn tại khác của năm dự án.

P.V