Phú Thọ: Quyết tâm làm được thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ công

08:20 26/07/2021

Thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ công là một trong những giải pháp thực hiện cải cách thủ tục hành chính với những lợi ích tiết kiệm thời gian, tăng tính minh bạch trong thu ngân sách.Thời gian qua, Phú Thọ đã triển khai nhiều giải pháp để mở rộng thanh toán trực tuyến trên hệ thống một cửa điện tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Tuy nhiên, thực tế chưa nhiều người dân quan tâm sử dụng hình thức thanh toán này, làm ảnh hưởng đến kết quả giải quyết thủ tục hành chính mức 4.

Đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công trực tuyến
Đăng ký tài khoản trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Hiện nay, hệ thống một cửa điện tử và tích hợp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh đã được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã.

Tính đến tháng 7/2021, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đang cung cấp 1.431 thủ tục hành chính, trong đó thủ tục trực tuyến mức độ 3 là 1.240 thủ tục (đạt 86,65%), mức độ 4 là 486 thủ tục (đạt 33,96%), 626 thủ tục hành chính được đồng bộ trạng thái xử lý kết quả với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đã có 14/18 sở, ban, ngành có thủ tục hành chính phát sinh phí, lệ phí tại Trung tâm đã triển khai thanh toán trực tuyến.

Ở cấp huyện, hệ thống cung cấp 125 thủ tục trực tuyến mức độ 2 (43.25%),111 thủ tục trực tuyến mức độ 3 (đạt 38,41%), 53 thủ tục trực tuyến mức độ 4 (đạt 18,34%). Đối với cấp xã, hệ thống cung cấp 70 thủ tục trực tuyến mức độ 2 (44.03%), 65 thủ tục trực tuyến mức độ 3 (đạt 40,88%), 24 thủ tục trực tuyến mức độ 4 (đạt 15,09%).

Chỉ với những thao tác đơn giản, người dân có thể thanh toán phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính qua môi trường mạng tại bất cứ đâu có kết nối internet, từ đó giúp tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại.Tuy nhiên, hạn chế về trình độ công nghệ thông tin là “rào cản” khiến người dân gặp khó khăn khi triển khai thanh toán trực tuyến.

Đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để đăng ký làm lý lịch tư pháp, chị Nguyễn Thị Thao ở xã Bảo Thanh, huyện Phù Ninh rất bất ngờ khi được hướng dẫn thực hiện và gửi hồ sơ và nộp phí thực hiện hồ sơ qua mạng Internet. Chị Thao cho biết: Mặc dù đã biết về dịch vụ công trực tuyến nhưng tôi vẫn đến tận nơi nộp hồ sơ để tiện thanh toán phí thực hiện. Được cán bộ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn tôi mới biết có thể thanh toán trực tuyến ngay khi gửi hồ sơ trực tuyến rất đơn giản và thuận tiện, lại tiết kiệm được thời gian. 

Cán bộ sở TT&TT Phú Thọ hướng dẫn cán bộ huyện Lâm Thao thánh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công
Cán bộ sở TT&TT Phú Thọ hướng dẫn cán bộ huyện Lâm Thao thánh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công.

Việc triển khai thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ công tại cấp huyện và cấp xã lại càng gặp nhiều khó khăn hơn. Ông Phùng Thế Tài - Phụ trách Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính huyện Hạ Hòa cho biết: Mỗi ngày có khoảng gần 100 lượt người dân đến nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.Trong quá trình hướng dẫn người dân sử dụng  dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến, chúng tôi nhận thấy người dân còn chưa thành thạo khi sử dụng tính năng thanh toán qua tài khoản ngân hàng, chưa có tài khoản email để tạo tài khoản công dân trên Cổng dịch vụ công trực tuyến.

Những “nút thắt” về thói quen và trình độ công nghệ thông tin của người dân là nguyên nhân khiến tỷ lệ phát sinh giao dịch phí lệ, phí trực tuyến ở cấp huyện và cấp xã còn ở mức thấp.

Để khắc phục khó khăn này, đem tiện ích của dịch vụ công trực tuyến đến với đông đảo người dân, từng bước nâng cao tỷ lệ thanh toán trực tuyến, các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện đồng bộ các giải pháp. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Văn phòng UBND tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản mở rộng triển khai thanh toán trực tuyến với dịch vụ công.

Ngay từ tháng 1/2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã bố trí cán bộ trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để hướng dẫn người dân tạo tài khoản, thanh toán trực tuyến trên Hệ thống một cửa điện tử tích hợp Cổng dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, để tạo điều kiện tốt nhất cho người dân, từ tháng 4/2021, Văn phòng UBND tỉnh đã yêu cầu các quầy giao dịch tại Trung tâm lắp đặt hệ thống QR-Code cho phép thanh toán tại quầy qua hình thức mã quét.

Tại cấp huyện và cấp xã, công tác tuyên truyền về hiệu quả của dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh triển khai để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ hơn về lợi ích mang lại từ việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Trong đó chú trọng đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng thụ hưởng.

Bên cạnh đó, để tạo mọi điều kiện về cơ sở kĩ thuật để triển khai thanh toán trực tuyến, UBND các huyện, thành, thị, xã, phường, thị trấn đồng bộ ký kết với Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Hùng Vương để triển khai thanh toán trực tuyến các dịch vụ hành chính công thuộc thẩm quyền bằng nền tảng thanh toán của ngân hàng. Đồng thời phối hợp với Viễn thông Phú Thọ, Cục Thuế tỉnh thiết lập, đăng ký sử dụng biên lai điện tử; Bưu điện tỉnh thực hiện thủ tục ủy quyền, bàn giao biên lai thu tiền để Bưu điện tỉnh thu phí, lệ phí và thanh toán hộ cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu thanh toán các dịch vụ hành chính công bằng tiền mặt.

Trong tháng 6 và tháng 7, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức nhiều lớp tập huấn triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh cho đội ngũ cán bộ, công chức các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành, thị và lãnh đạo UBND, công chức Bộ phận một cửa các xã, thị trấn. Việc tập huấn được thực hiện theo phương pháp thảo luận thực tế, thao tác trực tiếp với giáo trình thay đổi linh hoạt phù hợp với từng đối tượng học viên. Qua đó đã giải đáp các khó khăn, vướng mắc khi triển khai thanh toán trực tuyến tại cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến giao dịch.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến cùng với thanh toán trực tuyến là nhiệm vụ khó, đòi hỏi quá trình thực hiện liên tục, lâu dài. Với quyết tâm “làm bằng được”, các cơ quan, đơn vị chuyên môn của tỉnh đang tăng cường phối hợp, tìm mọi giải pháp để khắc phục khó khăn, tăng tỷ lệ người dân tiếp cận với hình thức thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ công. Về lâu dài, cùng với sự nỗ lực trong đồng bộ cơ sở vật chất kĩ thuật phục vụ thanh toán trực tuyến, Phú Thọ sẽ triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ hơn để nâng cao kỹ năng, trình độ sử dụng internet và thay đổi thói quen sử dụng dịch vụ công của người dân.

PV