Phú Thọ: Nỗ lực sáng tạo, không ngừng đổi mới hướng tới nền hành chính phục vụ

11:33 13/06/2022

Năm 2021, chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh Phú Thọ đạt 45,34 điểm, xếp thứ 06/63 tỉnh, thành (tăng 32 bậc xếp hạng so với năm năm 2020); chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) đạt 88,59 điểm, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành; chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) đạt 89,30%, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành. Những thành quả này chứng minh cho quyết tâm đột phá, sáng tạo đổi mới của các cấp, chính quyền địa phương hướng tới nền hành chính phục vụ.

 

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ.
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Phú Thọ.

Những giải pháp cải thiện và nâng cao mức độ hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính cho thấy quyết tâm, nỗ lực của các cấp, ngành của tỉnh Phú Thọ thời gian qua nhằm cải thiện chỉ số CCHC, xây dựng chính quyền kiến tạo, liêm chính, phục vụ và hành động. Đây là cơ sở để tiếp tục củng cố, nâng cao niềm tin cho người dân và doanh nghiệp đồng lòng, góp sức cho sự phát triển chung của tỉnh.

Từ Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú thọ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định: “Thực hiện hiệu quả về cải cách hành chính, trong đó tập trung vào cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và đổi mới phương pháp lề lối làm việc, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm trong công việc của công chức, viên chức…”.

Tiêp tục đến Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra các nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo về CCHC: “Đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác của UBND các cấp; xây dựng chính quyền cơ sở trong sạch, vững mạnh. Tập trung triển khai thực hiện CCHC, trọng tâm là hiện đại hóa nền hành chính gắn với hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Tập trung xây dựng chính quyền điện tử hoạt động hiệu quả, đồng bộ, liên thông, thống nhất 4 cấp; phấn đấu xây dựng thành phố Việt Trì thành đô thị thông minh. Tăng cường các giải pháp nâng cao chỉ số CCHC cấp tỉnh”. Hiện thực hóa mục tiêu này, HĐND tỉnh Phú Thọ đã ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 về việc thực hiện bốn khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt, phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch và CCHC tỉnh giai đoạn 2016-2020. UBND tỉnh đã ban hành hệ thống các văn bản: Kế hoạch CCHC giai đoạn 2011-2020 và giai đoạn 2021-2025, Đề án thực hiện khâu đột phá về CCHC, trọng tâm là cải cách TTHC trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020; hàng năm đều ban hành Kế hoạch CCHC nhà nước của tỉnh... đảm bảo tổ chức, triển khai thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình tổng thể CCHC.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện Hạ Hòa hướng dẫn người dân giải quyết TTHC.
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của huyện Hạ Hòa hướng dẫn người dân giải quyết TTHC..

Bên cạnh đó, tỉnh Phú Thọ cũng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền về CCHC, cải cách TTHC đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành và các lĩnh vực được phân cấp; kịp thời khắc phục những kiến nghị của các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát trên tất cả các lĩnh vực. Kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có sai phạm trong hoạt động công vụ. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm với tư cách là người đứng đầu khi để xảy ra vi phạm; gắn công tác thi đua khen thưởng, đánh giá xếp loại công chức, viên chức với thực hiện CCHC.

UBND tỉnh đã giao cho các sở, ngành theo dõi, đánh giá từng chỉ số năng lực cạnh tranh. Đồng thời, giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng Đề án “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan nhà nước tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021- 2025” với mục tiêu làm chuyển biến mạnh mẽ tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm và thái độ phục vụ của CB, CC, VC và NLĐ trong thi hành công vụ; xây dựng văn hoá, văn minh công sở trong cơ quan nhà nước; xây dựng cơ quan nhà nước liêm chính, chuyên nghiệp, hiện đại và phục vụ nhân dân, tạo động lực mới cho công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Nhờ đổi mới trong cải cách thủ tục hành chính, Phú Thọ đã nhanh chóng vươn lên nhóm các tỉnh đứng đầu và mức khá trên cả nước về chỉ số PAR INDEX, SIPAS và PAPI.

PV