Phú Thọ nâng cao chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh

16:37 28/05/2021

Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ ký ban hành Văn bản số 2076/UBND-KGVX về việc nâng cao Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) của tỉnh.

Minh họa
Minh họa.

Văn bản nêu rõ: Kết quả PAPI năm 2020 của tỉnh Phú Thọ đạt 42,34 điểm; xếp hạng thứ 38/63 tỉnh, thành phố (tăng 5 bậc so với năm 2019). Tuy nhiên, điểm số PAPI năm 2020 của tỉnh giảm 0,54 điểm so với năm 2019 và ở trong nhóm “Trung bình thấp”; các nhóm lĩnh vực Chỉ số PAPI đều đạt điểm số rất thấp so với điểm tối đa.

Để nâng cao Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công của tỉnh, vươn lên trong nhóm “Trung bình cao”, nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục duy trì giữ vững những kết quả tích cực đã đạt được; đề ra giải pháp khắc phục tồn tại ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội và an ninh - quốc phòng; đồng thời tập trung thực hiện một số nội dung sau:

1. Đối với các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị

Căn cứ kết quả PAPI năm 2020 và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để xây dựng, ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các lĩnh vực, công việc được giao, cụ thể như sau:

Tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về cải cách hành chính và các nội dung của PAPI, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.

Tăng cường triển khai, thực hiện cải cách hành chính; thực hiện có hiệu quả cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); tăng cường việc giải quyết TTHC trên môi trường điện tử, thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết, trả kết quả TTHC qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, Hệ thống phần mềm một cửa điện tử cấp huyện, cấp xã và dịch vụ bưu chính công ích; kiên quyết không để xảy ra tình trạng hồ sơ đã được cá nhân, tổ chức gửi nhưng không được tiếp nhận, xử lý. Chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ, trao đổi văn bản trên môi trường mạng.

Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm giải trình, đối thoại với người dân; tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia đối thoại tại cấp cơ sở và tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề bức xúc của người dân. Chú trọng các nội dung về quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất, khung giá đền bù, về thu, chi ngân sách địa phương và các nội dung về chế độ chính sách cho người dân. Kịp thời giải quyết các kiến nghị của người dân đảm bảo đúng quy định pháp luật, tránh khiếu nại vượt cấp, kéo dài.

UBND cấp huyện tham mưu với cấp ủy cùng cấp chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp xã: Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; các quy định của Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tại cộng đồng dân cư, đảm bảo người dân hiểu biết và thực hiện được các quy định pháp luật liên quan đến đời sống; nâng cao ý thức về quyền lợi, nghĩa vụ trong việc tham gia vào đời sống chính trị tại cơ sở, cùng tham gia vào phòng, chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính nhà nước;

Riêng đối với UBND thành phố Việt Trì, UBND huyện Tam Nông, UBND huyện Yên Lập: Quyết liệt chỉ đạo công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về PAPI.

2. Văn phòng UBND tỉnh: Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị tiếp tục rà soát, đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả thực hiện các TTHC; chú trọng đến các lĩnh vực về đầu tư, đất đai, xây dựng cơ bản, tư pháp… Công bố, công khai, minh bạch các TTHC và cập nhật kịp thời trên cơ sở dữ liệu quốc gia, Cổng dịch vụ công quốc gia về TTHC.

Tổ chức kiểm tra, đánh giá chất lượng các dịch vụ công do UBND các xã/phường/thị trấn cung cấp để nâng cao chất lượng phục vụ; kiểm tra hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, nhất là trách nhiệm của cán bộ, công chức thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC cho người dân, tổ chức; tham mưu cấp có thẩm quyền kịp thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong quá trình giải quyết hồ sơ cho tổ chức và công dân.

3. Sở Nội vụ: Tham mưu với Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh việc đổi mới, sắp xếp và kiện toàn tổ chức các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thực hiện tốt công tác tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và luân chuyển đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tăng cường kiểm tra cải cách hành chính, công vụ, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế trong thực hiện cải cách hành chính. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện việc công khai về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hằng năm của địa phương đảm bảo đúng về hình thức công khai, nội dung công khai, thời gian và địa điểm công khai, nhất là khi có sự điều chỉnh quy hoạch, đa dạng các kênh thông tin để người dân dễ dàng tiếp cận.

Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh đề ra các giải pháp trong bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao chất lượng không khí và chất lượng nước.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi không tuân thủ cam kết bảo vệ môi trường của doanh nghiệp trên địa bàn; nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống mạng lưới quan trắc môi trường để chủ động trong công tác kiểm soát, cảnh báo chất lượng môi trường, không khí, nước.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; ưu tiên bố trí nguồn lực giáo dục cho các vùng còn nhiều khó khăn hoặc quá tải, nhất là các khu vực hiện nay có tốc độ đô thị hóa nhanh, đông dân cư và điều kiện sinh hoạt còn thấp; nghiên cứu đẩy mạnh xã hội hoá các cơ sở giáo dục có khả năng xã hội hoá cao để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu của xã hội.

6. Sở Y tế: Chủ trì triển khai các giải pháp cụ thể, đồng bộ nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công của ngành, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân; bảo đảm cho mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần thực hiện công bằng xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân.

7. Sở Giao thông vận tải: Tham mưu với UBND tỉnh để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp hệ thống đường giao thông; phối hợp với Công an tỉnh kiên quyết xử phạt tình trạng xe chở quá tải, gây ô nhiễm khói bụi.

8. Sở Công Thương: Chủ trì, tham mưu đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình cấp điện nông thôn; cải thiện, nâng cấp mạng lưới điện để phục vụ cho nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân ngày càng tốt hơn.

9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Rà soát, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các công trình cấp nước nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện việc cung cấp nước sạch cho người dân theo chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; đảm bảo chất lượng các công trình cấp nước sạch cho nhân dân.

10. Thanh tra tỉnh: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm và kịp thời các khiếu nại, tố cáo, tin báo phản ánh tham nhũng, các vụ việc tham nhũng. Thực hiện các giải pháp phòng chống, kiểm soát tham nhũng trong các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước.

11. Sở Thông tin và Truyền thông: Tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh đưa ra giải pháp để cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận và sử dụng Internet nói chung và sử dụng Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị nói riêng. Kịp thời phúc đáp các ý kiến của người dân thông qua Cổng/Trang thông tin điện tử;

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC cho người dân và tổ chức; tăng số lượng, chất lượng các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 để tạo điều kiện tốt nhất cho tổ chức và công dân có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến khi làm các TTHC.

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục thông tin tuyên truyền, phổ biến đến người dân biết và sử dụng Cổng thông tin điện tử của tỉnh trong việc khai thác tìm hiểu những chính sách, pháp luật của tỉnh đối với quyền lợi, nghĩa vụ của người dân.

12. Sở Tư pháp: Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật theo kế hoạch đã được phê duyệt. Theo dõi, hướng dẫn công tác phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương, đa dạng hóa các hình thức công khai chính sách, pháp luật hiện hành để người dân có cơ hội tiếp cận các thông tin chính sách pháp luật và dịch vụ tư pháp.

13. Công an tỉnh: Triển khai các giải pháp nhằm giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn khu dân cư; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy, phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc; không để xảy ra các hoạt động theo kiểu xã hội đen và các loại tội phạm mới, giảm tội phạm do nguyên nhân xã hội.

14. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Phối hợp với các các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền cải cách hành chính, phổ biến pháp luật và pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; tiếp thu, giải thích kịp thời tất cả các kiến nghị của người dân; tăng cường hiệu quả của các thiết chế đảm bảo trách nhiệm giải trình của chính quyền với người dân; đồng thời lồng ghép với công tác dân vận để người dân cùng phối hợp thực hiện.

Phân công cho các tổ chức thành viên, thực hiện các nội dung về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được nêu tại Kế hoạch số 156/KH-UBND-MTTQ-ĐT ngày 14/01/2021 về phối hợp giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị- xã hội cấp tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2021. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức CECODES và UNDP để kịp thời chia sẻ thông tin với Sở Nội vụ và UBND thành phố Việt Trì, UBND các huyện Tam Nông, Yên Lập về thời gian, địa điểm, phương thức thực hiện khảo sát PAPI tại địa phương.

 PV