Phú Thọ: Một địa phương Công giáo bứt phá nhờ thương mại- dịch vụ.

19:48 26/03/2021

Giá trị sản xuất thương mại - dịch vụ của năm 2020 đạt trên 130 tỷ đồng, tăng 16 tỷ đồng so với năm 2019.

 

Một siêu thị điện máy Mini tại xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ)
Một siêu thị điện máy Mini tại xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ). 

Nằm ở vị trí tiếp giáp với huyện Thanh Sơn và thành phố Hà Nội, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng các ngành thương mại-  dịch vụ; tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia; khuyến khích các hộ có nhà mặt đường, gần chợ, khu buôn bán đầu tư mở rộng ngành nghề kinh doanh. Nhờ đó, hoạt động thương mại - dịch vụ của xã những năm gần đây luôn có bước tăng trưởng cao. Các loại hình kinh doanh và các hộ kinh doanh phát triển nhanh với hơn 600 hộ kinh doanh thương mại - dịch vụ, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. 

Là xã theo đạo Công giáo toàn tòng của huyện Thanh Thuỷ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, đến nay, cơ cấu kinh tế của địa phương đã có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, thương mại chiếm gần 30%.

Ông Đào Công Thọ - Chủ tịch UBND xã Hoàng Xá cho biết: “Lĩnh vực  thương mại - dịch vụ của địa phương những năm gần đây phát triển nhanh cả về quy mô, chất lượng, góp phần cung ứng hàng hóa, bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, chính quyền trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ cở hạ tầng chợ dân sinh, hệ thống đường giao thông nông thôn cũng như sự nhạy bén, năng động nắm bắt xu thế thị trường của người dân. Đặc biệt, năm 2019, đường tỉnh 317C được Nhà nước đầu tư xây dựng với tổng kinh phí hơn 200 tỷ, có 3km chạy qua địa phương đã tạo tiền đề, “mở đường” cho hoạt động thương mại và dịch vụ vận tải phát triển”.

Anh Nguyễn Hồng Giang - Chủ xưởng may Giang Hữu, khu 22 cho biết: “Gia đình tôi đã làm xưởng may gia công được 6 năm nay, luôn duy trì sử dụng 40 lao động và doanh thu đạt khoảng 1 tỷ/tháng. Sau khi các tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp, tạo thuận lợi cho các hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển, hàng hoá lưu thông nhanh chóng, gia đình tôi đã đầu tư mở thêm 1 xưởng may mới với quy mô tương đương như trước, mang lại doanh thu cao hơn, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 5- 7 triệu đồng/người/tháng”. 

Đường làng tại xã Hoàng Xa như đô thị
Đường làng tại xã Hoàng Xa như đô thị.

Tại địa phương này, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đa dạng với nhiều mặt hàng ở các lĩnh vực khác nhau đã thúc đẩy ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có những tiến triển tích cực. Trong đó, ngành sản xuất các loại gạch tăng, xưởng sơ chế, chế biến lương thực, thực phẩm ngày càng được mở rộng về quy mô, thị trường, góp phần tạo việc làm cho lao động địa phương với mức thu nhập ổn định…

Nhờ phát triển thương mại, dịch vụ, đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương không ngừng được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người đạt 38,3 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,1%. Trong đó, có nhiều gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ tham gia kinh doanh thương mại - dịch vụ.
Nhận thấy các loại hình dịch vụ là khâu đột phá, tạo tiền đề cho các thành phần kinh tế khác tham gia vào lĩnh vực này, trong tương lai Đảng ủy, chính quyền xã Hoàng Xá sẽ tiếp tục hoàn chỉnh mạng lưới thương mại - dịch vụ nhằm phát huy hiệu quả hoạt động trên địa bàn.

Song song với đó, địa phương tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư mở rộng thị trường; nâng cấp, củng cố chợ thành khu thương mại dịch vụ; khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hoá, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm sản xuất tại địa phương; tuyên truyền, vận động nhân dân, con em tham gia các lớp đào tạo nghề và hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ.

PV