Phú Thọ: Khẩn trương hoàn thiện các khâu chuẩn bị, sẵn sàng cho “Ngày hội toàn dân”

18:29 29/03/2021

Xác định bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng, tỉnh Phú Thọ huy động tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân sẵn sàng cho ngày bầu cử.

Phó chủ tịch UBTW MTTQVN kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại tỉnh Phú Thọ
Phó Chủ tịch UBTW MTTQVN kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại tỉnh Phú Thọ. 

Theo ghi nhân tại huyện Lâm Thao, đến thời điểm này, huyện đã thành lập 7 đơn vị bầu cử HĐND cấp huyện, 100 đơn vị bầu cử HĐND cấp xã với 103 khu vực bỏ phiếu. Căn cứ kết quả Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất về thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu HĐND huyện nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng đại biểu HĐND huyện là 31 đại biểu. Tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, các đại biểu đã biểu quyết 100% nhất trí thông qua danh sách sơ bộ giới thiệu 62 người ứng cử để bầu ra 31 đại biểu HĐND huyện và danh sách sơ bộ giới thiệu 642 người ứng cử để bầu ra 310 đại biểu HĐND xã, thị trấn nhiệm kỳ 2021-2026.

Đây đều là những người có trình độ chuyên môn, năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, cơ cấu, thành phần đảm bảo theo quy định. Sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện cùng với Ban Thường trực ủy ban MTTQ các cấp tiến hành chuẩn bị các nội dung cho tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú trong khoảng thời gian từ ngày 26/3 đến ngày 6/4 tới, đây là bước quan trọng để chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần thứ ba (dự kiến tổ chức vào ngày 14-18/4 tới) nhằm chốt danh sách người ứng cử.

Khác với huyện Lâm Thao, tại huyện Thanh Thủy công tác chuẩn bị bầu cử cũng khá rầm rộ. Với đặc thù là huyện miền núi, có đông đồng bào DTTS và đồng bào theo đạo công giáo, cùng với tăng cường tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích, khẩu hiệu và tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, tuyên truyền lồng ghép thông qua các hội nghị tại cơ sở, huyện đã sớm tổ chức tuyên truyền, cổ động bằng xe lưu động nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026; chỉ đạo MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò của mình trong việc tham gia công tác bầu cử ở địa phương, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở trong việc triển khai công tác bầu cử, đặc biệt là tại các xã, khu dân cư mới sáp nhập.

Bà Trần Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện cho biết: “Việc tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri lần này có điểm mới so với các kỳ bầu cử trước là trường hợp người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND các cấp không đạt sự tín nhiệm trên 50% số cử tri tham dự hội nghị cử tri nơi cư trú thì không đưa vào danh sách giới thiệu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ ba, trừ trường hợp đặc biệt cần báo cáo rõ tại hội nghị hiệp thương xem xét, quyết định. Xác định đây là bước rất quan trọng nên ngay sau Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện đã tổ chức hội nghị hướng dẫn và chỉ đạo Uỷ ban MTTQ các xã, thị trấn bám sát Luật, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh để tổ chức tốt hội nghị lấy ý kiến cử tri nơi cư trú, phát huy tối đa dân chủ trong nhân dân để lựa chọn được những đại biểu thực sự có phẩm chất, uy tín và năng lực thực hiện nhiệm vụ của đại biểu dân cử”. 

Hội nghị hiệp thương lần hai tại huyện Lâm Thao
Hội nghị hiệp thương lần hai tại huyện Lâm Thao. 

Ủy ban bầu cử huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, MTTQ và các tổ chức thành viên chủ động nắm bắt thông tin, tâm tư, tình cảm của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân liên quan đến công tác bầu cử; làm tốt công tác thẩm định hồ sơ người ứng cử và chuẩn bị kỹ các nội dung tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách chính thức người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. Đặc biệt, cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; hướng dẫn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác bầu cử cho đội ngũ cán bộ làm việc tại các tổ chức phụ trách bầu cử (nhất là các ban bầu cử, tổ bầu cử ở địa phương) góp phần để cuộc bầu cử diễn ra an toàn, thành công.

Thời gian tới, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ huyện sẽ tổ chức các Đoàn giám sát công tác bầu cử. Nếu có những bất cập thì kiến nghị hoàn chỉnh để đảm bảo 16 mốc thời gian chính của công tác bầu cử. Từ nay đến ngày bầu cử 23/5, Ủy ban MTTQ từ huyện đến cơ sở còn một khối lượng lớn công việc cần hoàn thành. Việc chuẩn bị chu đáo từng khâu, từng bước từ huyện đến cơ sở, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cử tri và nhân dân trên địa bàn là yếu tố quyết định đến sự thành công của kỳ bầu cử này, để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân.

Trước đó Đoàn công tác của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực làm Trưởng đoàn đã kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại tỉnh Phú Thọ.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Phú Thọ trong việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026, đồng thời, đồng chí Ngô Sách Thực lưu ý: Ngay sau Hội nghị hiệp thương lần 2, Phú Thọ cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về bầu cử bảo đảm đồng bộ, thống nhất và hiệu quả. Chủ động triển khai các bước công việc theo đúng lộ trình đề ra, đặc biệt là thực hiện tốt công tác chuẩn bị cho Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách chính thức người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.

Ban Chỉ đạo bầu cử tỉnh theo dõi, hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã phê chuẩn khu vực bỏ phiếu; UBND cấp xã thành lập các tổ bầu cử, cập nhật thống kê việc lập và niêm yết danh sách cử tri, danh sách người ứng cử đúng theo quy định… Ủy ban bầu cử các cấp cần tăng cường nắm bắt thông tin kịp thời, tạo điều kiện, bổ sung vào danh sách cử tri khi có người dân đi làm ăn xa về, ngay cả vào thời điểm sát với ngày bầu cử 23-5 tới. Cùng với đó, cần chủ động các phương án để bảo đảm y tế, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp; chú ý công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục làm tốt công tác kiểm tra, giám sát; tổ chức tốt việc tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến công tác bầu cử; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý những vấn đề phát sinh ngay tại cơ sở, để cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 thực sự là ngày hội của toàn dân.

Ngọc Sơn, Sơn Lâm