Phú Thọ: Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” nhiều sáng kiến giúp doanh nghiệp phát triển

16:30 01/08/2022

Từ việc tích cực hưởng ứng Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, tại tỉnh Phú Thọ có nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đã tìm tòi, đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp, góp phần nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định, cải thiện và nâng cao đời sống người lao động.

 

Anh Nguyễn Ngọc Tuyền, Xí nghiệp Supe 2 Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất.
Anh Nguyễn Ngọc Tuyền, Xí nghiệp Supe 2 Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất. 

Năm 2022, thực hiện Chương trình số 3259 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về “Một triệu sáng kiến- vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch COVID-19”, LĐLĐ tỉnh Phú Thọ đã xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình gắn với tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Ông Phạm Sơn- Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Triển khai Chương trình một triệu sáng kiến, nhiều đơn vị đã vào cuộc quyết liệt ngay từ những ngày đầu. Nhiều sáng kiến thể hiện tính thích ứng cao với bối cảnh mới, đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, công tác của cơ quan đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh… Nội dung sáng kiến đa phần tập trung vào đổi mới, sáng tạo nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại nhiều giá trị cho cơ quan đơn vị, doanh nghiệp… Đến hết ngày 31/5, toàn tỉnh đã có 6.418 sáng kiến (vượt chỉ tiêu 928 sáng kiến) của đoàn viên, người lao động trong tỉnh được cập nhật trên hệ thống. Kết quả này là sự đồng lòng, quyết tâm cao của các cấp Công đoàn, đoàn viên, người lao động.

Thời gian qua, LĐLĐ tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các đơn vị các ngành và chỉ đạo các Công đoàn cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, xét duyệt công nhận sáng kiến, cải tiến của CNVCLĐ; xây dựng nội dung thi đua phù hợp với nhiệm vụ từng đơn vị, từng thời kỳ; hỗ trợ kinh phí khen thưởng và động viên kịp thời. Nhờ đó, phong trào ngày càng thu hút đông đảo CNVCLĐ thi đua lao động, sản xuất, đổi mới quy trình, cải tiến kỹ thuật, đem lại hiệu quả cao trong công việc. Trong khối hành chính sự nghiệp, phong trào được cụ thể bằng cải cách lề lối làm việc, cải cách thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ công chức, viên chức công tâm, thạo việc gắn với Cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu”, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” với trọng tâm là “Năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn” đối với công nhân lao động (CNLĐ) trong khu vực sản xuất kinh doanh; Phong trào thi đua “Tham mưu giỏi, phục vụ tốt” đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động khu vực cơ quan hành chính sự nghiệp đã lan tỏa mạnh mẽ, phát huy hiệu quả tích cực đến mọi ngành, nghề, lĩnh vực. Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh (LĐLĐ) triển khai sâu rộng các hoạt động sáng kiến, áp dụng và cải tiến kỹ thuật về cơ sở, chỉ đạo các cấp Công đoàn xây dựng tiêu chí cụ thể, động viên từng cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tích cực tham gia. Nhiều sáng kiến, giải pháp đã giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, cải thiện môi trường làm việc, giải phóng sức lao động, cải cách thủ tục hành chính, từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng tác phong công nghiệp cho đoàn viên, CNVCLĐ. Tổ chức Công đoàn các cấp đã có chính sách khen thưởng kịp thời, khích lệ các cá nhân, tập thể có nhiều sáng kiến, sáng tạo, từ đó thôi thúc lòng hăng say, nhiệt tình cống hiến cho lao động sản xuất của đơn vị. 

Cán bộ, công nhân Công ty CP Hóa chất Việt Trì có nhiều sáng kiến, giải pháp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí.
Cán bộ, công nhân Công ty CP Hóa chất Việt Trì có nhiều sáng kiến, giải pháp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí. 

Được nhiều người biết đến là “cây sáng kiến” của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, kỹ sư Trần Xuân Thành hiện công tác tại Phòng Bảo vệ quân sự-PCCC luôn tự đặt ra cho mình các câu hỏi, vấn đề liên quan đến nhiệm vụ được giao để nghiên cứu đưa ra các sáng kiến cải tiến. Kỹ sư Thành chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Hóa chất Việt Trì, tôi về làm công nhân vận hành máy tại Xí nghiệp NPK Hải Dương. Với mong muốn nâng cao trình độ, tôi được Công ty tạo điều kiện vừa làm vừa học ngành Công nghệ hóa tại trường Đại học Công nghiệp Hà Nội. Tốt nghiêp đại học, tôi được chuyển về công tác ở Phòng Phân tích của Xí nghiệp Lân nung chảy. Từ thực tế công việc được giao tôi đã có gần 20 sáng kiến được Hội đồng sáng kiến Công ty công nhận, được áp dụng vào sản xuất, làm lợi cho Công ty hàng chục tỉ đồng”.

Ông Lê Văn Hoằng- Chủ tịch công đoàn Công ty Supe cho biết: “Ban lãnh đạo Công ty luôn tạo điều kiện hỗ trợ để cán bộ, người lao động phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Đối với những sáng kiến được áp dụng vào thực tế, Công ty có chính sách khen thưởng động viên kịp thời. Công đoàn Công ty cũng thường xuyên tuyên truyền, động viên người lao động tích cực tham gia các phong trào thi đua, trong đó tập trung vào Phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” để có những đóng góp trực tiếp, làm lợi cho doanh nghiệp. Năm 2021, người lao động trong Công ty đã có 325 đề tài, sáng kiến của 657 tác giả được công nhận, đạt tổng giá trị làm lợi trên 130 tỉ đồng.

Chính từ thực tế công việc hàng ngày, từ lòng yêu nghề, say mê công việc người lao động đã đưa ra những sáng kiến hữu hiệu, phù hợp. Có những sáng kiến không đong đếm được bằng hiệu quả kinh tế mà bằng hiệu quả xã hội. Không thể kể ra hết các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật mà đoàn viên, CNVCLĐ của tỉnh đóng góp trong suốt những năm vừa qua, nhưng có thể khẳng định, Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Công đoàn các cấp phát động đã được nhân rộng và có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đônag đảo đoàn viên tham gia và được ứng dụng vào thực tiễn lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác của từng ngành nghề, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp. Tính đến hết tháng 5/2022, toàn tỉnh có gần 6.000 đề tài, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật của đoàn viên, người lao động được áp dụng vào sản xuất, công tác, làm lợi trên 6 tỉ đồng; hơn 40 công trình sản phẩm được thực hiện với giá trị đầu tư trên 2,5 tỉ đồng…

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào, thời gian tới, các cấp Công đoàn cơ sơ tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, tổ chức các phong trào thi đua, hướng mạnh về cơ sở. Phong trào thi đua lao động sáng tạo do LĐLĐ tỉnh Phú Thọ phát động không chỉ khuyến khích tinh thần lao động sáng tạo, mà còn tạo “sân chơi” trí tuệ để CNVCLĐ thể hiện vai trò, trách nhiệm đối với công việc. Từ đó, ngày càng có nhiều sáng kiến, giải pháp hợp lý hóa sản xuất, rút ngắn thời gian thực hiện công việc, mang lại hiệu quả cao.

PV