Phú Thọ: Doanh nghiệp vượt khó trước nguy cơ thiếu hụt lao động do F0 tăng cao

12:22 16/03/2022

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn tỉnh những ngày qua luôn ở mức cao. Số lượng công nhân, người lao động mắc COVID-19 cũng tăng lên dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động, gây khó khăn cho sản xuất của các doanh nghiệp. Trước thực trạng này, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những điều chỉnh, thay đổi để vừa mở cửa sản xuất, kinh doanh vừa ngăn chặn dịch bệnh, thích ứng an toàn trong tình hình mới.

Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1 thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn cho công nhân, lao động
Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1 thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch để đảm bảo an toàn cho công nhân, lao động. 

Năm 2022, Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1 (KCN Thụy Vân, thành phố Việt Trì) đặt mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô, xe máy, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đề ra trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đơn vị siết chặt công tác phòng chống dịch; yêu cầu toàn bộ công nhân hạn chế tiếp xúc, không ra khỏi chỗ làm nếu không cần thiết nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời linh hoạt điều chỉnh các biện pháp sản xuất, ưu tiên thực hiện trước các đơn hàng gấp. Tuy nhiên, từ giữa tháng 2/2022 đến nay, Công ty liên tục phát sinh các trường hợp F0, F1. Hiện, doanh nghiệp có hơn 170 công nhân là F0, F1 trên tổng số trên 1.500 lao động đang phải cách ly, điều trị COVID-19.

Chị Vũ Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1 cho biết: Để đảm bảo tiến độ sản xuất, Công ty khuyến khích người lao động tăng ca, làm thêm giờ, làm thêm vào ngày nghỉ. Mỗi ngày người lao động sẽ làm thêm 2 - 3 giờ. Các chế độ cho công nhân đều được Công ty thực hiện đầy đủ và có thêm tiền thưởng tăng ca. Bởi vậy nên công nhân lao động cũng đều nỗ lực cùng Công ty vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hiện nay số công nhân là F0, F1 tăng cao theo từng ngày ở các KCN, CCN, tuy nhiên chưa có doanh nghiệp nào phải ngừng hoạt động. Tại Công ty cổ phần May Hùng Vương (phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì) một số dây chuyền sản xuất hiện chỉ đạt 80% công suất so với trước.

Bà Nguyễn Thị Huyền Oanh - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần May Hùng Vương cho biết: Để khắc phục tình trạng này, Công ty phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất theo hướng tập trung ưu tiên sản xuất các đơn hàng cần giao sớm, có số lượng lớn; đồng thời thực hiện tăng ca. Tuy nhiên, nếu dịch tiếp tục diễn biến phức tạp, thời gian tới Công ty sẽ tổ chức “3 tại chỗ” cho người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh để đảm bảo không bị đứt gãy sản xuất.

Ông Nguyễn Ngọc Hanh - Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ cho biết: Hiện có khoảng 7.000 ca nhiễm COVID-19 trong các KCN, CCN. Với số lao động bị nhiễm COVID-19 tăng dẫn đến các trường hợp tiếp xúc gần ca bệnh (F1) phải cách ly y tế cũng tăng cao khiến cho nhiều doanh nghiệp trong KCN, CCN đứng trước nguy cơ thiếu hụt lao động cho sản xuất. Một số doanh nghiệp không đảm bảo được công suất và tiến độ đơn hàng, tiềm ẩn nguy cơ mất hợp đồng của khách hàng truyền thống và phải đền bù đơn hàng. 

Công nhân Công ty cổ phần May Hùng Vương sản xuất sản phẩm
Công nhân Công ty cổ phần May Hùng Vương sản xuất sản phẩm. 

Với phương châm tận dụng các cơ hội để mở cửa sản xuất, kinh doanh, ngay những tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp để thích ứng với tình hình mới. Trước thực trạng nhiều lao động phải nghỉ để cách li, điều trị COVID-19, một số doanh nghiệp đã tuyển dụng lao động thời vụ để bù cho số lao động bị thiếu hụt; đồng thời, thực hiện đàm phán với các đối tác để giãn, hoãn thời gian giao hàng. 

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cũng lo ngại nếu dịch bệnh không được khống chế mà tiếp tục lây lan rộng thì khó khăn sẽ ngày càng tăng lên dẫn đến nguy cơ đứt gãy, tạm ngừng sản xuất. Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp cũng phải bỏ ra rất nhiều chi phí cho công tác phòng, chống dịch như: Chi phí phun khử khuẩn, test COVID-19, chi phí trả lương cho người lao động nghỉ việc cách ly; nguyên vật liệu tăng cao do giá xăng dầu tăng... trong khi hàng hóa sản xuất bị hạn chế ảnh hưởng đến doanh thu.

Để hỗ trợ doanh nghiệp sớm vượt qua giai đoạn này, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp đã rà soát, nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng lao động để đưa ra các phương án hỗ trợ phù hợp; đồng thời kết nối với các địa phương và trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh để hỗ trợ tìm nguồn lao động cho doanh nghiệp.

“Hiện trên 90% công nhân, lao động tại các KCN, CCN đã được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định phòng dịch bởi việc thực hiện tốt “5K” kết hợp với phát hiện sớm, cách ly kịp thời ca bệnh sẽ hạn chế được việc lây nhiễm trên diện rộng, đảm bảo sức khỏe cho công nhân, lao động” - ông Nguyễn Ngọc Hanh cho biết.

Việc chuyển trạng thái phòng, chống dịch để đẩy mạnh phát triển kinh tế vừa là cơ hội song cũng là những thách thức mới đối với các doanh nghiệp. Để thích ứng, phát triển trong tình hình mới, mỗi doanh nghiệp cần triệt để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để công nhân, lao động không lơ là, chủ quan. Đồng thời, thực hiện tốt các chế độ đối với người lao động là F0, F1; qua đó động viên công nhân lao động đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.

PV