Phú Quang: Sáng tác và kinh doanh âm nhạc không thể tách rời

00:00 12/10/2020

Phú Quang thì nổi tiếng quá rồi. Âm nhạc của ông chảy tràn trong đời sống. Ông đi đến đâu đều có người hâm mộ. Công chúng không chỉ hâm mộ các sáng tác âm nhạc của ông, mà họ còn đặc biệt hâm mộ tài kinh doanh của ông nữa. Ông kinh doanh gì vậy? Xin thưa, ông kinh doanh chính mình. Kinh doanh các tác phẩm mình sáng tạo ra, kinh doanh chính hình ảnh của mình.

Một năm trung bình ông có tới 5 hoặc 6 đêm diễn, và kỳ lạ là đêm nào cũng kín khán giả

Dĩ nhiên âm nhạc cũng như hương hoa vậy, nó luôn đúng với câu “hữu xạ tự nhiên hương”. Tuy nhiên trong đời sống thực ta không thể phủ nhận là đôi lúc “hữu xạ” đấy nhưng “tự nhiên hương” lại chẳng mấy. Có không ít nghệ sĩ tài năng, mà tác phẩm của họ lại ít được công chúng biết đến. Hình ảnh của họ cũng không có sức hút nhiều trong mắt khán giả. Nhiều người thường xuyên phải sống trong cảnh túng quẫn, tác phẩm viết ra không biết cách nào để đưa chúng vào đời sống, đến tận lúc mất đi vẫn không thể có một triển lãm riêng, một show diễn riêng, một cuốn sách riêng. Ở ta, người nghệ sĩ vẫn quan niệm rằng, công việc của họ là lao động sáng tạo. Họ không quan tâm nhiều đến công chúng, thị trường càng không. Người sáng tạo cũng quen quan niệm là họ phải sống chung với cái nghèo, cái thiếu thốn.
Phú Quang dường như không đồng tình với những quan niệm ấy. Ông chẳng khi nào nói ra điều đó với truyền thông, nhưng cứ nhìn cách ông kinh doanh tác phẩm của mình thì có thể thấy, ông chính là người nhạy nhất, biết cách nhất trong việc phổ cập các giá trị nghệ thuật mình tạo ra vào trong công chúng. Bạn bè gặp Phú Quang vẫn đùa, ông “bán mình” giỏi nhất. Phú Quang rất vui vẻ với hai chữ “bán mình” đó. Với ông, đời một người nghệ sĩ là cả một kho tàng với rất nhiều tài sản quý trong đó. Những niềm vui nối buồn, những hạnh phúc đau khổ, những ý tưởng mới cũ hay điên rồ, những câu chuyện riêng chung…đều có thể biến chúng trở thành món ăn tinh thần cho khán giả, để từ đó họ có thể nhận một thông điệp cho riêng mình về cuộc sống, về tình yêu, về thân phận con người. Phú Quang sớm biết tổ chức các show âm nhạc của ông. Hồi mới vào Sài Gòn, ông mở quán cà phê, rồi lấy đó làm sân khấu nhỏ, nơi thu hút những người yêu nhạc của ông đến. Các nghệ sĩ được mời đến hát theo yêu cầu khán giả. Dĩ nhiên những bài hát của Phú Quang. Và dĩ nhiên, Phú Quang biết số lượng những người mến mộ âm nhạc của ông không hề nhỏ. Quán cà phê tồn tại theo cách đó đủ sức nuôi người nhạc sĩ để ông yên tâm sáng tác. Tiền dư dả ông đầu tư nhà hàng. Nhà hàng của Phú Quang ở cả Sài Gòn và Hà Nội. Làm ông chủ kinh doanh, nhưng chưa khi nào Phú Quang quên âm nhạc, chưa khi nào ông xem âm nhạc là công việc thứ hai. Từng nếm trải rất nhiều cay đắng từ thời trẻ, từ khi mới bắt đầu bước vào đời, chịu những thua thiệt từ tính ngay thẳng của mình nên Phú Quang không cho phép mình mình nghèo. Theo quan điểm của riêng ông, một người có tài là phải biết tạo ra một cuộc sống đầy đủ cho chính mình, không trông đợi vào sự giúp đỡ của bất kỳ ai.
Việc mở nhà hàng, quán cà phê hay kinh doanh một mặt hàng nào đó thì nhiều nghệ sĩ đã từng làm, Phú Quang không phải là ngoại lệ. Nhưng cũng không ít nghệ sĩ kinh doanh một hồi thì lỗ, thì phá sản. Và họ nghiệm ra rằng, kinh doanh không phải là con đường trải hoa hồng, nó cam go, khốc liệt hơn cả khi họ ngồi trong không gian của mình và sáng tác ra một tác phẩm nào đó. Phú Quang kinh doanh, nhưng ông vẫn luôn lấy nghệ thuật làm chủ đạo, làm một cái trục chính để xoay quanh. Và nghệ thuật không phải của ai khác, nghệ thuật là của chính ông tạo ra. Tự làm show diễn của mình, làm thường xuyên đều đặn hàng năm, thì ở nước mình, mới chỉ riêng Phú Quang là nhạc sĩ duy nhất có thể. Những bầu sô chuyên tổ chức các đêm ca nhạc đều hiểu sâu sắc các mối nguy của công việc này. Đầu tư cho một đêm diễn ngốn tiền tỷ, từ âm thanh ánh sáng đến cát-xê ca sĩ, tác quyền tác phẩm. Câu chuyện bán vé là câu chuyện lo âu, hồi hộp bậc nhất. Những đêm diễn chật ních khán giả là ước mơ của bất kỳ nhà tổ chức nào, và nó phải chật ních khán giả thì mới có lãi. Chương trình nào đầu tư lớn, chơi sang, chật khán giả có khi mới hòa vốn. Còn rủi mà vắng khán giả thì xem như lỗ vốn to là nhỡn tiền. Và chỉ vài sô “lỗ vốn to” là một nhà tổ chức có thể đi tong số tiền lớn, không dễ bù lại được. Phú Quang không nhớ mình đã tổ chức bao nhiêu đêm diễn. Trước đây, thường một năm, vào cuối thu đầu đông ông sẽ tổ chức từ 2 đến 3 đêm tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ông yêu mùa mùa thu Hà Nội và âm nhạc của ông cũng cực kỳ hợp để khán giả nghe vào dịp cuối thu đầu đông. Mấy năm nay theo nhu cầu của công chúng, Phú Quang tổ chức sô thêm vào đầu năm, dịp mùng 8.3. Như vậy hòm hòm một năm trung bình ông có tới 5 hoặc 6 đêm diễn. Và kỳ lạ là đêm nào cũng kín khán giả. Vé có khi bán hết từ trước khi đêm nhạc diễn ra.

Phú Quang có bí quyết gì để hút khán giả vậy?

Đầu tiên phải nói chính âm nhạc của ông có sức hút mạnh mẽ với khán giả. Chất lãng mạn, tự sự trữ tình trong các ca khúc của ông làm đắm đuối nhiều thế hệ nghe nhạc. Đề tài tình yêu trong phần lớn các ca khúc của ông cũng phù hợp với hầu hết các concept âm nhạc biểu diễn sân khấu. Không quá tìm kiếm ở những đề tài khó, không tự làm rắc rối mình trong tiết tấu, âm nhạc Phú Quang giống như một mùi hương dịu dàng, lắng sâu mà ám ảnh tâm trí người nghe. Phải nói rằng đây là một thứ âm nhạc dù sâu sắc nhưng dễ nghe, dễ cảm, và dễ lấy được tình yêu của đông đảo công chúng. Nó có chất gây nghiện riêng, đặc biệt là với khán giả nữ. Tiếp theo, phải nói đến cách tổ chức của Phú Quang qua từng đêm nhạc. Ông rất biết chắt chiu, nhấn nhá trong cách đưa những bài hát mới sáng tác ra kèm với những bài hát công chúng đã nghe nhiều lần, đã thuộc nằm lòng. Cách phối các bài hát quen thuộc để mỗi lần lại được vang lên theo một cách mới của ông, hay theo một cách mới của ông khiến cho khán giả có thể nghe lại hàng năm một bài hát cũ mà không nhàm chán. Tiếp theo đó là cách chọn ca sĩ cho mỗi sô diễn của Phú Quang. Ông là người chối bỏ quan điểm, một chương trình ca nhạc hay phải nhiều “sao”.  Đối với Phú Quang, hoàn toàn có thể bán hết vé một đêm diễn của ông mà không cần dày đặc các tên tuổi hot. Ông thậm chí còn liên tục để mắt tìm kiếm những giọng hát mới và đưa họ lên sân khấu. Dĩ nhiên giọng hát đó phải phù hợp với âm nhạc của ông, mang tới một phong vị riêng trong âm nhạc của ông. Ông cũng tự tin rằng, một ca sĩ chưa có tên tuổi mấy, đến với âm nhạc của ông sẽ trở thành tên tuổi. Phú Quang không nuông chiều ca sĩ. Trong không gian âm nhạc Phú Quang, thì âm nhạc là tối thượng, không phải ca sĩ là tối thượng. Tham gia vào chương trình của Phú Quang, các ca sĩ phải hát bài hát của ông theo cách mà ông muốn, cách mà ông cho rằng nó thể hiện rõ tinh thần của ông nhất. Những ngôi sao hàng đầu, hát nhạc Phú Quang trên sân khấu khác có thể thoải mái tung hứng, bóp méo, thể hiện cá tính của mình qua bài hát, nhưng hát trong chương trình của Phú Quang đều phải “khuất phục” ông. Phú Quang không thích cách ca sĩ đối xử với ca khúc của ông một cách thái quá, đi quá xa với ý đồ âm nhạc ông thể hiện trong bài hát. Ông cũng nổi tiếng là một người “đanh đá” trong phát ngôn, không nhượng bộ, dĩ hòa vi quý.

Ông sáng tác hay, nhưng cũng là người "bán hàng" cực giỏi

Còn điều này nữa Phú Quang ít khi trả lời trên báo chí, nhưng bạn bè ông thì biết, là ông có mối quan hệ  thân thiết với thủ lĩnh của nhiều doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Phần lớn họ đều mê âm nhạc của ông. Không những thế, những người thủ lĩnh doanh nghiệp này còn làm lây lan tình yêu âm nhạc Phú Quang đến cấp dưới của họ. Có khi cả một công ty không ai bảo ai, giám đốc với nhân viên đều  mua vé xem chương trình của Phú Quang. Người viết từng xem nhiều chương trình Phú Quang và ở một số chương trình thấy có đến một nửa nhà hát là khán giả đến từ một doanh nghiệp. Thậm chí có khán giả còn cuồng đến nỗi, họ trả lời rằng năm nào họ cũng đợi để xem chương trình của Phú Quang, họ nghiện nhạc của ông. Biết mình nhận được tình yêu lớn từ phía khán giả nhưng Phú Quang chưa khi nào chủ quan hay ỷ vào tình yêu đó. Mỗi năm để thực hiện chương trình của mình, ông vắt óc tìm ý tưởng mới. Những bài hát có thể cũ, vì bài hát mới ở đâu ra mà nhiều thế hàng năm, nhưng cách thể hiện của ca sĩ phải mới, hòa âm phối khí phải mới, cách dàn dựng sân khấu phải mới. Với đầu óc của một người không chỉ sáng tác mà còn làm kinh doanh giỏi, Phú Quang hiểu rằng, để thực khách ăn mãi một món ăn mà không hề chán, thì đầu bếp phải là người chế biến cực giỏi. Gia giảm, nêm nếm thế nào để hương vị mỗi lần khách thưởng thức món ăn đó phải khác nhau, nhưng là tuyệt vời như nhau thì họ mới cảm thấy hấp dẫn, thậm chí thấy tò mò muốn trở lại đều đặn. Nói về độ nhạy với thị trường, Phú Quang là người đại tài chứ chẳng phải đùa. Ông sáng tác hay, nhưng cũng là người bán hàng cực giỏi.

Bình Nguyên Trang