Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng: Cần thành lập Quỹ phát triển nhà ở

16:07 28/11/2022

Thực tế việc phát triển dự án nhà ở vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; cơ cấu dự án nhà ở có giá phù hợp thu nhập của người dân chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

Tại Hội thảo Góp ý cho dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức sáng 28/11 có đề cập tới ý kiến của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho rằng, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2014 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, tạo sự phát triển cho khu vực đô thị và nông thôn. Số lượng nhà ở tăng lên đáp ứng nhu cầu của người dân; yêu cầu nhà ở lồng ghép vào dự án đã được triển khai thực hiện… 

Nhà ở xã hội cung chưa đủ cầu
Nhà ở xã hội cung chưa đủ cầu.

Tuy nhiên, phát triển dự án nhà ở vẫn chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra; cơ cấu dự án nhà ở có giá phù hợp thu nhập của người dân chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Còn tình trạng chồng chéo giữa Luật Nhà ở với các luật khác như Đất đai, Đầu tư, các pháp luật chuyên ngành khiến hoạt động đầu tư của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính trong Luật Nhà ở còn rườm rà, làm tăng thủ tục, phát sinh chi phí hoạt động đầu tư xây dựng, ảnh hưởng đến quá trình phát triển dự án nhà ở thời gian qua.

Từ thực tế đó, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã tiến hành đánh giá, tổng kết việc thực thi Luật Nhà ở năm 2014, xây dựng dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với 13 chương và 222 điều, gồm 8 nhóm chính sách: Sở hữu nhà ở; chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; chính sách về nhà ở xã hội; quản lý, sử dụng nhà ở… Hiện, Bộ Xây dựng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, dự kiến trình Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 12 tới trước khi trình Chính phủ. 

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Lê Cao Tuấn chia sẻ tại Hội nghị
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Lê Cao Tuấn chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh Đ.Thanh

Đáng chú ý, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng Lê Cao Tuấn đề nghị: Để phát triển nhà ở xã hội, nếu chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước là không đủ. Do đó, cần thành lập Quỹ phát triển nhà ở (có thể nằm trong Ngân hàng Chính sách xã hội) và quy định bắt buộc người có nhu cầu mua nhà ở xã hội phải tiết kiệm 50% tiền mua nhà trong thời gian tối thiểu 5 năm như một số nước (Đức, Nhật Bản…).

Phó Viện trưởng Lê Cao Tuấn nêu ví dụ: Nếu giá trị căn nhà mà người có nhu cầu mua nhà ở xã hội là 1 tỷ đồng thì họ sẽ phải đóng góp 500 triệu trong 5 năm đầu, sau 5 năm sẽ được Nhà nước cho vay thêm 500 triệu để mua nhà. Như vậy sẽ tránh tình trạng người giàu đi mua nhà ở xã hội để trục lợi như đã từng xảy ra, đồng thời bảo đảm được nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập thấp, đúng tiêu chí của nhà ở xã hội.

PV (t/h)