Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình gặp mặt đoàn đại biểu doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu thuộc VINASME

21:20 07/01/2021

Chiều 7/1, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã gặp mặt đoàn đại biểu doanh nghiệp, doanh nhân tiêu biểu thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME)

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà lưu niệm cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà lưu niệm cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ảnh: Doãn Tấn.

Tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng khẳng định, doanh nghiệp, doanh nhân luôn có vị trí đặc biệt, là động lực phát triển và đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nghị quyết, chủ trương, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính, hỗ trợ DN nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển. Đặc biệt, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (tháng 6/2017), đưa ra mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Trong gần hai thập kỷ qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển đột phá, góp phần giải phóng và phát triển sức sản xuất, huy động các nguồn lực vào phát triển kinh tế-xã hội, duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các vấn đề xã hội.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận, đánh giá cao và chúc mừng với những thành tích, kết quả đạt được của Hiệp hội, các DN nhỏ và vừa thời gian qua.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà lưu niệm cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tặng quà lưu niệm cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.

Cũng tại buổi tiếp, TS. Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch VINASME cho biết:  Dưới sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Thường trực Chính phủ, Chính phủ đã hoàn thành trọn vẹn 12/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội trong 3 năm liên tiếp, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Chính nhờ có những kết quả như vậy, Chính phủ đã tạo được “sức khỏe” và niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và người dân nói chung...

Những kết quả mà nước ta đạt được trong thời gian qua không thể không kể đến những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng. Đứng trước những khó khăn, thách thức toàn cầu, các doanh nghiệp của ta đã chủ động thay đổi phương thức kinh doanh, tìm kiếm các đối tác, nguồn hàng và thị trường tiêu thụ mới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 2,9% trong năm nay. Bằng chứng cụ thể là ngay sau khi Hiệp định thương mại tự do EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam qua EU các tháng 8, 9, 10 lần lượt tăng 4,2%, 8,7% và 6,3% so với cùng kỳ năm 2019. Có thể nói, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nói riêng đã có sự chuyển biến rõ rệt trong tư duy và hành động. Đa số các doanh nghiệp hiện nay đã chuẩn bị sẵn sàng cho mình một tâm thế “đổi mới, cầu thị, hợp tác và thành công”.

Ảnh toàn cảnh
Ảnh toàn cảnh.

Mặc dù Chính phủ đã vào cuộc hết sức quyết liệt và bản thân các doanh nghiệp cũng đã chủ động thích ứng với những biến đổi của thị trường, nhưng nhìn chung chúng tôi vẫn đối diện với nhiều thách thức, từ kết nối giao thương, nguồn lực tài chính đến khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ của Nhà nước… Do vậy, thay mặt cho cộng đồng doanh nghiệp, chủ tịch VINASME kiến nghị: Chính phủ cân nhắc giảm một số tiêu chí đấu thầu, chia nhỏ các dự án lớn để các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước có thể tham gia nhiều gói thầu; đồng thời có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này về vốn tín dụng, tư vấn, chuyên gia... ; Chính phủ nên tiếp tục có những cơ chế, chính sách phát triển thị trường nội địa trên tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các dịch vụ liên quan tới du lịch, vui chơi, giải trí, ăn uống cần được chú trọng mở rộng vào ban đêm và nhân rộng trên quy mô toàn quốc; tăng cường nguồn lực tài chính và con người cho các quỹ BLTD, đồng thời cải tổ cơ chế hoạt động và giảm bớt các thủ tục bảo lãnh vay; kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành những cơ chế, chính sách vượt trội để thu hút các nhà đầu tư FDI, nhưng trước hết là cần tập trung vào cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy áp dụng chính phủ điện tử; Chính phủ cần có cơ chế để liên kết, tập hợp các tổ chức này, đảm bảo việc phối hợp triển khai nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hội viên và tham vấn chính sách cho Chính phủ một cách hiệu quả nhất... 

TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch sáng lập Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia

TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch sáng lập Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia
TS. Đinh Việt Hòa - Chủ tịch sáng lập Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia.

Với sứ mệnh: “Là nơi ươm mầm và nâng tầm doanh nhân Việt” để thực hiện khát vọng “Phụng sự dân tộc, hưng thịnh Quốc gia” của Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia (Vinen) thì Vinenmart làm nhiệm vụ thúc đẩy kinh doanh, nâng tầm thương hiệu Việt. Tôi xin đề xuất 3 giải pháp trước mắt cho cộng đồng doanh nghiệp: Thúc đẩy kết nối cung cầu thông qua sàn thương mại điện tử Vinenmart; Cho phép Vinen triển khai thử nghiệm các hình thức kết nối cung cầu những nhà đầu tư cho các doanh nghiệp theo hình thức “Vay ngang hàng” (P2P). Đây sẽ là giải pháp rất hữu hiệu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tìm kiếm được nguồn đầu tư, và huy động được sức mạnh từ xã hội; Lập Quỹ trợ giá Quốc gia nhằm đẩy mạnh kết nối cung cầu. Đây là quỹ trợ giá tiêu dùng chỉ có thể xảy ra, khi người bán và người mua thực hiện nhằm đẩy mạnh các giao dịch mua bán.

Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia mà tôi đã khởi xướng và hoạt động trong vòng 5 năm qua, cũng là thời gian mà nhiệm kỳ của Chính Phủ Việt Nam, cá nhân tôi, một nhà khoa học, một giảng viên, một tác giả, dịch giả của nhiều cuốn sách về lãnh đạo và khởi nghiệp, là người hoạt động doanh nghiệp tôi cảm nhận được sâu sắc về những khát vọng, mong muốn, với những nỗ lực hết mình bằng tâm, trí của lãnh đạo Chính phủ cho doanh nhân. Và cá nhân tôi, rất mong muốn được viết một cuốn sách có tiêu đề “Chính phủ của doanh nhân” để viết về lại những ước mơ, những khát vọng và đặc biệt là những hành động cụ thể mà Chính phủ đã làm cho doanh nhân trong thời gian qua và trong những năm tới để cuốn sách thành sách gối đầu giường cho doanh nhân học hỏi, nắm bắt được cơ hội và vững bước trên hành trình doanh nhân.

Doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Trang – Phó Chủ tịch HĐQT – Phó Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần Đầu tư – Xây dựng Thiên Lộc

Cùng với nỗ lực của Chính phủ, toàn xã hội, hiện nay các hoạt động xã hội và kinh tế trở lại bình thường, bản thân doanh nghiệp của tôi nói riêng và các doanh nghiệp nói chung đã và đang phát huy sự năng động, sáng tạo, tăng cường liên kết, hợp tác để “biến nguy thành cơ”. 

Có thể nói doanh nghiệp là bộ phận quan trọng tạo ra của cải cho xã hội, tạo việc làm. Đây cũng là bộ phận góp phần kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Thực tế đã chứng mình rằng, chỉ cần “doanh nghiệp không bị phá sản thì doanh nghiệp sẽ sớm phục hồi” và sẽ phát triển lại mạnh mẽ trong điều kiện bình thường mới. Trong thời gian tới theo tôi, cần có các giải pháp cần rõ ràng, cụ thể và phù hợp tiềm lực để DN cảm thấy an tâm.

Doanh nhân Lê Văn An - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sơn APG

Hiện nay, việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn gặp nhiều khó khăn. Nhà nước và các ngân hàng thương mại nên hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc gở bỏ hợp lý rào cản, đặc biệt là tăng thời hạn vay vốn cho các doanh nghiệp có kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh dài hạn; tăng hạn mức cho vay phù hợp với với nhu cầu của doanh nghiệp; Linh hoạt mức lãi suất cho DN vay vốn; giảm thời gian thẩm định hồ sơ vay vốn...

Cần thiết phải triển khai các hoạt động tư vấn, hỗ trợ vay vốn và điều chỉnh lại điều kiện tín dụng phù hợp với các doanh nghiệp. Mặt khác, cần phối hợp đồng bộ giữa cơ chế quản lý và tín dụng nhằm hợp lý hóa thủ tục cho vay, đẩy nhanh tốc độ giải ngân, xây dựng quy trình cho vay phù hợp với doanh nghiệp, áp dụng điều kiện cho vay phù hợp, cắt giảm các chi phí giao dịch không chính thức.

Doanh nhân Nguyễn Trọng Thành - Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần TM&DV VNTIS Việt Nam

Doanh nhân Nguyễn Trọng Thành - Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần TM&DV VNTIS Việt Nam
Doanh nhân Nguyễn Trọng Thành - Tổng Giám Đốc Công ty Cổ phần TM&DV VNTIS Việt Nam.

Hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp phải những khó khăn đang gặp phải như: Chính sách pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, môi trường cạnh tranh kinh doanh trong tỉnh, vấn đề lao động… Bởi vậy theo tôi, cần hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, kết nối trong việc tiếp cận vốn, chính sách…đặc biệt cần trực tiếp tháo gỡ khó từng khó khăn cụ thể. Điều này là hết sức có ý nghĩa, bởi trong quá trình sản xuất kinh doanh của bất cứ doanh nghiệp nào cũng nảy sinh những vướng mắc, khó khăn, đôi khi là những khó khăn đó ảnh hưởng trực tiếp đến sự an nguy của doanh nghiệp.

Thu Giang - Anh Dũng

Tags: