Phim Hollywood chật vật giữa "bão" quy định của Trung Quốc

15:10 08/10/2021

Hollywood đã mất nhiều năm để chinh phục khán giả Trung Quốc nhưng những quy định nghiêm ngặt và khó lường trở thành rào cản lớn nhất để tồn tại tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Phim Hollywood chật vật giữa
Phim Hollywood chật vật giữa "bão" quy định của Trung Quốc. (Ảnh: AP, Reuters, Getty Images)

"Mọt phim" Trung Quốc vẫn chưa được chào đón thêm bất kỳ tác phẩm nào thuộc sê ri Marvel kể từ "Spider-Man: Far From Home" ra mắt năm 2019. Những tựa phim "hot" mới nhất như "Black Widow" và "Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings" chưa ấn định ngày công chiếu tại Trung Quốc đại lục mặc dù đã được xuất hiện rộng rãi tại thị trường nước ngoài. Thay vào đó, những người yêu điện ảnh tại đây đón lễ Quốc Khánh bằng những bộ phim "cây nhà lá vườn" như "The Battle at Lake Changjin".

Hollywood đã mất nhiều năm để chinh phục khán giả Trung Quốc nhưng những quy định nghiêm ngặt và khó lường trở thành rào cản lớn nhất để tồn tại tại thị trường đông dân nhất thế giới.

Theo số liệu từ Maoyan Entertainment, nền tảng dịch vụ vé xem phim và dữ liệu cho thấy, trong năm 2020, doanh số phim chiếu rạp tại Trung Quốc đã vượt qua Mỹ với tổng cộng 3,1 tỷ đô la. Trong đó, nhiều bom tấn Mỹ hưởng lợi từ thị trường Trung Quốc đại lục. "Avengers: Endgame" năm 2019 thu về gần 629 triệu đô la tại Trung Quốc và 858 triệu đô tại Mỹ. Một số tác phẩm Hollywood thậm chí phụ thuộc vào thị trường tỷ dân, chẳng hạn như "Skyscraper" năm 2018 với hơn 68 triệu đô tại Mỹ nhưng đạt hơn 98 triệu đô la tại "nước bạn".

Mặc dù là thị trường khó tính, khó lường nhưng Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong các quyết định của giới làm phim Mỹ, kể cả khi phải thay đổi cảnh quay, bối cảnh nhằm tiếp cận thị trường này. Một đoạn giới thiệu phim "Top Gun" cho thấy hình ảnh Quốc kỳ Nhật Bản và Đài Loan trên chiếc áo khoác da của nhân vật chính, Maverick đã bị loại bỏ nhằm tránh phật lòng các nhà quản lý Trung Quốc. Tháng 6, ngôi sao "Fast & Furious 9", John Cena phải xin lỗi các fan hâm mộ Trung Quốc vì đã coi Đài Loan là "một quốc gia" trong đoạn video quảng cáo cho bộ phim. "Fast & Furious 9" kiếm được 204 triệu đô la tại Trung và 173 triệu tại Mỹ.

Các studio và minh tinh thường xuyên vướng vào các cuộc tranh luận trên truyền thông Trung Quốc. Với sự xuất hiện của dàn diễn viên hầu hết là người châu Á, "Shang-Chi" được đánh giá cao và sinh lợi khủng: Doanh thu phòng vé ở Mỹ đạt 200 triệu đô la Mỹ và thu về 388 triệu đô la trên toàn thế giới tính đến ngày 5 tháng 10, theo Box Office Mojo. Nhưng khi bộ phim được quảng bá ở nước ngoài, cư dân mạng Trung Quốc đã chỉ trích các ngôi sao Simu Liu và Awkwafina không phù hợp với tiêu chuẩn vẻ đẹp truyền thống của nước này. Bên cạnh đó, một số ý kiến lo ngại bộ phim "Eternals" sắp tới sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo ngày phát hành bởi đạo diễn phim từng vướng nhiều tranh cãi. 

Aynne Kokas, tác giả cuốn sách "Hollywood Made in China" cho hay: "Nếu tôi là một nhà đầu tư, tôi sẽ rất lo ngại về chiến lược tại thời điểm này phụ thuộc vào thị trường trung Quốc và cơ quan quản lý điện ảnh". Trung Quốc cho phép 34 phim nước ngoài được phát hành tại đại lục mỗi năm nhưng không được chiếu vào dịp lễ lớn như Quốc Khánh. Như vậy, các hãng phim đối mặt với tình thế khó xử: Chờ đợi ngày phát hành có khả năng làm xáo trộn các kế hoạch quốc tế nhưng nếu phát hành trước có khả năng khiến dân Trung bỏ phim vì vi phạm bản quyền.

Các đại diện của ngành công nghiệp phim Hoa Kỳ đã đàm phán với cơ quan quản lý Trung Quốc trong nhiều năm nhằm mở rộng hạn ngạch phim nước ngoài. Hai bên dự kiến ​​sẽ nối lại các cuộc đàm phán vào năm 2017 nhưng vẫn chưa có chuyển biến tích cực. Phía Trung Quốc cũng đang đàn áp ngành công nghiệp giải trí nước nhà, báo hiệu khả năng tiếp cận thị trường ngày càng hạn hẹp. Stanley Rosen, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Nam California, chỉ ra hiện là thời điểm nguy hiểm cho phim nước ngoài và Hollywood tấn công thị trường này: "Hãy nhìn tất cả những quy định đóng cửa các fansite của người hâm mộ, loại bỏ lợi nhuận dịch vụ giáo dục tư nhân,...". Phát trực tuyến cũng trở thành trở ngại đối với các hãng phim của Hollywood. Nội dung nước ngoài bị giới hạn ở mức 30% mỗi năm và việc kiểm duyệt đang được thắt chặt. Các hãng phim bày tỏ mối quan ngại với các đại diện thương mại của Hoa Kỳ về cả thị trường rạp chiếu và phát trực tuyến ở Trung Quốc

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc vẫn chưa thể bị đẩy lùi. Rosen cho hay: "Ngoài Bắc Mỹ, không có thị trường nào đạt được thành tựu như Trung quốc. Ấn Độ đông dân nhưng rất khó để người Ấn chi tiêu mạnh tay như vậy. Các nhà làm phim Hollywood buộc phải tiếp tục tin tưởng vào Trung Quốc". Cũng theo Rosen, Ấn Độ là nước làm nhiều phim hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới nhưng giá vé thấp và thị hiếu khác biệt giữa các khu vực khiến phim Bollywood khó phát triển hơn. Ngược lại, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc có quy mô lớn và dễ tiếp thu các bom tấn thế giới. 

Nhưng nếu Hollywood vẫn cần Trung Quốc thì liệu Trung Quốc có cần Hollywood hay không là một câu hỏi bỏ ngỏ. Trong nửa đầu năm 2021, doanh thu phòng vé của Trung Quốc đạt khoảng 3,9 tỷ đô la, mặc dù các bộ phim có doanh thu cao nhất từng là bom tấn Hollywood nhưng  phim nội địa đã chiếm ngôi vương trong sáu năm qua. "Hi, Mom", bộ phim Trung Quốc cảm động kể về một người phụ nữ quay ngược thời gian nỗ lực làm cho cuộc sống của mẹ mình tốt đẹp hơn có doanh thu phòng vé cao nhất năm 2021 trên toàn thế giới, với 822 triệu đô. Đồng thời dòng phim yêu nước cũng tạo ra nhiều doanh thu. Theo Box Office Mojo, "The Battle at Lake Changjin" đã thu về 203,2 triệu đô vào cuối tuần lễ Quốc khánh.

Montgomery của Global Connects cho biết Trung Quốc chắc chắn không bị gạch tên khỏi đường đua phim điện ảnh bởi "các công ty Hoa Kỳ và Hollywood hoạt động ngắn hạn và tìm kiếm khoản lợi nhuận nhanh. Những năm bùng nổ 2015 và 2016 đã quy đi và chính phủ Trung Quốc ngày càng đàn áp mạnh mẽ nhưng do đây là thị trường 'hái ra tiền' nên sẽ còn nhiều chông gai với phim nước ngoài".

TL (theo Nikkie Asia)