Phiên xử Vinasun kiện Grab: Đề nghị triệu tập đại diện Bộ GTVT

00:00 12/10/2020

Sáng 18.10, TAND TP.HCM tiếp tục ngày thứ 2 xét xử vụ án "Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Vinasun và bị đơn là Grab.

Tài xế Vinasun tập trung tại tòa để theo dõi phiên xét xử ngày đầu tiên. (Ảnh: IT)

Tại Tòa, bên nguyên đơn Vinasun tiếp tục hỏi phía bị đơn Grab những vấn đề xoay quanh hoạt động kinh doanh taxi hành khách của Grab, các chế độ, chính sách đối với lái xe cũng như khách hàng... Mục đích của câu hỏi này nhằm chứng minh Grab vi phạm Đề án 24 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Ông Nguyễn Văn Đức - Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Vinasun nhấn mạnh việc Grab có xuất hóa đơn cho tất cả các hành khách sau khi hoàn thành chuyến đi, Grab có xử lý tài xế khi vi phạm..., bởi theo Quyết định 24, không được xử lý hành chính đối với tài xế.

Toàn cảnh phiên xét xử. Ảnh: PT

Khi đến lượt bên bị đơn Grab đặt câu hỏi đối với nguyên đơn Vinasun, Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Grab yêu cầu HĐXX triệu tập thêm đơn vị giám định là Công ty Cửu Long đến tòa để làm rõ nhiều vấn đề mà Grab cho là chưa thỏa đáng, chưa đúng trong kết luận giám định. 

Đặc biệt, Grap đề nghị HĐXX triệu tập đại diện Bộ GTVT có mặt tại phiên tòa để chứng minh, làm rõ một số quy định trong đề án, từ đó chứng minh cho việc Grab thực hiện đúng, đầy đủ, không vi phạm Đề án cũng như các quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị của Grab không được HĐXX đồng ý.

Như Dân Việt đã đưa tin, sáng 17.10, TAND TP.HCM đã đưa vụ án "Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Vinasun và bị đơn là Grab ra xét xử sau nhiều lần tạm hoãn.

Theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua Quyết định 24 của Bộ GTVT về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, Vinasun khẳng định, trên thực tế, Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun. Grab tự quyết định giá cước vận chuyển; các chương trình khuyến mại về giá cước vận chuyển; nhận tiền thanh toán cước vận chuyển từ khách hàng đi taxi sử dụng thẻ dịch vụ Grab; có chế độ thưởng, phạt tài xế, kiểm soát hành vi, thái độ của tài xế với khách hàng đi taxi; mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho khách hàng đi Grab.

Theo Vinasun, điều này là không công bằng và vi phạm các quy định về kinh doanh theo pháp luật Việt Nam. Từ đó, Vinasun cho rằng, Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun nên Vinasun khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng.

Đại diện bị đơn Grab nêu quan điểm phản bác nội dung khởi kiện của Vinasun và bảo vệ quyền lợi cho Grab. Phía Grab cho rằng, việc giám định, kết luận giám định còn nhiều bất cập, chưa khách quan, không chính xác.

Với cáo buộc cho rằng GrabTaxi có hoạt động kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi trái pháp luật, phía bị đơn lập luận rằng, cơ quan có thẩm quyền xem xét và xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải là Bộ GTVT. VinaSun chưa cung cấp được quyết định của Bộ này về hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi đối với GrabTaxi.

Ngoài ra, đại diện bị đơn cũng khẳng định, hoạt động kinh doanh của GrabTaxi là hoạt động cung ứng ứng dụng khoa học công nghệ quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT cấp phép theo chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ có tham khảo ý kiến của các Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông dựa trên đề án thí điểm được GrabTaxi trình lên.

Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Grab đề nghị triệu tập đại diện Bộ GTVT để làm sáng tỏ việc hoạt động của Grab đúng Đề án 24 hay không. Ảnh: PT

Luật sư Lưu Tiến Dũng (bảo vệ quyền lợi cho Grab) cũng đưa ra các chứng cứ chứng minh các hoạt động của bị đơn (Grab) là hoàn toàn tuân thủ Đề án thí điểm. Cụ thể, Grab luôn bám sát Đề án thí điểm, tuân thủ pháp luật, hoạt động kinh doanh dưới sự quản lý chặt chẽ của Bộ GTVT, ban ngành các cấp từ trung ương đến địa phương và trong suốt 2 năm bị đơn thực hiện Đề án thí điểm không hề có hành vi vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, Bộ GTVT đã 2 lần xem xét và kết luận hoạt động theo Đề án thí điểm của bị đơn không phải là hoạt động kinh doanh vận tải...

Phía Grab cũng khẳng định không có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh nên không thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại như nguyên đơn yêu cầu. Đồng thời, ông Dũng nêu quan điểm, nếu nguyên đơn cho rằng hoạt động kinh doanh theo Quyết định 24 gây thiệt hại cho mình, nguyên đơn phải kiện Bộ GTVT theo thủ tục tố tụng hành chính chứ không phải kiện Grab.

Dự kiến phiên tòa kéo dài trong 4 - 5 ngày.

Phương Thảo