Phía sau sự phát triển thần kỳ của điện ảnh Hàn

00:00 12/10/2020

Từ một quốc gia có nền điện ảnh ì ạch, phụ thuộc phim Hollywood, điện ảnh Hàn trỗi dậy mạnh mẽ, không chỉ mang về hàng tỷ USD mà còn vươn ra thị trường thế giới và gặt hái nhiều danh tiếng. Đâu là lý do làm nên sự nhảy vọt thần kỳ này?

Bất kỳ một ngành công nghiệp nào, kể cả văn hóa, nếu muốn phát triển không thể "một mình một ngựa" tự lực cánh sinh. Điện ảnh Hàn thành công như hôm nay, vai trò đầu tiên phải kể đến tầm nhìn xa của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cùng chính sách đúng đắn của Chính phủ khi xem phim ảnh (cùng với âm nhạc) như "vũ khí" quảng bá văn hóa.

Đầu tư cho nguồn lực con người

Con người là nguồn lực to lớn và là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển, thành công của nền điện ảnh Hàn Quốc. Sự ảm đạm của điện ảnh Hàn do áp lực của Mỹ vào những năm 1988 những tưởng sẽ “chôn vùi” sức sáng tạo của các đạo diễn Hàn nhưng lại là bước đệm để điện ảnh Hàn Quốc đi lên.

Vào giữa thập niên 90, các nhà làm phim thuộc thế hệ “386” (nghĩa là những người đang ở độ tuổi 30, sinh ra vào thập niên 60 và tốt nghiệp trong những năm 80) xuất hiện. Điện ảnh Hàn Quốc bước vào kỷ nguyên mới với các bộ phim gây tiếng vang lớn như The Contact (1997) của đạo diễn Chang Yoon Hyun hay Swiri (1999) của Kang Jea Kyu - đạo diễn tiêu biểu của thế hệ “386”. Swiri cũng là bộ phim phá vỡ kỷ lục phòng vé với doanh thu 11 triệu USD và tạo cú hích cho điện ảnh Hàn.

Những năm 1990 phong trào “Làn sóng mới” ở Hàn Quốc cũng được khởi xướng với các tên tuổi nổi bật như nhà làm phim Park Kwang-su, Lee Myung-se hay Chung Ji-young. Các đạo diễn này bắt đầu đi chệch khỏi những nội dung và cách làm phim truyền thống, đồng thời mạnh dạn đưa hiện thực áp bức của xã hội vào phim, chú trọng hơn các vấn đề kỹ thuật, tính nghệ thuật trong phim.

Sự đột phá này của các nhà làm phim liên quan chặt chẽ đến định hướng chung của Hàn Quốc đối với nền điện ảnh là đầu tư vào con người. Hơn 300 người thông thạo tiếng anh trong độ tuổi từ 18-30 được chính phủ cử sang Mỹ du học để tiếp thu những tinh hoa điện ảnh của Hollywood. Và khi trở về thế hệ này đã trở thành trụ cột của nền điện ảnh.

Một số đạo diễn đóng vai trò quan trọng trong điện ảnh Hàn có thể kể đến như Park Chan Wook - một trong những ngọn cờ đầu của dòng phim trả thù của Hàn Quốc, Bong Joon Ho - một trong những đạo diễn quan trọng nhất của Hàn Quốc dù trong 13 năm chỉ làm 5 bộ phim, Kim Jee Woon - đạo diễn được các nhà sản xuất phương Tây trọng dụng và góp mặt vào một số phim Hollywood, Kim Ki Duk - đạo diễn “quái” nhất trong các đạo diễn xứ Hàn với phong cách làm phim vượt ngoài luân thường đạo đức, đẩy sự phi luân lên đến tận cùng và Na Hong Jin - đạo diễn bậc thầy của thể loại trinh thám.

Sự chung tay của các tập đoàn

Người Hàn hiểu rõ, để điện ảnh phát triển, cơ sở hạ tầng cũng phải phát triển đồng bộ. Và dĩ nhiên, họ không trao cơ hội này cho bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào. Chính phủ đỡ đầu và khuyến khích các cheabol đầu tư vào hệ thống rạp phim. Họ không thành công ngay từ đầu nhưng đã để lại những bài học vô vàn quý báu.

CJ CGV và Lotte Entertainment thành hình. Đây là hai công ty chiếm lĩnh thị trường điện ảnh với nhiều công ty con như CJ Entertaiment, CJ CGV, Lotte Entertaiment, Lotte Cinema… Lợi thế lớn của họ là vừa sản xuất phim vừa phát hành với quy trình vận hành chặt chẽ và xuyên suốt. Vì vậy, tạo điều kiện cho phim quốc nội được phủ kín các rạp với doanh thu ổn định.

Hiện tại, số lượng phim và rạp chiếu phim của CJ và Lotte chiếm 80% thị trường điện ảnh của Hàn Quốc. Tuy thiếu cân bằng và ít có cơ hội cho các bộ phim không phải do hai công ty này sản xuất nhưng một thực tế không phủ nhận là CJ và Lotte có đóng góp to lớn, thúc đẩy thành công của điện ảnh Hàn Quốc. Bên cạnh đó thì Showbox-Mediaplex và Next Entertainment cũng dần bước vào thị trường điện ảnh và giữ vị trí nhất định trên thị trường.

Điều đáng nói ở đây là, các công ty rạp phim của Hàn không chỉ khai thác lợi nhuận từ khán giả. Họ cũng quay ngược trở lại đầu tư cho điện ảnh. Sẽ không thể có Parasite hay nhiều bộ phim Hàn vươn tầm quốc tế nếu không có 300 triệu USD đầu tư của CJ vào DreamWorks vào năm 1995 và tầm nhìn của những người như bà Miky Lee. Một cuộc đầu tư dài hơi, trường kỳ và từng bước, từng bước một chờ nội lực lớn mạnh.

Có thể nói, sự thành công của điện ảnh Hàn Quốc phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Song những cải tổ kịp thời vào những năm 90, sự đầu tư hợp lý vào con người và sự vào cuộc đúng lúc của các doanh nghiệp giải trí là những nguyên nhân quyết định. Lĩnh vực điện ảnh của “con rồng Châu Á” sẽ còn vươn xa và phát triển thần kỳ hơn những gì nó đã làm được. Tương lai sánh vai với đế chế Hollywood và mở rộng sức ảnh hưởng trên toàn cầu đang rộng mở đối với nền điện ảnh Hàn Quốc. 

“Bất chấp những khó khăn do sự bùng phát của Covid-19 hiện tại, Bộ sẽ sử dụng tất cả các chính sách và biện pháp có thể để thúc đẩy các ngành văn hóa và điện ảnh phát triển hơn nữa”, ông Kim Yong Sam - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc nói trong một cuộc họp báo gần đây.

Hồng Như