Phía sau những cổ phiếu 'miễn nhiễm' với dịch bệnh

00:00 12/10/2020

Giữa tâm bão bán tháo của nhiều nhà đầu tư trong thời gian vừa qua, vẫn có những cổ phiếu đi ngược dòng thị trường đem lại cơ hội sinh lời cho các nhà đầu tư ngay cả trong thời kỳ khó khăn. Vậy, đằng sau sự "miễn nhiễm" này có gì đặc biệt?

Tính chung trong quý I/2020, chỉ số Vn-Index đã bị "cuốn trôi" gần 220 điểm cùng với sự lao dốc của hơn 90% cổ phiếu trên thị trường. Hầu hết cổ phiếu có vốn hoá lớn như VNM, VIC, MWG, SAB... đều giảm xuống vùng giá thấp nhất lịch sử trước sự ảnh hưởng của dịch Covid-19.

"Khủng khiếp" và "nghiệt ngã" là những từ mà các nhà đầu tư chứng khoán thường nói với nhau về những gì đã và đang diễn ra. Tháng 3 vừa qua là tháng "tồi tệ" nhất lịch sử khi thị trường quay trở lại vận động theo cách nguyên thuỷ nhất: Tâm lý của nhà đầu tư.

Vẫn còn 10% ngược dòng

Dịch Covid-19 lan rộng khắp thế giới khiến nhiều ngành kinh tế chịu ảnh hưởng trầm trọng, tuy nhiên ngành dược không chỉ sống sót mà còn ăn nên làm ra, bởi các nước cần một lượng lớn dược phẩm, phương pháp điều trị, vaccine và bộ xét nghiệm.

Trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu của các công ty dược phẩm và y tế trở thành điểm sáng khi đồng loạt tăng giá, tạo ra cơ hội đầu tư sinh lời vô cùng hấp dẫn cho nhiều nhà đầu tư.

Có thể kể đến cổ phiếu DNM của CTCP Y tế Danameco - một đơn vị kinh doanh khẩu trang cùng các thiết bị y tế. Từ một cổ phiếu không có thanh khoản, DNM được "tiến hoá" lên một cấp độ mới với nhiều phiên tăng trần liên tiếp cùng với khối lượng giao dịch đột biến.

Cụ thể, trong 2 tháng qua, giá cổ phiếu DNM đã tăng 161%, với khối lượng giao dịch bình quân hàng chục nghìn cổ phiếu/phiên. Trong khi đó, trước khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, khối lượng giao dịch bình quân của cổ phiếu này luôn dưới 10.000 đơn vị/phiên.

Hay như câu chuyện của cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) trong thời gian qua được đánh giá là hiện tượng đáng chú ý nhất khi đi ngược xu hướng chung kể từ đầu năm 2020.

Trước đó, SHB chìm dưới mệnh giá trong nhiều năm liên tiếp, thậm chí còn được đánh giá là cổ phiếu "thảm" nhất nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, trong hơn 3 tháng đầu năm 2020, SHB đã tăng hơn 225% - cao nhất trong 10 năm qua từ vùng giá 5.400 đồng/cp (giá điều chỉnh) lên 17.500 đồng/cp, trở thành một trụ đỡ chính cho HNX-Index đi qua mùa dịch.

Một mã khác cũng liên tiếp tăng trần giữa lúc thị trường đang lao đao không kiểm soát được đà lao dốc của nhiều nhóm cổ phiếu là GAB của CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC (tên cũ: CTCP GAB). Kể từ đầu năm 2020 đến nay, GAB đã khiến cả thị trường phải sửng sốt với mức tăng giá đến hơn 766% lên mức 140.800 đồng/cp. 

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng không bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch bệnh, nên cũng thể hiện được vị thế của cổ phiếu "vua" với phần lớn cổ phiếu đều tăng.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho biết, có hai phân khúc trong nền kinh tế, đó là hàng hóa và tiền tệ. Phân khúc hàng hóa đang gặp khủng hoảng do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, nhưng với phân khúc tiền tệ, chuỗi cung ứng chưa bị gián đoạn nên chưa bị ảnh hưởng.

co-phieu-mien-nhiem-voi-dich-b-6239-8780

Đằng sau những cổ phiếu "miễn nhiễm" với dịch bệnh là những câu chuyện đặc biệt

Câu chuyện nội bộ

Lý giải về sự "miễn dịch" tốt của những đại diện nói trên giữa tâm bão dịch bệnh Covid-19, theo giới phân tích, có khá nhiều nguyên nhân xuất phát từ yếu tố nội tại hơn là một xu hướng chung.

Có thể lấy ví dụ trường hợp cổ phiếu SHB. Vừa qua, ngân hàng này đã tiến hành đồng thời chi trả cổ tức bằng 251 triệu cổ phiếu và phát hành cổ phiếu ra công chúng, vốn điều lệ tăng thêm 5.500 tỷ đồng lên hơn 17.500 tỷ đồng (tương đương tăng hơn 45%). Bên cạnh đó là kết quả kinh doanh khả quan trong năm 2019, nhưng so với mặt bằng chung thì các con số của SHB không quá nổi trội.

Thực tế, khi giá cổ phiếu SHB tăng vọt, có những “đồn đoán” rằng SHB đang thuộc một trong hai ngân hàng sẽ được phép nới room ngoại lên 49% theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).

Trước đó, một chuyên gia phân tích tài chính chứng khoán cũng cho biết, SHB được đánh giá là cổ phiếu có lợi thế từ thanh khoản đến các chỉ số cơ bản tăng trưởng rõ rệt, và hơn hết là lợi thế còn room cho khối ngoại đầu tư (hơn 19%) được xem là một trong những điểm nhấn đầu tư hấp dẫn của cổ phiếu này.

Hay như những cổ phiếu thuộc “họ” FLC như GAB, AMD (FLC Stone), ROS (FLC Faros) được giới đầu tư coi như là những mã “siêu đầu cơ” với lượng thanh khoản "khủng" trong một phiên. Và đây cũng là nhóm có “hệ miễn dịch” tốt nhất thị trường trong cơn khủng hoảng Covid-19 vừa qua. Tuy nhiên, động lực chính để các mã này "vượt bão" chính là tham gia các cuộc chơi M&A nội bộ.

Trong vòng một tháng qua, GAB đưa ra liên tiếp hai kế hoạch sáp nhập với những “người anh em” có chung gốc gác sở hữu từ lãnh đạo Tập đoàn FLC là FLC Stone và FLC Faros, sẽ được trình cổ đông thông qua tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến được tổ chức vào cuối tháng 4.

Nhìn vào những động thái này của nhóm các doanh nghiệp "họ" FLC, nhiều nhà đầu tư nhớ lại một tuyên bố cũ của ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC rằng, nếu không đưa được cổ phiếu ROS về mức giá "ba chữ số" trong năm 2020 thì sẽ tự tuyên bố phá sản.

Thực tế, những thông tin đồn đoán về hoạt động M&A thường được xem là những nhân tố quan trọng thúc đẩy giá cổ phiếu tăng mạnh. Còn nhớ, trong 2 tháng đầu năm 2020, cổ phiếu VPB cũng tăng mạnh sau thông tin về việc bán vốn FE Credit.

Tuy nhiên, những câu chuyện mang tính nội bộ luôn mang lại rủi ro cho nhà đầu tư, bởi giá cổ phiếu luôn phải vận hành theo quy luật của thị trường và được đặt trên nền những yếu tố, giá trị cơ bản của chính doanh nghiệp.

Linh Đan