Phép màu chống dịch của nền kinh tế dân chủ lớn nhất châu Á

11:22 18/11/2021

Phản ứng của Hàn Quốc trong công cuộc kiểm soát và chống dịch Covid-19 vô cùng ấn tượng. Dựa trên kinh nghiệm từ dịch MERS - Hội chứng hô hấp Trung Đông, quốc gia này nhanh chóng “làm phẳng” đường cong dịch bệnh mà không cần đóng cửa các doanh nghiệp như nhiều nước có thu nhập cao áp dụng cho đến cuối năm 2020. Thành công ngày hôm nay bao gồm nhiều yếu tố từ định hướng công chúng, quy trình truy vết và hệ thống y tế mạnh mẽ của đất nước,... tất cả đã làm nên niềm tự hào chống dịch của một quốc gia dân chủ.

Hàn Quốc đã có phản ứng sớm, nhanh chóng dập dịch
Hàn Quốc đã có phản ứng sớm, nhanh chóng dập dịch. (Ảnh: Getty Images)

Niềm tự hào của một quốc gia dân chủ

Với tư cách là giám đốc điều tra dịch tễ tại Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), Park Young Joon mang vẻ mặt đầy lo lắng khi được cử đến Daegu đối phó với tình huống khẩn cấp. Một loạt các trường hợp mắc mới bắt nguồn từ thành viên của giáo phái Tân Thiên Địa – Shincheonji đã lan ra khắp cả nước. Người đầu tiên trong buổi tụ tập dương tính vào ngày 17/2 và là bệnh nhân thứ 31. Rất nhanh, số ca mắc hàng ngày lên đến hai con số, rồi gấp ba, bốn lần, dần dà tăng theo cấp số nhân. Trong những ngày đầu của đợt bùng phát, các quan chức y tế đã điều trị từng trường hợp riêng lẻ nhưng do khó lòng truy vết tận gốc nên số ca nhiễm không hề thuyên giảm. Ông Park nhận ra cách duy nhất để ngăn chặn đường lây truyền của vi rút là cách ly toàn bộ những ai đã đặt chân vào tòa nhà 9 tầng nơi diễn ra hoạt động của Shincheonji. Đó là một quyết định tốn kém và huy động lượng lớn nguồn lực nhưng vô cùng sáng suốt. Đến giữa tháng 3, đợt bùng phát được kiểm soát. 

Khuôn mặt đầy lo âu của ông Park Yong Joon trước đợt dịch bắt nguồn từ giáo phái Tân Thiên Địa
Khuôn mặt đầy lo âu của ông Park Yong Joon trước đợt dịch bắt nguồn từ giáo phái Tân Thiên Địa. (Ảnh: BLOOMBERG BUSINESSWEEK)

Đã ít nhất ba lần Hàn Quốc ngăn chặn thành công các đợt dịch bằng cách triển khai xét nghiệm diện rộng, theo dõi công nghệ cao và cách ly bắt buộc. Cứ như vậy từng công việc được triển khai nhưng đất nước chưa hề đóng cửa dù chỉ một ngày, bởi theo tổng thống Moon Jae-In cho ngừng các hoạt động kinh tế sẽ gây tổn hại đến sinh kế cũng như các mối quan hệ trong xã hội. Thật vậy, vào tháng 9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế dự báo nền kinh tế nước này sẽ chỉ giảm 1% năm 2020 so với mức giảm trung bình 4,1% của nhóm G-20.

Hàn Quốc nổi lên như một nhân chứng sống cho các quốc gia đang đấu tranh hạn chế tử vong trước khi đạt miễn dịch cộng đồng. Cần nhớ rằng xứ sở Kim Chi có đến 52 triệu dân, ít hơn không đáng kể so với Vương quốc Anh, trong khi đó, mật độ người tại Seoul dày đặc hơn ở London. Phản ứng của Hàn Quốc cho thấy con đường đi rất riêng trong nhóm các quốc gia theo đuổi nền dân chủ, hơn nữa tình hình của nước này được đặt trong bối cảnh chính trị phức tạo gồm nhiều giáo phái, liên minh chống lại các biện pháp y tế công cộng. Không giống như Trung Quốc hay New Zealand,... Hàn Quốc đã không chọn cho mình con đường Zero Covid mà dấn thân vào một nhiệm vụ tưởng chừng như bất khả thi đối với một quốc gia đề cao quyền lợi cá nhân.

Tất nhiên, chiến lược của Hàn Quốc không hoàn hảo. Các đợt bùng phát mới ngay cả ở quy mô tương đối nhỏ cũng là mối đe dọa thường trực. Trở lại quãng thời gian 6 năm trước, quốc gia 52 triệu dân đã có bài học xương máu đối phó với dịch MERS năm 2015. Mặc dù sở hữu hệ thống y tế tân tiến nhưng nước này vẫn phải vật lộn với gần 17 nghìn trường hợp nghi mắc và 38 ca tử vong. Trong suốt 6 tháng bùng dịch, người dân sống trong lo sợ và chính phủ mất khoảng 2,6 tỷ USD doanh thu du lịch, trong đó gần 1 tỷ USD chi cho hoạt động chẩn đoán, điều trị,... Sau MERS, quốc gia đã thực hiện tổng cộng 48 cải cách nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng ứng phó đại dịch. Khi Covid-19 ập đến, ký ức đau buồn về MERS trở thành động lực cho loạt phản ứng sớm và tích cực.

Sức mạnh của tính minh bạch và hợp tác toàn dân

Thời kỳ đầu đại dịch, nhiều quốc gia dù cố ý hay vô tình đã giữ kín phần lớn các thông tin cơ bản như số lượng xét nghiệm, lây nhiễm, tử vong,... Hàn Quốc đã làm điều ngược lại, nhanh chóng cập nhật tin tức liên quan đến vi rút Corona. Hàng ngày, chính phủ tổ chức hai cuộc họp giao ban, cung cấp số liệu và định hướng rõ ràng các bước chống dịch tiếp theo. Những cuộc họp như vậy chủ yếu được dẫn dắt bởi các chuyên gia y tế và dịch tễ học hàng đầu và đặc biệt không có nhiều các mối quan hệ chính trị nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng. 

Biểu đồ tổng số ca mắc của Hàn Quốc
Biểu đồ tổng số ca mắc của Hàn Quốc. (Ảnh: Worldometer)

Tuy nhiên, công khai thông tin cũng có nghĩa là tin tức cần phải khách quan nhất có thể. Xét cho cùng, những thông tin mà Hàn Quốc truyền đến người dân dường như tái hiện từng ngóc ngách mà dịch bệnh lan đến, phũ phàng và cứng rắn chứ không phải để xoa dịu nỗi sợ hãi của công chúng. Sự tin tưởng vào lãnh đạo quốc gia rất quan trọng bởi bất kỳ chương trình nghị sự nào nhằm đối phó với sự lây lan của vi rút, chẳng hạn như giãn cách xã hội đều cần sự hợp tác. Dưới bàn tay dẫn dắt của tổng thống Moon Jae-In, Hàn Quốc đã tập hợp cơ quan chính phủ, khu vực tư nhân và công chúng cùng hướng đến một mục tiêu duy nhất: Dập dịch.

Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ (NCBI) đã tiến hành đánh giá tác động giả định của các chính sách minh bạch và không minh bạch đối với lòng tin của công chúng vào chính phủ Moon Jae-In năm 2020. Kết quả cho thấy, một chính sách minh bạch có thể làm lung lay lòng tin trong ngắn hạn vì số ca nhiễm gia tăng mỗi ngày khiến người dân cảm thấy bất an và lo ngại chiến lược hiện tại kém hiệu quả; mặt khác, về lâu dài, cách làm của Hàn Quốc mang lại hiệu ứng tích cực trong trung và dài hạn bởi khi đó công chúng sẽ chấp nhận chính phủ như một nguồn thông tin đáng tin cậy. Nhiều ý kiến cho rằng phương pháp tiếp cận của Hàn Quốc giúp xây dựng uy tín của KCDC và lọc tin tức giả xoay quanh Covid-19. Trên thực tế, niềm tin của công chúng ngày càng gia tăng, làm đòn bẩy cho chiến thắng vang dội của đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 4/2020. 

Phân tích đánh giá niềm tin công chúng đối với chính sách minh bạch / không minh bạch của chính phủ.
Phân tích đánh giá niềm tin công chúng đối với chính sách minh bạch / không minh bạch của chính phủ.(Ảnh: NCBI)

Quan sát phản ứng từ quốc gia châu Á, một số nhà tư tưởng phương Tây và phương tiện truyền thông cho rằng Hàn Quốc là một quốc gia dân chủ nhưng “rất khác” so với Hoa Kỳ. Lập luận chỉ ra chủ nghĩa cá nhân của người Hàn chưa cao, có tinh thần hướng tới cộng đồng và sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung. Một bài báo trên tờ New York Times phân tích thành công của Hàn Quốc nhờ vào niềm tin xã hội tại đây cao hơn so với nhiều quốc gia dân chủ phương Tây bị phân cực và bao phủ bởi phản ứng dữ dội của công chúng. Nếu là tại Mỹ, chắc hẳn người dân chẳng thể nào chấp nhận bị theo dõi liên lạc bao gồm qua máy quay an ninh CCTV, hồ sơ tín dụng và định vị GPS trên điện thoại.

Chứng kiến sự sụp đổ của chính quyền Park Geun-hye, chính quyền Moon Jae-In nhận thức sâu sắc tầm quan trọng trong giành lấy lòng tin từ công chúng. Trong cuộc phỏng vấn với France24, bộ trưởng bộ Ngoại giao, Kang Kyung-wha cung cấp một cái nhìn toàn diện về tư duy của ông Moon trong ứng phó đại dịch: “Có thể bạn đã nghe về vụ tai nạn chìm phà khủng khiếp mà chúng tôi gặp phải năm 2014. Hàn Quốc đã mất 304 sinh mạng và chính quyền lúc đó không có phản ứng kịp thời. Một bài học khác đến vào năm 2015 khi dịch MERS kéo dài trong khoảng ba tháng gây tỷ lệ tử vong cao. Do đó, chính phủ hiện nay rất kiên quyết để chuẩn bị sẵn sàng khi thảm họa xảy ra. Chúng ta không thể ngăn được thiên tai nhưng có thể chuẩn bị để giảm thiểu thiệt hại, ngăn chặn hậu quả kinh tế xã hội”. Bài học khắc cốt ghi tâm từ thất bại của chính quyền đi trước đã thúc đẩy phản ứng nhanh nhạy, kịp thời ngày nay của đất nước. Trong thời khắc then chốt nhất, chính quyền Moon Jae-In truyền đi thông điệp chính phủ đang làm mọi cách để bảo vệ và đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Người dân Hàn Quốc xếp hàng xét nghiệm Covid-19
Người dân Hàn Quốc xếp hàng xét nghiệm Covid-19. (Ảnh: Getty Images)

Trâu chậm uống nước đục

Hàn Quốc đã được ca ngợi nhờ ứng phó tương đối thành công với đại dịch, trong đó quốc gia 51,800 triệu người có 67,358 ca mắc và hơn một nghìn trường hợp tử vong tính đến ngày 8/1/2021. Tuy nhiên, với tiến trình vắc xin, đây là một câu chuyện khác, có thể nói Hàn Quốc đã chậm chân trong khi hàng loạt nước lớn tăng cường nỗ lực tiêm chủng.

Nước này đã đảm bảo số lượng vắc xin cho khoảng 56 triệu người thông qua các giao dịch đặt mua tính đến đêm Giáng sinh năm ngoái. Ủy viên Jeong Eun-kyeong của KDCA thuộc KCDC từng tuyên bố: “Chúng tôi đặt mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng vào đầu tháng 11 này bằng cách tiêm chủng cho hơn 60-70% dân số. Hầu hết các quốc gia khác cũng mong đợi hiệu quả diện rộng vào khoảng quý III và quý IV năm nay”. Dù vậy, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về việc đất nước thiếu kế hoạch tiêm chủng chi tiết chi biết thời gian, cách thức vận chuyển vắc xin cụ thể bao gồm quá trình phân phối từ sân bay đến bệnh viện.

Số lượng vắc xin phân phối theo hãng sản xuất
Số lượng vắc xin phân phối theo hãng sản xuất. (Ảnh: Statista)

Vậy điều gì đã khiến Hàn Quốc trì hoãn tiêm vắc xin? Các cơ quan y tế khẳng định rằng do Hàn Quốc tương đối ít ca nhiễm và tử vong nên hoàn toàn có đủ khả năng đề chờ đợi loại thuốc tốt nhất. Tiến sĩ Kang của một đơn vị cho hay: “Vì Hàn Quốc có số ca mắc bệnh ít hơn đáng kể so với Mỹ hay châu Âu nên chính phủ không quá vội vã. Thay vào đó, các nhà lãnh đạo tập trung vào yếu tố an toàn hơn là tốc độ”. Bên cạnh đó, có ý kiến chỉ ra quốc gia này không đặt nặng nguồn cung do nước ngoài sản xuất vì chính bản thân họ không mong đợi một loại “thần dược” được hoàn thiện trước cuối năm 2020 đồng thời phát triển thuốc điều trị theo định hướng quốc nội.

Xứ sở Kim Chi vẫn cứ mãi là “trâu chậm uống nước đục” trong tiến trình tiêm chủng mãi cho đến ngày 26/2 khi các quan chức y tế bắt đầu tiêm vắc xin cho nhân viên tuyến đầu và người cao tuổi. Sự chậm trễ cũng bị ảnh hưởng bởi nỗ lực đàm phán giữa quan chức Hàn Quốc nhằm có được hợp đồng sản xuất thay vì mua hàng trực tiếp. Chiến lược này được thực hiện bởi một số động lực: Thứ nhất, sản xuất trong nước sẽ hỗ trợ các công ty dược phẩm địa phương, đồng thời tạo cơ hội xuất khẩu sau khi tiêm chủng diện rộng hoàn thành; thứ hai, vắc xin nội địa cung cấp điều kiện và cơ sở cho cơ quan y tế giám sát tiêu chuẩn, chất lượng cũng như làm căn cứ buộc các nhà sản xuất vắc xin chịu trách nhiệm liên quan. Cuối cùng, sản xuất trong nước đảm bảo thị trường nội địa sẵn có, tránh bị hạn chế nguồn cung do cạnh tranh quốc tế và mang lại đòn bẩy cho chính phủ trong thương lượng giá cả.

Tiến trình phục hồi kinh tế lạc quan

Theo đánh giá hàng năm của Quỹ Tiền tệ Quốc tế về nền kinh tế Hàn Quốc, các ưu tiên chính hiện nay là nuôi dưỡng sự phục hồi bằng cách duy trì hỗ trợ, đồng thời thúc đẩy cải cách tăng trưởng trong trung hạn. Phản ứng kinh tế toàn diện với hỗ trợ tài khóa dành cho người lao động và doanh nghiệp, nhanh chóng ổn định thị trường tài chính và đảm bảo nguồn tín dụng dồi dào được đánh giá là những bước đi đúng đắn giúp giảm quy mô suy thoái.

Biểu đồ phục hồi hình chữ K
Biểu đồ phục hồi hình chữ K. (Ảnh: IMF/Haver Analytics)

Nền kinh tế đang phục hồi nhanh chóng mặc dù tốc độ không đồng đều giữa các lĩnh vực. Xuất khẩu dần khởi sắc trở lại, ngược lại, ngành dịch vụ và tiêu dùng vẫn ở mức trước dịch. Dựa trên kinh nghiệm giải quyết khủng hoảng trước đây, chính phủ đã kịp thời thiết lập một số cơ sở cho và mở rộng bảo lãnh, đảm bảo cung cấp tín dụng dồi dào, đặc biệt là cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Các chính sách này nhằm ngăn chặn nhiều khoản vỡ nợ, xây dựng nguồn tiền mặt trong khu vực doanh nghiệp. Thách thức trong năm 2021 là duy trì hỗ trợ tín dụng cho đến khi các “chồi xanh” nảy nở rộng rãi ở nhiều ngành nghề.

Cụ thể, nỗ lực của chính phủ “giải cứu” SME được ghi nhận trên 5 lĩnh vực chính. Một là giảm và hoãn nộp các chi phí hoạt động. Ví dụ, Hàn Quốc thông báo giảm giá thuê 25% cho sáu tháng đối với SME tại cơ sở thương mại, sân bay. Tổng công ty Bảo hiểm Thương mại Hàn Quốc tiếp tục hỗ trợ phí bảo hiểm cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp nằm trong vùng dịch nghiêm trọng có số lượng bệnh nhân lớn được miễn phí bảo hiểm trong sáu tháng. Gánh nặng thuê mặt bằng, cơ sở cũng được giảm tải nhờ chính sách cho phép hoãn đóng thuế địa phương trong sáu tháng và được thanh toán theo từng đợt.

Hai là, mở rộng các gói hỗ trợ tài chính thúc đẩy thanh khoản. Chính phủ đã làm việc với ngân hàng trung ương, ngân hàng phát triển tư nhân nhằm cung cấp thêm nguồn lực cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn về ngân sách. Ba là, chính phủ cung cấp vốn với lãi suất rất thấp để SME được cấp bảo lãnh đầy đủ. Một chiến dịch khác được đưa ra gồm có khấu trừ thuế thu nhập 80% cho chủ thẻ tín dụng và ghi nợ trong khoản thời gian bốn tháng từ tháng 4 đến tháng 7/2020.

Hỗ trợ tín dụng, cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Hỗ trợ tín dụng, cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. (Ảnh: IMF/Haver Analytics)

Bốn là các chương trình hỗ trợ tài khóa duy trì việc làm. Chính phủ thiết kế một loạt các biện pháp đảm bảo ổn định việc làm cho người lao động và chủ sở hữu lao động, qua đó tăng khả năng cạnh tranh để thị trường nhanh chóng phục hồi. Chẳng hạn như chương trình Quỹ ổn định việc làm, hỗ trợ một phần tiền lương và trợ cấp 500 nghìn won/tháng kéo dài trong 3 tháng để người lao động nghỉ việc không lương tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Năm là cải cách thủ tục hành chính. Hàn Quốc tiến đến đơn giản hóa các thủ tục thông quan 24 giờ thúc đẩy xuất nhập khẩu đồng thời tăng cường mua vào các nguồn nguyên phụ liệu hạn chế gián đoạn sản xuất trong nước.

Bước sang giai đoạn sống chung với dịch và bình thường mới, Hàn Quốc cần cải thiện năng suất. Mục tiêu tiếp theo của quốc gia này gồm chiến lược phát triển 5 năm nhằm thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, tạo thuận lợi cho chuyển đổi cơ cấu sau Covid-19 bằng con đường số hóa, chuyển sang nền kinh tế carbon thấp và củng cố mạng lưới an toàn xã hội. Các chương trình nghị sự đưa ra cải cách nhằm giảm bớt rào càn gia nhập đối với các doanh nghiệp mới, giải quyết khó khăn tồn động của thị trường lao động. Tăng cường đầu tư xanh cũng sẽ là mũi tiến quan trọng để đạt được các mục tiêu trụ cột kinh tế xanh của đất nước.

TL