Đề án đã được triển khai trên hầu khắp các trường đại học và trung học phổ thông tại 63 tỉnh thành trên cả nước.
Tổng kết 01 năm thực hiện đề án, ngày 16/12, Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của Học sinh, sinh viên - SV.Startup 2018 do Bộ GDĐT tổ chức đã diễn ra với sự có mặt, ủng hộ của Phó Chủ tịch nước Vũ Đức Đam cùng chuỗi sự kiện thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, đặc biệt có sự tham gia của các dự án thuộc khối học sinh phổ thông.Tại đây, trong quy mô hàng chục gian hàng thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề, các bạn sinh viên thuộc các nhóm ngành trong cả nước, học sinh trung học phổ thông khắp các vùng miền đã có dịp trưng bày giới thiệu sản phẩm 80 dự án ý tưởng khởi nghiệp thuộc các lĩnh vực khoa học - công nghệ, kinh doanh, tài chính, giáo dục, y tế, dịch vụ... Các sản phẩm tham gia đều ghi dấu ấn bởi ý tưởng mới lạ, thân thiện với tính kinh tế cao và khai thác tốt nền tảng công nghệ nhằm ứng dụng phục vụ đời sống.
Chung kết cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp 2018” diễn ra với phần trình bày ý tưởng dự án khởi nghiệp vô cùng ấn tượng; phần tranh luận, phản biện hấp dẫn của 5 đội thi đến từ các trường THPT, trường Đại học, Cao đẳng trên cả nước và sự tham gia của hơn 150 học sinh, thầy, cô giáo... Giải Nhất khối THPT thuộc về dự án Nano Rutin của nhóm học sinh trường THPT Phan Đình Phùng - Hà Nội, giải nhất khối ĐH thuộc về dự án Inut Platform - Hệ sinh thái kết nối vạn vật của nhóm sinh viên đến từ ĐH Quốc gia Tp Hồ Chí Minh.
Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác HSSV, Bộ GD&ĐT Bùi Văn Linh chụp ảnh lưu niệm cùng các dự án đạt giải cao trong nhóm học sinh trường Trung học phổ thông.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa - Trưởng ban tổ chức Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh sinh viên năm 2018 cho biết: Hội thi là cơ hội lớn để các đội thi tiếp cận với cơ hội đầu tư cũng như kiến thức từ Hội đồng giám khảo danh dự là các doanh nghiệp có khả năng đầu tư. Với quy chế chấm điểm khoa học, logic và sát thực tế, kết quả cuộc thi là thước đo phản ánh chân thực nhất chất lượng cuả các dự án, cũng như chất lượng thí sinh tham dự.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa - Trưởng ban tổ chức Ngày hội khởi nghiệp Quốc gia của học sinh sinh viên năm 2018 chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện nhóm giải nhất khối Đại học.
Trong chuỗi sự kiện, ông Doron Lebovich - Phó đại sứ Israel tại Việt Nam đã chia sẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đào tạo tư duy tài chính ngay từ cấp học phổ thông, đồng thời chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm vô cùng hữu ích từ một quốc gia khởi nghiệp thành công (quốc gia đã đưa giáo dục khởi nghiệp vào các cấp học từ tiểu học), thông qua đó, ông đã chia sẻ về định hướng chung của nền giáo dục Israel, chia sẻ về các chương trình đào tạo trong trường phổ thông liên quan đến khởi nghiệp: STEM, tư duy tài chính và kinh doanh.
Các đại biểu và khách mời tham gia chương trình còn thảo luận đánh giá về đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” của Chính phủ, nêu bật sự cần thiết của việc đưa mô hình đào tạo khởi nghiệp vào cấp học phổ thông, học hỏi mô hình đào tạo từ Israel (quốc gia mà nền giáo dục khởi nghiệp đã có mô hình chuyên nghiệp cho các em học sinh từ bậc tiểu học). Đồng thời, đưa ra những phương hướng, giải pháp để phát triển mô hình khởi nghiệp cho học sinh ngay từ cấp học phổ thông.
Bà Đoàn Bích Ngọc - Giám đốc điều hành JA Vietnam chia sẻ: “Khởi nghiệp là một môi trường khó khăn. Để khởi nghiệp thành công, doanh nghiệp start-up không chỉ cần nuôi dưỡng đam mê, cảm hứng mà còn cần trang bị kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp ngay từ môi trường phổ thông”.
Với vai trò là doanh nghiệp khách mời, ông Nguyễn Trung Dũng - TGĐ BK-Holdings đã chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp kinh doanh của bản thân và doanh nghiệp, ông gửi gắm thông điệp đến các bạn trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường: “Độ tuổi khởi nghiệp thành công trên thế giới luôn là từ trên 35 tuổi. Chúng tôi ủng hộ các bạn trẻ học tập và được đào tạo các kiến thức khởi nghiệp ngay từ cấp THPT không phải với mong muốn tạo nên phong trào kinh doanh, khởi nghiệp ngay từ trên ghế nhà trường mà nhằm trang bị cho các em những kỹ năng toàn diện nhất, giúp các em có đủ tâm - tầm - tài, vững vàng và tự tin khởi nghiệp trong tương lai”.
Cũng trong dịp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trung tâm Tuổi trẻ Thành đạt (JA Vietnam) đã ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho các em học sinh tại các trường THPT trên toàn quốc; nâng cao kiến thức, kỹ năng về tư duy tài chính, khởi nghiệp, lập nghiệp cho học sinh THPT; tạo môi trường hỗ trợ cho các em học sinh, xây dựng định hướng hướng nghiệp, khởi nghiệp trong các trường THPT, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, khát vọng dấn thân, không sợ thất bại đến với sinh viên, học sinh.
JUNIOR ACHIEVEMENT VIETNAM - JA VIETNAM Được thành lập từ năm 1919, Junior Achievement Worldwide (JAWW) là một trong những tổ chức phi chính phủ quốc tế quy mô rộng lớn bao gồm hơn 120 quốc gia được chia thành các khu vực, với mong muốn cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và nâng đỡ thế hệ trẻ để xây dựng tương lai và làm chủ sự nghiệp của chính mình trước mọi thách thức kinh tế và xã hội. JA Việt Nam là một đợn vị thành viên trực thuộc JA khu vực Châu Á Thái Bình Dương, có các chương trình đào tạo cho học sinh Phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12 với ba nội dung chính: Tư duy tài chính, hướng nghiệp và khởi nghiệp kinh doanh. Trong nhiều năm qua, JA Vietnam đã tiếp cận khoảng gần 50,000 học sinh trên toàn quốc thông qua các dự án đào tạo hoặc các cuộc thi về thương mại quốc tế như FedEx/JA International Trade Challenge (ITC) và cuộc thi về kinh doanh như Company Of the Year - COY . Bên cạnh đó, JA Việt Nam còn tổ chức các chiến dịch và hoạt động xã hội để trợ giúp các em học sinh các vùng khó khăn hoặc trang bị kiến thức, kỹ năng cho nhóm trẻ em yếu thế. |
PV