Phát triển hạ tầng, đưa Bình Dương trở thành trung tâm logistics của khu vực

23:05 03/11/2021

Trong những năm qua, tận dụng tốt các lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ và hiện đại, cộng với sự phát triển nhanh của ngành công nghiệp và thương mại dịch vụ đã và đang tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy Bình Dương vươn lên thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp.

Từ đó, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics Bình Dương cũng phát triển khá nhanh về số lượng và chất lượng. Hệ thống kho, bãi, phương tiên vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp. Các dịch vụ cung cấp khá đa dạng và hiện đại như: dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách; cho thuê kho, bãi; xếp dỡ hàng hóa; đóng gói bao bì và phân phối sản phẩm; khai thác cảng sông, cảng cạn (ICD) ; dịch vụ khai báo hải quan;… cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu thông hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp trong tỉnh.

Nhằm tạo điều kiện thuân lợi hơn cho việc đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ logistics theo hướng đồng bộ và hiện đại. Trong đó, căn cứ theo tình hình phát triển thực tế tại các huyện, thị xã, thành phố để định hướng quy hoạch. 

Theo số liệu của Sở Công Thương tỉnh Bình Dương trên địa bàn tỉnh có 02 ICD đang hoạt động là ICD Sóng Thần và Trung tâm Logistics Dĩ An.

ICD Sóng Thần (thị xã Dĩ An): chủ đầu tư là Công ty TNHH ICD Tân Cảng - Sóng Thần. ICD Sóng Thần có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh, trang thiết bị xếp dỡ hiện đại, gồm hệ thống kho phân phối, kho ngoại quan, với tổng diện tích 500.000 m2, trong đó 150.000 m2 bãi container và 160.000 m2 kho các loại. Đã đi vào hoạt động từ năm 2003.

Trung tâm Logistics Dĩ An: chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Bình Dương. Trung tâm Logistics Dĩ An có tổng diện tích quy hoạch khoảng 100 ha với vốn đầu tư là 125 triệu USD, cung cấp dịch vụ logistics 3PL  với các dịch vụ trọn gói chất lượng cao với quy mô lớn. Đã xây dựng hoàn tất giai đoạn 1 là 40 ha, bao gồm 5 kho với diện tích 13,3 ha và bãi container, đã đưa vào khai thác vào giữa năm 2015. Năm 2017 xây dựng mở rộng thêm 5,1 ha kho chứa hàng hóa cung cấp các dịch vụ đóng gói và phân phối hàng hóa xuất nhập khẩu.

Tập trung đầu tư và phát triển hạ tầng logistics nhằm phát huy tối đa lợi thế về vị trí địa lý chiến lược của Tỉnh. Xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế đưa Bình Dương trở thành đầu mối quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics của khu vực phía Nam và quốc tế.

Phát triển dịch vụ logistics trở thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao trong cơ cấu ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa.

Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với tiềm năng và lợi thế của tỉnh Bình Dương, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Phát triển các doanh nghiệp logistics tăng về số lượng, chất lượng, quy mô, trình độ nhân lực theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ kỹ thuật cao trong quản lý – kinh doanh, đủ năng lực cạnh tranh ở thị trường trong nước và quốc tế.

Hoàn thiện các cơ chế quản lý Nhà nước ở địa phương, bao gồm: các chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, chính sách đầu tư, cải cách hành chính, cơ chế phối hợp quản lý của các Sở, ban, ngành trong chuỗi dịch vụ logistics,… đảm bảo phù hợp với trình độ phát triển của dịch vụ logistics trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. 

Giai đoạn 2020 – 2030: tùy theo tình hình phát triển của địa phương, quy hoạch phát triển thêm 05 cảng sông là: Cảng Bến Súc (gần cầu Bến Súc, huyện Dầu Tiếng): Nằm trên sông Sài Gòn, có diện tích quy hoạch 30 ha, công suất 1 triệu tấn/năm, có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy đến 1.000 tấn. Cảng Rạch Bắp (xã An Tây, thị xã Bến Cát): Nằm trên sông Sài Gòn, quy hoạch công suất 500 nghìn tấn/năm, có khả năng tiếp nhận phương tiện thủy đến 1.000 tấn. Cảng An Tây (xã An Tây – thị xã Bến Cát): nằm bên sông Sài Gòn, gần đường vành đai 4. Cảng được quy hoạch với diện tích 30 ha, đạt công suất 700 nghìn tấn/năm, có khả năng tiếp nhận tàu, xà lan đến 1.000 tấn. Cảng Thanh An, xã Thanh An – huyện Dầu Tiếng: nằm gần cầu vượt Sông Sài Gòn và tiếp nối đường Hồ Chí Minh, diện tích 10 ha. Quy hoạch đạt công suất 500 nghìn tấn/năm, có khả năng tiếp nhận tàu, xà lan đến 1.000 tấn. Cảng Phú An (xã Phú An, thị xã Bến Cát): Nằm trên sông Thị Tính, có diện tích quy hoạch 10 ha, đạt công suất 500 nghìn tấn/năm, có khả năng tiếp nhận tàu, xà lan đến 1.000 tấn.

Tiếp tục triển khai xây dựng giai đoạn 2 dự án Trung tâm Logistics Dĩ An theo quy hoạch. Đồng thời, hình thành hệ thống kho phân phối hàng hóa quy mô 70 ha tại khu phố 9, phường Phú Hòa, thành phố Thủ Dầu Một (tiếp giáp đường Mỹ Phước – Tân Vạn) do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH Một thành viên Becamex IDC làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, do nhu cầu về sản xuất, lưu thông và dự trữ hàng hóa ở khu vực thị xã Bến Cát, Tân Uyên và huyện Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên chưa cao. Nên giai đoạn 2017-2020 dự kiến chỉ phát triển mới thêm 3 ICD mới là: ICD Bàu Bàng: tại Khu công nghiệp Bàu Bàng (phường Lai Uyên, thị xã Bến Cát), với diện tích quy hoạch 20 ha, do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH Một thành viên (Becamex IDC) làm chủ đầu tư;  ICD Hòa Phú: tại Khu Liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương và Khu Công nghiệp VSIP II, quy hoạch dự kiến 25 ha;  ICD Tân Bình tại Khu công nghiệp Tân Bình (huyện Bắc Tân Uyên), quy hoạch dự kiến 20 ha.

Giai đoạn 2020 – 2030: tùy theo tình hình phát triển của địa phương, quy hoạch phát triển thêm 03 ICD mới: ICD Vĩnh Tân: Tại Khu công nghiệp đô thị Tân Uyên, quy hoạch dự kiến 25 ha;  ICD An Điền: Tại Khu công nghiệp An Tây, xã An Điền, thị xã Bến Cát, quy hoạch dự kiến 30 ha;  ICD Thạnh Phước: Kết hợp trong cảng Thạnh Phước, quy mô dự kiến 20 ha. 

Chú trọng phát triển các tuyến vành đai để tăng khả năng kết nối toàn mạng lưới giao thông kết nối vùng giữa Bình Dương với toàn vùng Đông Nam Bộ như: Mỹ Phước – Tân Vạn – Bàu Bàng, ĐT 747B, ĐT 746, đường ĐT 743 (đoạn Miễu Ông Cù – Sóng Thần); đường Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng…. Đồng thời, phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng, đặc biệt là loại hình xe buýt nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Sở Giao thông Vận tải: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh đề xuất các phương án phát triển các cảng sông trên sông Đồng Nai và sông Sài Gòn; đề xuất các phương án nâng cấp tĩnh không cầu Bình Lợi và xử lý đá ngầm trên sông Đồng Nai để phát triển giao thông đường thủy; xây dựng phương án kêu gọi đầu tư hệ thống đường vành đai tạo liên kết khu vực các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các trục giao thông chính của Bình Dương kết nối với các bên cảng, ICD, các khu – cụm công nghiệp trong giai đoạn 2017 - 2020 và những năm tiếp theo.

Các chủ đầu tư của các khu – cụm công nghiệp chủ động dành quỹ đất để phát triển loại hình dịch vụ logistics trong khu – cụm đã được quy hoạch.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics: Chủ động đầu tư nâng cấp, cơ sở vật chất nhà xưởng, kho bãi, phương tiện vận tải,... ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại trong hoạt động kinh doanh dịch vụ logistics, đủ khả năng cung cấp các dịch vụ 3PL, 4PL; đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, có trình độ cao về logistics; doanh nghiệp sản xuất, thương mại quản lý tốt chuỗi cung ứng, tiết kiệm nguyên vật liệu và chi phí sản xuất, rút ngăn thời gian luân chuyển hàng hóa; tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng đối với dịch vụ logistics; kiến nghị với cơ quan chức năng tại địa phương những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh, đồng thời đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách và định hướng xây dựng quy hoạch phát triển dịch vụ logistics của Bình Dương trong thời gian tới. 

Về hạ tầng khu – cụm công nghiệp: hiện toàn tỉnh có 28 khu công nghiệp với diện tích hơn 10.560 ha, tỷ lệ cho thuê đất 69,5% và 10 cụm công nghiệp với diện tích là 707,8 ha, tỷ lệ cho thuê đạt khoảng 62,5%. Dự kiến, đến năm 2020, Bình Dương sẽ hình thành 34 khu công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch là 14.790 ha, đây là điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp và thương mại, tạo ra tiền đề cho ngành dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực Hải quan: Cục Hải quan Bình Dương hiện là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai hiệu quả trong toàn ngành hệ thống thông quan điện tử tập trung, cơ chế một cửa quốc gia VNACCS/VCIS; thực hiện chữ ký số cho 100% doanh nghiệp làm thủ tục hải quan trên địa bàn tỉnh.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc khai báo hải quan và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Qua đó, đã tạo ra hành lang pháp lý đơn giản, hiệu quả và minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp logistics hoạt động hiệu quả, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc, đồng thời góp phần thu hút được nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu từ các địa phương khác Bình Dương.

Hoàng Thu