Phát triển doanh nghiệp trong kỷ nguyên số

00:00 12/10/2020

Dù tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang tốt hơn mức trung bình toàn cầu, nhưng vẫn còn những lo ngại về tính bền vững, đặc biệt trong bối cảnh ASEAN chịu tác động lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Công nghiệp 4.0).

Sau 50 năm thành lập, Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã trở thành một trong những khu vực phát triển nhanh và năng động nhất trên thế giới. Theo Báo cáo triển vọng kinh tế của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), khu vực này được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển nhanh hơn mức tăng trưởng trung bình toàn cầu (ước tính đạt 5,3% trong năm 2018), được dẫn dắt bởi các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam (dự báo tăng trưởng 6,9% trong năm 2018).

Chi phí lao động thấp - giá trị cạnh tranh cốt lõi của khu vực, có thể sẽ biến mất trong những thập kỷ tới, đặc biệt với sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ và sự phát triển của những công nghệ mới. Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2017 - 2018 và Bảng xếp hạng Mức độ sẵn sàng về công nghệ của Economist Intelligence Unit năm 2018 cho thấy, Việt Nam đang tụt hậu so với các nước ASEAN. Theo đó, Việt Nam bắt buộc phải thực hiện chuyển đổi kỹ thuật số, thay vì dựa vào lợi thế cạnh tranh từ chi phí lao động thấp.

Để thành công trong thời đại số, các chuyên gia chuyển đổi kỹ thuật số của PwC khuyến nghị các doanh nghiệp nên thực hiện sáu bước sau:

Bước 1: Lập bản đồ chiến lược theo Công nghiệp 4.0

Doanh nghiệp nên đánh giá mức độ trưởng thành về kỹ thuật số của mình và xác định các mục tiêu để dần nâng cao năng lực số.

Các biện pháp mang lại giá trị cao nhất cho chiến lược tổng thể của doanh nghiệp cần phải được ưu tiên. Điều này bao gồm việc điều chỉnh hoạt động kinh doanh theo nhu cầu của khách hàng, qua áp dụng những công nghệ hiện có và những công nghệ mới nổi. Toàn bộ lãnh đạo công ty phải cam kết gắn bó với cách tiếp cận này và tạo điều kiện cho nhân viên tham gia vào việc xây dựng những mô hình mới.

 Bước 2: Bắt đầu với các dự án thí điểm

Doanh nghiệp cần thử nghiệm để thiết lập bằng chứng và giá trị kinh doanh. Các dự án thí điểm ban đầu chỉ nên tiến hành trong một phạm vi tương đối hẹp, cần tích hợp khái niệm đầu cuối của Công nghiệp 4.0 - từ vật liệu cho đến giao hàng và dịch vụ sau bán hàng. Đây cũng là cơ hội để hợp tác với các công ty khởi nghiệp, trường đại học hoặc tổ chức công nghiệp để thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số.

Bước 3:  Xác định các kỹ năng cần thiết

Việc rút ra những bài học qua những thử nghiệm giúp vạch ra các kỹ năng, yêu cầu cần thiết để đạt được những mục tiêu quan trọng nhất. Khả năng thành công với Công nghiệp 4.0 phụ thuộc vào tốc độ và sự chính xác trong việc đáp ứng những thay đổi về kỳ vọng của khách hàng qua việc tích hợp kỹ thuật, bao gồm tự động hóa trong thương mại và chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp cũng cần có chiến lược tuyển dụng và phát triển nhân viên, cũng như hợp tác với đối tác có khả năng đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Bước 4: Trở thành chuyên gia về phân tích dữ liệu

Thành công với Công nghiệp 4.0  phụ thuộc vào khả năng khai phá sức mạnh dữ liệu và sử dụng phân tích một cách hiệu quả. Tiếp cận toàn diện để sử dụng tất cả các dữ liệu sẵn có ở dạng có cấu trúc hay chưa có cấu trúc (ví dụ dữ liệu từ mạng xã hội), để tìm ra các kết nối và thông tin hữu ích là một con đường khác đi tới sáng tạo số. Việc này bao gồm xây dựng các khả năng phân tích để phục vụ cho chiến lược hàng đầu của doanh nghiệp. Thông qua phát triển kết nối dữ liệu giữa nội bộ các phòng ban như quản lý chất lượng, hậu cần và kỹ thuật, v.v. với nguồn dữ liệu từ các đối tác bên ngoài và sử dụng phân tích thời gian thực, doanh nghiệp sẽ trở nên nổi bật hơn và thu hút khách hàng hơn, ngày càng nhận được nhiều giá trị hơn từ các dữ liệu, từ đó hoàn thiện sản phẩm, dịch vụ phù hợp cho từng khách hàng và liên tục cải thiện quy trình kinh doanh.

Bước 5: Chuyển đổi thành một doanh nghiệp kỹ thuật số

Việc chuyển đổi này dẫn đến nhiều thay đổi lớn trong thực tiễn hoạt động và phương thức kinh doanh, ví dụ, từ lấy sản phẩm là trung tâm (product-centric) sang lấy khách hàng là trung tâm (customer-centric), từ việc đáp ứng sang đón đầu nhu cầu, từ phân tích hoạt động qua phân tích dự báo. Doanh nghiệp tổ chức theo chiều dọc cần đổi sang hoạt động liên phòng ban, đa kênh, bám sát và đưa hành trình của khách hàng thành chuỗi giá trị trung tâm. Các lãnh đạo doanh nghiệp phải tái thiết lập định hướng của công ty, cũng như tạo ra một nền văn hóa kỹ thuật số, nơi tất cả nhân viên đều sẵn sàng học hỏi, thử nghiệm và thích nghi, đồng thời liên tục sáng tạo để dẫn đầu cuộc chơi.

Bước 6: Hòa chung vào hệ sinh thái

Các công ty cần tích cực tìm kiếm đối tác hoặc sử dụng nền tảng bên ngoài nếu thấy không nhất thiết phải tự mình phát triển sản phẩm và cung cấp một loạt dịch vụ liên quan. Để đạt được những đột phá về hiệu quả hoạt động, công ty cần tích cực tìm hiểu hành vi của người tiêu dùng, từ đó tạo ra vai trò riêng của mình trong hệ sinh thái phức tạp giữa ba bên: đối tác, nhà cung cấp và khách hàng.

Thông thường, các công ty khởi nghiệp trong mảng công nghệ chỉ tập trung vào các thị trường ngách, sử dụng công nghệ sản xuất mà các tập đoàn lớn hoặc các cơ quan chính phủ không thể thực hiện. Vì vậy, hợp tác với các công ty nhỏ có thể đẩy nhanh phát triển các sáng kiến mới trong Công nghiệp 4.0.

Tựu trung, chuyển đổi hoạt động kinh doanh, dưới sự ảnh hưởng của Công nghiệp 4.0, là xu hướng tất yếu. Các doanh nghiệp tại Việt Nam cần chuẩn bị toàn diện cho quá trình chuyển đổi này. Các doanh nghiệp nội địa không nên vội vàng, mà cần tìm kiếm các lời khuyên, đề xuất từ chuyên gia để tối ưu hóa các cơ hội do Công nghiệp 4.0 mang lại.

Grant Dennis (Trưởng nhóm Dịch vụ tư vấn hoạt động, PwC Việt Nam)