Phạt đến 80 triệu đồng khi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

13:38 02/03/2021

Ngày 01/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 14/2021/NĐ-CP về việc quy định xử phạt hành chính về chăn nuôi.

Theo đó, hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt đến 80 triệu đồng. Cụ thể, phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng đối với hành vi sử dụng mỗi chất cấm trong chăn nuôi mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Mặt khác, trong trường hành vi này đã đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì mức phạt được áp dụng là từ 70 - 80 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định hành vi sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh nhằm mục đích kích thích sinh trưởng sẽ bị xử phạt như sau: phạt tiền từ 01 - 03 triệu đồng đối với chăn nuôi nông hộ; phạt tiền từ 03 - 05 triệu đồng đối với chăn nuôi trạng trại quy mô nhỏ; chăn nuôi trang trại quy mô vừa bị phạt từ 05 - 07 triệu đồng; và đối với trang trại quy mô lớn thì mức phạt này là 07 - 10 triệu đồng, nghị định có hiệu lực kể từ ngày 20/4/2021.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi là 01 năm, trừ trường hợp vi phạm hành chính về sản xuất, mua bán, nhập khẩu, xuất khẩu giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, sản phẩm chăn nuôi, vật nuôi sống làm thực phẩm thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm. 

hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt đến 80 triệu đồng. Ảnh: Internet
Hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi có thể bị phạt đến 80 triệu đồng. Ảnh: Internet.

Từ xưa đến nay, ngành chăn nuôi Việt Nam luôn duy trì đặc điểm chính là kết hợp chặt chẽ, có hệ thống giữa chăn nuôi với trồng trọt. Các loài gia súc lớn như trâu, bò ngoài để lấy thịt còn để tận dụng sức kéo trong việc cày ruộng, chở hàng.Hay những loài gia súc, gia cầm nhỏ hơn như lợn, gà, thủy cầm được nuôi dễ dàng hơn nhờ tận dụng nguồn thức ăn sẵn có như cỏ, bèo, giun… Ngày nay, hình thức này được nâng cấp hơn bằng mô hình VAC (Vườn – Ao – Chuồng), giúp người nông dân tạo ra nền nông nghiệp khép kín, quay vòng.Hình thức trang trại chăn nuôi chiếm tỉ lệ lớn nhất và đang có xu hướng tăng lên. Các trại chăn nuôi thương mại lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng ngày càng được chú trọng phát triển.

Nhiều mặt hàng của Việt Nam hiện đã có thể xuất khẩu và cạnh tranh tại các thị trường lớn trên thế giới như gà lông màu, trứng vịt, lợn mán, cá ba sa… Hàng loạt các hội nghị, diễn đàn kinh tế gần đây cũng đã đưa ra những chính sách có lợi cho ngành chăn nuôi nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung. Để bảo đảm việc thực hiện các quy định của pháp luật về chăn nuôi, các hành vi vi phạm được phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm nhằm tạo lập môi trường bình đẳng, công bằng cho tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động về chăn nuôi, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững.

Minh Hải

Tags: