Bộ Y tế nêu lý do Việt Nam phản đối thuốc lá thế hệ mới - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Huy Quang cảnh báo thuốc lá mới là mối nguy cơ mới cho sức khỏe.

Cũng theo ông Quang, kết quả điều tra năm 2015 cho thấy tỉ lệ hút thuốc lá ở nữ giới là 1,1%; ở nam giới là 45,3%. Tuy nhiên, nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược và Chính sách y tế năm 2020 tại Hà Nội cho thấy ở nhóm học sinh lớp 8-12, tỉ lệ hút thuốc lá mới ở nữ lên đến 4,8% và ở nam là 12,4%. "Đây là những con số biết nói. Thuốc lá mới này dễ tiếp cận giới trẻ, dù chỉ mới là thuốc lá nhập lậu. Đây là mối nguy cơ cho tương lai, cho sức khỏe của dân tộc, của giống nòi bị ảnh hưởng của thuốc lá mới" - ông Quang nhấn mạnh.

Bác sĩ Vũ Văn Thành, Hội Phổi Việt Nam, khẳng định các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới gồm: Thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều ảnh hưởng đến sức khỏe với các nguy cơ mắc bệnh tim mạch, phổi, ung thư… Đặc biệt, trong các sản phẩm thuốc lá điện tử có hàm lượng Nicotin rất cao và là chất gây nghiện, ảnh hưởng đến não bộ, tim mạch, đặc biệt nguy hại với phụ nữ mang thai, chưa kể hàng loạt kim loại như: Chì, bạc, cadmium, thủy nhân, nickel có thể gây ung thư. "Quá trình khám và điều trị người bệnh cũng như các công bố của quốc tế chúng tôi nhận thấy hình ảnh X-quang ngực ở người hút thuốc lá điện tử có hình ảnh tổn thương nhu mô phổi ở bệnh nhân. Trong khi đó với sản phẩm thuốc lá nung nóng còn chứa một số chất độc cao hơn thuốc lá điện tử", bác sĩ Thành nhận định. 

Bác sĩ Vũ Văn Thành nói về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới.
Bác sĩ Vũ Văn Thành nói về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới..

Bác sĩ Thành cho biết trên thế giới các bác sĩ đã từng điều trị cho một trường hợp thanh niên 16 tuổi bị viêm phổi tăng bạch cầu cấp tính mức độ nặng sau sử dụng thuốc lá nung nóng 2 tuần với triệu chứng khó thở nặng dần. Bệnh nhân được chuyển đến Khoa cấp cứu và được đặt nội khí quản, thở máy, can thiệp tim phổi nhân tạo (ECMO) do suy hô hấp nặng.

Cảnh báo về những nguy hại của các sản phẩm thuốc làm nóng được truyền thông rầm rộ thời gian qua, ông Đào Thế Sơn, thuộc Liên minh Quốc tế phòng chống lao và bệnh phổi, cho biết thuốc lá làm nóng đều có chứa nicotine và thuốc lá. "Gần đây, nhiều thông tin cho rằng thuốc lá làm nóng do một công ty thuốc lá sản xuất an toàn hơn thuốc lá truyền thống nhưng thực tế chưa có bằng chứng nào chứng minh rằng rằng việc chuyển từ sử dụng thuốc lá truyền thống sang thuốc lá làm nóng sẽ giảm nguy cơ bệnh tật liên quan tới thuốc lá"- ông Sơn nói.

Theo ThS. Đào Thế Sơn – giảng viên Trường Đại học Thương mại – FDA đến nay vẫn chưa phê chuẩn mức độ giảm rủi ro của sản phẩm thuốc lá làm nóng do Công ty Philip Morris International (PMI) sản xuất đối với sức khoẻ, mà chỉ thông báo thuốc lá làm nóng là sản phẩm điều chỉnh nguy cơ phơi nhiễm.

Trên thực tế, các sản phẩm thuốc lá làm nóng không đáp ứng tiêu chuẩn giảm nguy cơ bệnh tật đối với sức khoẻ của người sử dụng, không chứng minh được sản phẩm có lợi cho sức khoẻ cộng đồng và an toàn hơn thuốc lá truyền thống. Đặc biệt, mặc dù PMI không đưa ra được bằng chứng về việc thuốc lá làm nóng giúp cai nghiện, nhưng công ty vẫn truyền thông rằng sản phẩm có thể giúp cai nghiện thuốc lá.

Điều này đã khiến không ít người tin tưởng vào tác dụng của sản phẩm thuốc lá làm nóng để sử dụng, mà không hề hay biết những tác hại gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khoẻ có trong khói thuốc.

ThS. Đào Thế Sơn – giảng viên Trường Đại học Thương mại – FDA.
ThS. Đào Thế Sơn – giảng viên Trường Đại học Thương mại – FDA..

Chính vì thế, FDA không cho phép thuốc lá làm nóng được tiếp thị là sản phẩm giảm rủi ro đối với sức khoẻ người sử dụng. “Rõ ràng, FDA không khẳng định thuốc lá làm nóng an toàn hơn thuốc lá truyền thống. Chính PMI cũng thừa nhận rằng chưa có đủ bằng chứng cho thấy việc chuyển sang IQOS sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh liên quan tới thuốc lá. Do đó, tôi khẳng định mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại” – ThS. Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Sơn, trong hồ sơ gửi FDA, bản thân công ty thuốc lá này cũng thừa nhận điều này và cho biết sử dụng hệ thống thuốc lá làm nóng có thể gây hại cho sức khoẻ. Ông Sơn cho biết đến thời điểm này FDA không phán quyết thuốc lá làm nóng là an toàn hơn thuốc lá truyền thống. Dựa trên các bằng chứng hiện tại, nhiều quốc gia tiếp tục cấm hoặc hạn chế lưu hành sản phẩm thuốc lá làm nóng. Bởi không có mức độ phơi nhiễm thuốc lá nào được cho là an toàn và không có bằng chứng cho thấy thuốc lá làm nóng giúp cai nghiện. Trên thực tế, mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại.

ThS. Đoàn Thu Huyền – Giám đốc quốc gia Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (Ảnh - Minh Thuý)
ThS. Đoàn Thu Huyền – Giám đốc quốc gia Tổ chức Chiến dịch vì trẻ em không thuốc lá (Ảnh - Minh Thuý).

Sau khi PMI lan truyền thông tin sai lệch về phán quyết của FDA, nhiều phương tiện thông tin truyền thông, báo chí lại truyền tải những thông điệp không chính xác về thuốc lá làm nóng.

Bà Đoàn Thu Huyền, Giám đốc quốc gia, Tổ chức Chiến dịch vì Trẻ em không thuốc lá cho rằng thời gian qua đã có nhiều thông tin sai lệch FDA về các sản phẩm thuốc lá mới. Thậm chí, tại Trung Quốc, đã lan truyền thông tin về việc sử dụng nicotine giúp chống lại Covid-19 giúp phòng ngừa các bệnh hô hấp và người hút thuốc lá ít nguy cơ mắc Covid-19 hay quảng cáo hút thuốc lá điện tử giúp phòng chống một số bệnh hô hấp. Đây là những thông tin sai lệch.

Đến nay, thuốc lá mới gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đều chưa được cho phép sản xuất và kinh doanh tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam không nên cấp phép nhập khẩu và lưu hành thuốc lá điện tử bởi đây là là nguy cơ mới cho một hình thức nghiện khác, gây nhiều tốn kém về sức khỏe, tiền bạc...

Chia sẻ về quan điểm, định hướng chính sách quản lý thuốc lá mới của Bộ Y tế, ThS. Trần Thị Trang – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế - cho hay: Việc đề xuất chính sách quản lý đối với thuốc lá mới phải cân nhắc các giải pháp về giảm cung, giảm cầu đối với thuốc lá trong chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Thời gian qua, chiến lược quốc gia phòng, chống thuốc lá đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ nam giới hút thuốc lá cao nhất thế giới. Thực tế, việc cho phép một sản phẩm mới về thuốc lá vào thị trường sẽ làm tăng tỷ lệ hút thuốc ở phụ nữ, thanh thiếu niên. Điều tra mới đây của Viện Chiến lược chính sách Y tế tại Hà Nội cho thấy có tới 5,2% thanh thiếu niên hút thuốc bao giờ nhưng lại hút thuốc lá điện tử.

ThS. Trần Thị Trang khẳng định: Quan điểm của Bộ Y tế là mọi sản phẩm thuốc lá đều gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ, xã hội, kinh tế. Chính sách của Bộ Y tế sẽ bảo đảm giảm cung, giảm cầu các sản phẩm thuốc lá; ưu tiên sức khoẻ của người dân lên trên các lợi ích kinh tế.

Bộ Y tế đề nghị không cho phép nhập khẩu, mua bán cũng như không cho phép thí điểm nhập khẩu, mua bán các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng vì các sản phẩm này gây nghiện, có hại với sức khoẻ, không thể đưa sức khoẻ người dân ra thí điểm.

An Nguyên