PGS. TS Trương Thị Nam Thắng: Dám đón nhận thách thức, cơ hội thành công sẽ đến!

00:00 12/10/2020

“ Nếu cuộc đời đưa cho bạn một quả chanh, dù nó chua, dở cỡ nào, thì thay vì ngồi kêu ca về nó, chúng ta hãy biến nó thành món nước chanh, bán cho chính những người đang khát khô vì chỉ tập trung vào kêu ca mà không dấn thân làm cho vị chua của quả chanh hữu ích hơn...” Đó là chia sẻ của PGS. TS Trương Thị Nam Thắng – Giám đốc Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội- Trường Đại học Kinh tế Quốc dân khi nói về tinh thần và khát vọng khởi nghiệp của các bạn trẻ.

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng

Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội là một trong những trung tâm đi đầu trong nghiên cứu, đào tạo, vận động chính sách, hỗ trợ khởi nghiệp và sáng tạo xã hội ở Việt Nam và khu vực. Với cương vị Giám đốc, xin chị giới thiệu vài nét về trung tâm ?

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng: Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội (CSIE) được ra đời từ tháng 2 năm 2017 với sứ mệnh phát triển tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp vì xã hội trong người trẻ và cộng đồng nói chung. Đây là trung tâm đầu tiên ở Việt Nam cũng là một trong ít trung tâm trong khu vực nghiên cứu về tinh thần kinh doanh và sáng tạo xã hội, tức là phát triển hoạt động khởi nghiệp và sáng tạo xã hội nhiều hơn là khởi nghiệp nói chung. Đến nay, trung tâm đã đào tạo được hơn 100 giảng viên và 60 cố vấn khởi nghiệp về sáng tạo xã hội với khoảng 400 sinh viên trên khắp đất nước. Trung tâm thường niên tổ chức hội thảo quốc tế, mời các học giả trong nước và quốc tế đến chia sẻ những tri thức về sáng tạo khởi nghiệp xã hội cho các bạn trẻ.

Có hai sinh viên trường Đại học Kinh tế Quốc dân khởi nghiệp rất thành công và hiện là doanh nhân của những doanh nghiệp nổi tiếng. Người thứ nhất, ngay khi là sinh viên đã tự thành lập và làm thủ lĩnh nhiều Câu lạc bộ trong trường, tức là tính lãnh đạo của bạn đó rất nổi trội. Cách đây vài năm, bạn ấy thành lập Công ty về truyền thông xã hội, hiện công ty này đang quản lý các cầu thủ bóng đá Việt Nam. Mới 30 tuổi nhưng bạn này đã lọt vào top 800 người giỏi nhất Việt Nam. Người thứ hai là sáng lập viên jamja.vn, đã gọi vốn được 5 triệu USD và công ty công nghệ của bạn này hoạt động rất hiệu quả.

Chị nhìn nhận thế nào về hệ sinh thái khởi nghiệp của các trường đại học hiện nay?

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng: Hiện hệ thống trường đại học ở Việt Nam xếp 79/138 quốc gia về thực hành năng lực đổi mới sáng tạo. Các trường đại học có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực nghiên cứu, gắn bó với doanh nghiệp về hoạt động khởi nghiệp trong chương trình đào tạo chính thức. Giới trẻ Việt Nam có tinh thần khởi nghiệp cao, tuy nhiên vẫn còn nhiều rào cản. Mối liên hệ giữa Nhà nước – Nhà trường và giới doanh nghiệp vẫn đang còn tách rời. Bên cạnh đó, hoạt động khởi nghiệp tại các trường vẫn còn mang tính trình diễn, phong trào, còn lúng túng về mô hình hoạt động và hạn chế ở khung pháp lý. Nguyên nhân là do cách tiếp cận của các lãnh đạo, cách tiếp cận của những người thúc đẩy khởi nghiệp ở các trường đại học. Là Tổ trưởng tổ tư vấn khởi nghiệp của Bộ GD- ĐT, tôi thấy trong số hơn 300 trường đại học cả nước thì có tới 280 trường chưa có trung tâm khởi nghiệp. Nhiều trường cũng quan tâm đến hoạt động khởi nghiệp nhưng giao cho các bộ phận liên quan như Phòng Quản lý sinh viên, Đoàn Thanh niên hay Khoa Quản trị kinh doanh… nên hoạt động không hiệu quả. Để khắc phục “điểm yếu” này, cần tăng cường vai trò chủ thể của các trường đại học trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Đồng thời, có giải pháp khuyến khích kèm theo bắt buộc các trường đại học, đặc biệt là đại học công nghệ triển khai mạnh hơn chức năng nghiên cứu và kết nối với khu vực công nghiệp, doanh nghiệp.

Theo một thống kê trên báo chí, trong 100 ý tưởng khởi nghiệp chỉ có 3 ý tưởng thành công,theo chị nguyên nhân vì sao?

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng: Từ ý tưởng khởi nghiệp, kể cả ý tưởng độc đáo, để chuyển thành một doanh nghiệp hoạt động hiệu quả là một chặng đường dài. Thời gian khởi nghiệp được tính trong 3 năm, nghĩa là một doanh nghiệp phải hoạt động phải trụ vững trong 3 năm. Tuy nhiên, thực tế, tỷ lệ doanh nghiệp thành công rất thấp do thiếu hoạch định và chiến lược kinh doanh khả thi. Ví dụ, bạn mở một của hàng kinh doanh nhỏ thì khẳ năng tồn tại dễ hơn một công ty công nghệ. Bởi lẽ, công ty công nghệ đòi hỏi về năng lực thực hiện, đầu tư nhiều hơn nên chuyện thành bại trong khởi nghiệp là bình thường. Dù rằng tỉ lệ thành công của khởi nghiệp sáng tạo không nhiều nhưng tinh thần khởi nghiệp của người trẻ là phải luôn luôn đứng lên, làm lại từ đầu sau khi vấp ngã và không bao giờ từ bỏ.

Những người trẻ khởi nghiệp hiện nay đang thiếu gì, và có nên khởi nghiệp khi thất nghiệp,thưa chị?

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng: Trước hết là thiếu quyết tâm. Lúc mới bắt đầu ai cũng hào hứng, nhiệt huyết vì có một cảm giác mình sắp tạo ra một cái gì đó “to lớn”. Khoảng vài tháng sau mới nhận ra “Đời không như là mơ” hoặc “Nó không dễ như mình nghĩ”…Thiếu kinh nghiệm khởi nghiệp, ngộ nhận về thị trường và khả năng tư duy phân tích kém cũng khiến rất nhiều bạn trẻ thất bại nhanh chóng, hoặc nhiều khi chỉ vì chút thất bại đã nhụt chí, không muốn tiếp tục khởi nghiệp nữa. Vì vậy, các bạn trẻ cầnhết sức thận trọng và tỉnh táo trong khâu tìm thị trường kinh doanh nếu không toàn bộ kế hoạch kinh doanh sẽ thất bại nặng nề. Nhu cầu thị trường thay đổi liên tục nên luôn xuất hiện một bong bóng rủi ro trong kế hoạch kinh doanh của bạn.

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng và các cộng sự giới thiệu hoạt động của Trung tâm Khởi nghiệp và Sáng tạo xã hội với phóng viên

Khởi nghiệp rất rộng, không nhất thiết phải bắt đầu bằng những việc làm lớn lao, mà nhiều khi chỉ từ những trăn trở, những ý tưởng mới, miễn là tạo ra giá trị cho xã hội. Các bạn trẻ cần hiểu khởi nghiệp không đơn thuần là lập nghiệp, mà là sự đổi mới, sự sáng tạo, nó khác với quan điểm về lập nghiệp; là một cuộc hành trình chứ không phải là điểm đến. Vì vậy, cơ hội khởi nghiệp hiện nay rất thuận lợi để ý tưởng – sức sáng tạo, sự năng động, khát vọng làm giàu của tuổi trẻ được nảy mầm, lớn mạnh. Tuy nhiên, dám khởi nghiệp không thôi chưa đủ, mà cần phải có cách làm thông minh, nghĩa là lấy sáng tạo, ý tưởng khoa học – công nghệ, sự kết nối rộng rãi với cộng đồng và tính bền vững để thay cho nguồn vốn. Các bạn trẻ cứ khởi nghiệp, vì đó là trải ngiệm chúng ta học được để trưởng thành hơn. Tuổi trẻ cần phải dấn thân, nhưng quan trọng là phải biết mình là ai, mục đích mình đến để rồi tìm cách mình đi. Có ý kiến cho rằng đừng bắt các em khởi nghiệp hết vì nếu vậy thì ai làm thuê. Tôi nghĩ, qua trải nghiệm, nếu không có đam mê, tiềm lực để làm doanh nhân thì bạn nên đi làm thuê.

Nhiều bạn trẻ chia sẻ trên các diễn đàn là có ý tưởng hay nhưng thiếu vốn, không có nhà đầu tư,chị có ý kiến gì về vấn đề này?

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng: Không tiếp cận được nhà đầu và vốn trước hết là do lỗi của bản thân người xây dựng dự án. Bạn đừng bao giờ nghĩ mình và chỉ mình có ý tưởng “đắt” vì người khác cũng có nhiều ý tưởng. Mặt khác, có nguồn lực đầu tư nhưng chưa chắc dự án khởi nghiệp đó sẽ dễ dàng thành công. Một số doanh nhân nói rằng: “Nghèo thì đừng nên khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp về công nghệ”. Nếu gia đình có tiềm lực tài chính thì người khởi nghiệp  có nền tảng và điều kiện thuận lợi nhưng nếu không có động lực hoặc lười biếng, an phận thủ thường thì yếu tố tài chính không có ý nghĩa.

Vậy theo chị, để khởi nghiệp thành công, các bạn trẻ cần hội tụ những yếu tố gì?

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng: Muốn khởi nghiệp thành công, các bạn cần giữ lửa đam mê, chấp nhận đương đầu và làm đến cùng, đừng bắt chước, phải biết mình là ai, năng lực mình đến đâu. Bởi vì rất nhiều người cho đến 35 tuổi chưa biết mình là ai và chưa biết mình muốn gì. Từ câu chuyện mình biết mình là ai và mình muốn gì và làm thế nào để mình biết được, tôi nghĩ từ khi là sinh viên cứ thực tập, cứ làm nhiều thứ để biết mình thích cái gì. Tuy làm nhiều thứ để biết mình thích cái gì nhưng đừng bao giờ hạn chế vào việc mình chỉ thích một thứ. Mặt khác, để khởi nghiệp thành công thì vai trò của đội ngũ cố vấn (mentors) với bề dày kinh nghiệm là cực kỳ quan trọng. Thực tế chứng minh, đằng sau thành công của một startup thường có bóng dáng của cố vấn. Tiếp đó, ngoài giải pháp công nghệ thì phải biết kinh doanh và quan trọng đừng đi một mình, nghĩa là cần có người đồng hành “chia lửa” với mình. Các bạn phải biết cách xây dựng mối quan hệ, biết cách xây dựng các mạng lưới để đến một lúc nào đó sẽ sử dụng những mối quan hệ đó phục vụ cho công việc. Đồng thời, các bạn phải biết giữ gìn sức khỏe, giữ hình ảnh bản thân, không tư duy quá ngắn.

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng: Muốn khởi nghiệp thành công, các bạn cần giữ lửa đam mê, chấp nhận đương đầu và làm đến cùng, đừng bắt chước, phải biết mình là ai, năng lực mình đến đâu.

Ở một số quốc gia như Mỹ, Canada, Balan… rất chú trọng đến khởi nghiệp trong các trường đại học và ngay từ khi đang học các sinh viên đã được trang bị những kiến thức, tư duy của doanh nhân… Chị  đánh giá thế nào về cách đào tạo này?

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng: Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới rất chú trọng đến khởi nghiệp và xem đó là cách thức để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm. Kinh nghiệm từ các quốc gia thành công cho thấy, đối tượng khởi nghiệp phần lớn tập trung vào giới trẻ và khởi nghiệp khi đang là sinh viên có thể không phải là con đường lựa chọn của tất cả, tuy nhiên trường học lại là nơi tuyệt vời để bắt đầu kinh doanh. Trường đại học là nền tảng ban đầu thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Các sinh viên sẽ phát triển tính chủ động trong việc tạo việc làm và tìm kiếm việc làm, lựa chọn sẽ khởi nghiệp theo hướng nào. Bởi vậy, ở nước ngoài, hầu hết nhà trường đều tạo cho sinh viên có cơ hội tiếp cận và lựa chọn hướng phát triển. Mô hình phát triển các doanh nghiệp trong trường học ở nước ngoài cũng được quan tâm, nghiên cứu phát triển.

Còn ở Việt Nam, hầu hết các trường chỉ đào tạo trong phạm vi khung chương trình và các phương pháp giáo dục nhằm đạt được mục tiêu của mình mà ít có ý tưởng về tinh thần khởi nghiệp kinh doanh và giá trị tạo ra cho người học chỉ bó hẹp trong tầm nhìn hạn chế, thiếu đi chủ đề chương trình khởi nghiệp kinh doanh… Ngoài ra, các trường đại học ở nước ta không có tiền và chỉ có ít trường đại học công có doanh nghiệp trong trường cho nên không được đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp vì vậy trong các trường đại học Việt Nam không có môi trường hỗ trợ khởi nghiệp. Ở tầm vĩ mô thì các đề án của Chính phủ liên quan đến khởi nghiệp như là một miếng bánh được chia thành nhiều phần: TW Đoàn, Bộ KH&CN, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Bộ GD & ĐT…nhưng không có sự đo đếm đánh giá kết quả đầu ra cụ thể. Do vậy, nhiều khi kết quả của ông A, nỗ lực 90% là ông A nhưng cả 4 ông khác cũng nhận là đấy là nhờ tôi đóng góp. Nghĩa là, một ông làm rất nhiều trong khi các ông kia chẳng làm gì nhưng đều nói sản phẩm khởi nghiệp của tôi. Chuyện tiêu tiền như vậy, rõ ràng không hiệu quả.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, là cơ hội tốt khuyến khích và tạo điều kiện để thanh niên phát huy năng lực sáng tạo… Chị có thể chia sẻ điều gì để “tiếp lửa” cho giới trẻ khởi nghiệp?

PGS.TS Trương Thị Nam Thắng: Hãy nghĩ đến những điều tốt đẹp sau khi bạn có thể thực hiện ý tưởng mình nung nấu. Hoặc chí ít cũng cần phải nghĩ rằng “Mình còn trẻ mình có quyền thất bại”. Trước kia chúng ta coi trọng tư duy sáng tạo và thúc đẩy sáng tạo với tiêu chí là: Tư duy ra ngoài khuôn khổ. Nhưng hiện nay, không có khuôn khổ, hạn định nào cho sáng tạo cả. Nếu cuộc đời đưa cho bạn một quả chanh, dù nó chua, dở cỡ nào, thì thay vì ngồi kêu ca về nó, chúng ta hãy biến nó thành món nước chanh, bán cho chính những người đang khát khô vì chỉ tập trung vào kêu ca mà không dấn thân làm cho vị chua của quả chanh hữu ích hơn. Bây giờ thị trường toàn cầu, tầm nhìn cũng toàn cầu, bởi vậy không nên hạn chế bất kỳ một mặt nào, từ tầm nhìn đến nhân sự...Những thách thức đến với chúng ta theo một nguyên lý nhân sinh, vì vậy hãy đón nhận thách thức đó và biến thành cơ hội.

Khởi nghiệp phải mạo hiểm?

“Khởi nghiệp chắc chắn phải mạo hiểm thường xuyên nhưng vẫn phải quyết đoán, chỗ nào cần đầu tư trước vẫn phải đầu tư. Nếu cứ đợi có tiền trước mới làm thì lúc chẳng còn cơ hội nữa. Trong nguyên tắc khởi nghiệp đợi khi thấy khách hàng hài lòng với sản phẩm của mình thì quá muộn. Trái lại phải khởi nghiệp tinh gọn, tức là có sản phẩm tối thiểu là đẩy ra thị trường để làm bài test, rồi điều chỉnh cho sản phẩm hoàn hảo. Khi đó sản phẩm đó sẽ có thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường”.

 Trí Kiên- Thu Giang