Ông chủ đứng sau doanh nghiệp tư nhân sắp tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người tại Việt Nam

06:02 11/12/2020

Với đam mê và tài năng đối với việc nghiên cứu dược lý dược học, và công nghệ sản xuất thuốc, TS Hồ Nhân học ngành y sinh tại Mỹ và quyết định về Việt Nam sinh sống và làm việc từ năm 2006.

Đến thời điểm này, Việt Nam có 4 đơn vị được cấp phép nghiên cứu vaccine COVID-19, là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (Polyvac) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen . Trong đó Nanogen là doanh nghiệp tư nhân duy nhất.

Nhà công nghệ sinh học ở Nanogen

Chủ nhân của Nanogen chính là ông Hồ Nhân - nhà công nghệ sinh học sản xuất thuốc phục vụ người bệnh.

Sau 20 năm ở nước ngoài, ông Hồ Nhân trở về Việt Nam điều chế các sản phẩm sinh học đặc trị các căn bệnh hiểm nghèo.

Sau 20 năm ở nước ngoài, ông Hồ Nhân trở về Việt Nam điều chế các sản phẩm sinh học đặc trị các căn bệnh hiểm nghèo.

Lớn lên ở New York, ông Hồ Nhân cho biết, ông lấy bằng tiến sĩ công nghệ sinh học tại Đại học Arizona và ấp ủ ước mơ lập công ty công nghệ sinh học của riêng mình. Ông đi làm thuê để dành dụm tiền, sau đó cùng người bạn học mở công ty chuyên làm về dịch vụ nghiên cứu và phân tích thuê cho các công ty dược, hóa chất. Theo ông Nhân, một trong những khách hàng thời đó là hãng dao cạo râu Gillette. Công ty đầu tiên ấy giúp ông hiểu được một mô hình kinh doanh cơ bản. Có thời gian, ông thương mại hóa sản phẩm ứng dụng công nghệ sinh học, giúp tăng tính đề kháng và thể trọng của gia cầm.

Năm 2008, về Việt Nam định cư lâu dài, ông Hồ Nhân mở một phòng thí nghiệm nhỏ tại quận Tân Phú, trước khi dời cơ sở về khu Công nghệ cao TP.HCM. Đi từng bước từ nghiên cứu cơ bản, đầu tư nhỏ, tạo ra sản phẩm thử nghiệm lâm sàng rồi tiến hành đầu tư sản xuất lớn, lợi nhuận được ông tiếp tục đổ vào nghiên cứu.

Ông Nhân cho biết, Nanogen đầu tư 40 triệu đô la Mỹ từ tiền cá nhân và vay của người thân, bạn bè. Công ty này hiện có thể kiểm soát trên 90% các bước cơ bản trong quy trình làm ra một sản phẩm thuốc công nghệ sinh học, tùy theo từng loại. Tỉ lệ còn lại tuy nhỏ, ví dụ một số bí quyết công nghệ, được công ty trả tiền mua bản quyền nghiên cứu nước ngoài, thường từ vài chục ngàn đến vài triệu đô la Mỹ. Ông Nhân nói: “Những nghiên cứu tiến bộ trên thế giới đã được đăng ký bản quyền. Cần sử dụng, mình liên hệ với tác giả. Như vậy vừa giảm giá thành sản phẩm, giảm rủi ro và tiết kiệm thời gian.”

Cách làm tích hợp chất xám nội địa và nghiên cứu quốc tế của ông Nhân được tiến sĩ Nguyễn Đức Thái, đại học Tân Tạo và đại học Khoa học Tự nhiên TP HCM, nhận định là “khôn khéo” vì đã “thay đổi một phần cấu trúc” nhờ đó tạo ra sản phẩm khác, giúp Nanogen thoát khỏi kết tội vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ của Roche.

Tháng 4/2013, ông Hồ Nhân được mời vào Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán VinaSecurities, doanh nghiệp bị thua lỗ nhiều năm liền. Nhà công nghệ sinh học này vốn có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, qua các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực dược, bệnh viện, thiết bị y tế tại Mỹ và Hồng Kông. Sau khi bán công ty phân tích tại Mỹ, theo lời tự kể, ông Nhân gia nhập thị trường tài chính, mua bán công ty trong ngành y tế. Từng làm cho quỹ đầu tư, ông giải thích: “Nếu cứ làm nghiên cứu trong phòng lab đeo mắt kiếng dày cộp thì bao giờ mới đủ tiền để làm nhà máy to đùng”.

Ông Nhân từng dẫn đầu một nhóm định giá các cổ phiếu đầu tư tư nhân vào ngành y của một quỹ tại Hồng Kông có số vốn theo ông, trị giá hàng tỉ đô la. “Mấy năm nay năm nào tôi cũng làm 1 - 2 vụ mua bán cho họ. Những vụ trước có cái mang về lợi nhuận cho họ gấp 10 lần,” ông Nhân kể. Và việc tham gia thị trường tài chính Việt Nam lần này, theo ông, là để giúp bạn lúc khó khăn.

Vợ ông Nhân, bà Nguyễn Thị Hồng Vân cũng là Giám đốc công ty Nanogen. Ông Nhân cho biết, ông đang tham gia tài trợ cho các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài dịch sách giáo trình, tài liệu khoa học từ tiếng Anh sang tiếng Việt để phổ biến công nghệ sinh học tại các trường đại học Việt Nam. Ông Nhân tự nhận mình có những mối quen biết các nhà khoa học “siêu việt” trong lĩnh vực này trên thế giới, những người có thể bay sang Việt Nam giúp ông.

Vào cuộc đua sản xuất vacxin

Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen có trụ sở chính tại Khu Công nghệ cao Quận 9, TP HCM. Đây cũng là nơi đặt nhà xưởng sản xuất. Văn phòng đại diện phía Bắc của công ty đặt tại 777 Giải Phóng, phường Giáp Bát, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Nanogen đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu. Người đại diện pháp luật và cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Nanogen, là ông Hồ Nhân, sinh năm 1966, quốc tịch Việt Nam. Ban đầu thành lập, Nanogen có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, đều là nguồn vốn tư nhân.

CEO Hồ Nhân là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, qua các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực dược, bệnh viện và thiết bị y tế tại Mỹ và Hồng Kông
CEO Hồ Nhân là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, qua các thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực dược, bệnh viện và thiết bị y tế tại Mỹ và Hồng Kông. (Ảnh: Lê Quang Nhật.)

Cổ đông sáng lập là ông Hồ Nhân, góp 140 tỷ đồng, nắm giữ 70% cổ phần công ty. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, vợ của ông Nhân, góp 50 tỷ đồng, giữ 25% cổ phần và ông Hồ Vũ Thành góp 10 tỷ đồng, sở hữu 5% cổ phần công ty. Bà Nguyễn Thị Hồng Vân cũng là Giám đốc của Nanogen.

Sau nhiều lần thay đổi, hiện tại vốn điều lệ của Nanogen đã tăng 2,6 lần so với thời điểm thành lập, lên 715 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông nước ngoài đang nắm giữ hơn 25,7% vốn.

Một số cổ đông nước ngoài đáng chú ý là quỹ Stic Private Equity Fund III (Iceland) nắm 7,7% cổ phần, Công ty sinh học Next Science Co (Hàn Quốc) sở hữu 10,5%…

Đến thời điểm này, Việt Nam có 4 đơn vị được cấp phép nghiên cứu vaccine COVID-19, là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (Polyvac) và Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược Nanogen.

Trong đó, Nanogen là đơn vị tư nhân duy nhất tham gia vào quá trình sản xuất vaccine COVID-19 tại Việt Nam, và cũng là đơn vị thử nghiệm vaccine trên người sớm nhất.

Công nghệ chính được các công ty áp dụng là sử dụng kháng nguyên và tái tổ hợp protein. Đây là công nghệ tương đồng với các quốc gia đang phát triển vaccine khác trên thế giới.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, ngày 10/12 Việt Nam bắt đầu thử nghiệm vaccine COVID-19 trên người. Đây được đánh giá là bước đi nhanh, dù Việt Nam mới chỉ nghiên cứu vaccine COVID-19 từ cuối tháng 3/2020.

Và Nanogen là đơn vị đầu tiên được Bộ Y tế quyết định cho phép bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người. Trước đó, Nanogen đã hoàn thiện nghiên cứu quy mô phòng thí nghiệm, đang đánh giá tính an toàn, tính miễn dịch của vaccine trên động vật.

Theo kế hoạch ở giai đoạn 1, Học viện Quân y sẽ tiêm thử nghiệm vaccine trên khoảng từ 40 đến 60 tình nguyện viên. Giai đoạn hai sẽ thử nghiệm trên 600 người và sang giai đoạn ba hơn 10.000 người.

Rắc rối với Roche

Năm 2010, Nanogen vướng rắc rối khi bị Tập đoàn đa quốc gia Roche tố vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ với thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và thuốc điều trị viêm gan siêu vi C. Vụ việc xảy ra chỉ 7 ngày sau khi hai sản phẩm của Nanogen được cơ quan nhà nước cấp phép đăng ký.

Mặc dù phía Roche không đưa ra được bằng chứng thuyết phục, nhưng vụ lùm xùm đã khiến Nanogen liên tục bị nhắc tên trên các báo, nhưng cũng được nhiều nhà đầu tư biết đến hơn.

Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NanoGen, Khu công nghệ cao, Q.9

Công ty TNHH Công nghệ sinh học Dược NanoGen, Khu công nghệ cao, Q.9.

Đại diện Nanogen cho biết vào thời điểm đó, thuốc điều trị viêm gan siêu vi B và C của công ty sản xuất chỉ có giá bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại cùng loại, và chiếm 80% thị phần trong nước.

Bên cạnh đó, Nanogen cũng là công ty duy nhất ở Việt Nam sản xuất nguyên liệu dược và thành phẩm thuốc tiêm đặc trị từ công nghệ DNA/protein tái tổ hợp.

Vào thời điểm đó, ông Hồ Nhân cho biết theo quy định thì doanh nghiệp phải dành 1% tổng doanh thu cho hoạt động R&D (nghiên cứu và phát triển), nhưng tại Nanogen thì con số này lên đến 38%.

Từ sau vụ lùm xùm, Nanogen trở nên kín tiếng hơn. Ông Hồ Nhân càng ít nói về mình. Các thông tin trên website của công ty khá ít, và hầu hết được cập nhật từ năm 2013.

Ngoài ra, một số sản phẩm nổi bật của Nanogen là interferon alfa 2a, để điều trị bệnh viêm gan siêu vi, cúm…; EPO dùng điều trị các bệnh thiếu máu do suy thận; GCSF, GMCSF dùng hỗ trợ các bệnh đang sử dụng hóa trị và xạ trị; TPA dùng điều trị cho các bệnh nhân bị đột quỵ do tắt mạch máu; hormone tăng trưởng, kháng thể dùng trong liệu pháp miễn dịch chữa ung thư, tiểu đường…

Nanogen đang kinh doanh ra sao?

Trong những năm gần đây, doanh thu của Nanogen không quá biến động. Riêng 2019, Nanogen đạt doanh thu cao nhất là 191 tỷ đồng, tăng 17% so với 3 năm trước đó.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, Nanogen có mức biên lợi nhuận gộp hàng năm dao động 44% - 60%. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp lại có chiều hướng sụt giảm trong những năm gần đây.

Đặc biệt năm 2019, Nanogen báo lỗ đến 26 tỷ đồng khi biên lợi nhuận sụt giảm. Giai đoạn này trùng với thời điểm Nanogen tăng vốn điều lệ lên 715 tỷ đồng.

Lý do lỗ trong năm 2019 được giải thích là giá vốn bất ngờ tăng mạnh khiến biên lãi gộp giảm từ 60% năm 2018 xuống còn 44%. Nhiều khả năng, công ty đã trích khấu hao lớn trong năm 2019, sau khi đầu tư lớn vào tài sản cố định.

Tổng tài sản của Nanogen tính đến 31/12/2019 là 1.369 tỷ đồng, tăng 38% so với cuối năm 2018. Hoạt động của doanh nghiệp chủ yếu dựa trên vốn tự có, vốn chủ sở hữu tại cuối năm 2019 là 1.102 tỷ đồng, bao gồm 715 tỷ đồng vốn góp.

Theo Khánh Hà (https://enternews.vn)