OCOP Hà Tĩnh: Cần sự tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm

22:23 11/04/2021

Để quy mô và sản phẩm OCOP Hà Tĩnh ngày càng được nâng cao, ngoài việc các chủ thể sản xuất đầu tư nâng cao chất lượng thì cần có sự tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi kết nối sản xuất - tiêu thụ sản phẩm.

Sau 3 năm thực hiện, đến nay, Hà Tĩnh đã công nhận 159 sản phẩm của hơn 100 cơ sở sản xuất chuẩn đạt OCOP 3 đến 4 sao. Tuy nhiên, trong số này hiện mới có 25 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất hoặc tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Hữu Dực – Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Hà Tĩnh, đây là con số hết sức khiêm tốn, bỏ lỡ cơ hội để phát triển.

“Để sản phẩm OCOP Hà Tĩnh vươn xa và hướng đến xuất khẩu thì việc thúc đẩy doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP là hết sức cần thiết. Qua đó, doanh nghiệp tự tổ chức sản xuất, tập hợp được chủ thể sản xuất và dẫn dắt, kết nối thị trường tốt hơn. 

Gạo Ngọc Mầm của Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh
Gạo Ngọc Mầm của Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh.

Doanh nghiệp tham gia OCOP không chỉ góp phần nâng tầm sản phẩm mà còn mở rộng thị trường, bao tiêu sản phẩm cho người dân… Và chính sản phẩm OCOP cũng tạo ra lợi thế để đoanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường”, ông Nguyễn Hữu Dực phân tích.

Thực tế, như câu chuyện của sản phẩm gạo Ngọc Mầm của Công ty TNHH MTV KC Hà Tĩnh được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2019. Nguồn nguyên liệu đầu vào (lúa) được doanh nghiệp liên kết với hàng trăm hộ nông dân ở Thạch Hà, Đức Thọ từ khâu sản xuất đến thu mua. Doanh nghiệp đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sạch từ sản xuất trên đồng ruộng đến chế biến.

Nhờ vậy thương hiệu gạo Ngọc Mầm ngày càng khẳng định trên thị trường trong cả nước. Hiện nay, doanh nghiệp đang tiếp tục đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước trong khối ASEAN và châu Âu.

Ngọc Tình