Nuôi tôm tự phát ở Hải Thanh (Thanh Hóa): Chính quyền có buông lỏng quản lý?

21:44 21/12/2020

Hiện tượng nuôi tôm tự phát diễn ra trên địa bàn phường Hải Thanh, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) đã được báo chí phản ánh nhiều lần, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, vấn đề này vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Không những thế, nhiều hộ nuôi tôm ở đây vẫn tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất để phục vụ cho vụ nuôi mới, với quy mô được mở rộng hơn. Tình trạng này làm nảy sinh các vấn đề về ô nhiễm môi trường, nguồn nước, tiếng ồn và an toàn đê biển...

Ai cũng có thể nuôi tôm không cần giấy phép

Theo quan sát phóng viên, ở thời điểm hiện tại, việc nuôi tôm tự phát trên địa bàn phường Hải Thanh vẫn diễn ra khá rầm rộ. có đến gần 80 hộ nuôi, chủ yếu là nuôi tại các khu dân cư, tập trung nhiều ở các thôn như Thanh Đông, Thanh Xuyên, Thượng Hải. Do không nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, nên các hộ chủ yếu tự xây bể, đào ao nuôi trong sân, đất ở của gia đình mình và xả thải trực tiếp ra môi trường, trong đó có khu nuôi tôm công nghiệp trái phép, quy mô hàng nghìn m2 của Hợp tác xã Liên Minh tại thôn Thượng Hải.

Một số hộ dân và HTX  ở Hải Thanh vẫn tiếp tục mở rộng quy mô nuôi tôm trái phép
Một số hộ dân và HTX ở Hải Thanh vẫn tiếp tục mở rộng quy mô nuôi tôm trái phép.

Việc nuôi tôm tự phát tràn lan kéo theo những hệ lụy về môi trường và an toàn đê chắn sóng của tuyến đê biển Hải Thanh. Một người dân của địa phương cho biết:  “Họ nuôi tôm và xả thải thẳng ra biển. Biển Hải Thanh trước đây rất trong và xanh, giờ không ai dám tắm biển nữa. Tuyến đê này nhà nước làm để chắn sóng, nhưng giờ bị đục, tháo, không biết chịu được mấy năm!” Không khó để kiểm chứng những phát ngôn của bà con nơi đây, khi hàng km đê biển bị đục để đặt ống dẫn thải. Những đoạn đường ống được đặt đoạn nổi, đoạn chìm, trườn trên mặt đê rồi dẫn ra biển, các trạm bơm nước được lắp đặt ngay trên hành lang đê. Theo đó, hàng chục m3 nước thải/ ao/ ngày được thải ra môi trường. Bên cạnh đó, nuôi tôm tự phát trong khu dân cư còn gây ô nhiễm tiếng ồn do máy nổ công suất lớn quạt sục nước tạo không khí hoạt động liên tục suốt ngày đêm và khả năng gây xâm nhập  mặn do trong quá trình nuôi tôm phải sử dụng nước biển dẫn vào ao nuôi, chưa kể đến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước ngầm từ việc sử dụng các chế phẩm sinh hóa trong quá trình nuôi trồng.

Chính quyền bất lực hay đánh trống bỏ dùi

Trao đổi với phóng viên về vấn đề nêu trên, ông Đỗ Xuân Chung – Chủ tịch UBND phường Hải Thanh cho biết: “ Thực tế đang có gần 80 hộ nuôi tôm trên địa bàn. Hải Thanh không nằm trong vùng quy hoạch nuôi trồng thủy sản, cho nên việc nuôi tôm tự phát ồ ạt cũng đã kéo theo những vi phạm về quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn, vi phạm an toàn hành lang đê biển, gây ô nhiễm môi trường, Chính quyền cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nhiều lần nhưng sau đó họ vẫn nuôi lại”. Được biết, đã có 73 hộ dân vi phạm và bị xử phạt hành chính, với mức xử phạt 2-3 triệu mỗi hộ, đồng thời yêu cầu tháo dỡ những vi phạm hành lang đê trước ngày 15/08/2020. Tuy nhiên, cho đến thơi điểm hiện tại, theo quan sát của phóng viên thì các trạm bơm vẫn điềm nhiên hoạt động trên mặt đê.

Người dân đục đê biển để xả thải trực tiếp ra môi trường biển
Người dân đục đê biển để xả thải trực tiếp ra môi trường biển.

Thực tế đó cho thấy, việc xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại chưa thực sự hiệu quả theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Thực trạng này đặt ra một câu hỏi: Dân đang nhờn luật hay chính quyền và các cơ quan chức năng bất lực trước những sai phạm của người dân? Nói về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Chung cũng chia sẻ: “Thực tế là khó có thể xử lý dứt điểm, vì nuôi trồng và chế biến hải sản là ngành nghề truyền thống của địa phương. Nuôi tôm lại  là nghề có đầu tư lớn, dân đã đầu tư quá nhiều tiền vào công việc này nên không thể nói dừng là dừng ngay được. Đồng thời đây lại là một nghề mang lại lợi nhuận, giá trị kinh tế cao, người dân dù bị phạt họ vẫn lao vào làm nên khó xử lý dứt điểm. Chúng tôi đang xin  ý kiến cấp trên chỉ đạo về vấn đề này”.

Hiện tại, Hải Thanh là địa phương đất chật, người đông, với hơn 20.000 người, phân bố trên diện tích 2,77km2. Với mật độ dân số dày đặc, việc nuôi tôm tự phát trong các khu dân cư sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn môi trường sống của một bộ phận  không nhỏ người dân nơi đây.

Câu hỏi được đặt ra, UBND phường Hải Thanh đã kiên quyết xử lý vi phạm để đảm bảo an toàn của đê biển và tình trạng ô nhiễm môi trường ở địa phương hay chưa? Câu trả lời này một lần nữa được gửi đến các cơ quan chức năng của UBND thị xã Nghi Sơn.

Ngọc Lâm