Nữ tỷ phú đầu tiên của Trung Quốc: Ôm mộng “xanh”, xây ước mơ từ giấy vụn

15:17 07/07/2021

Trong lịch sử làng khởi nghiệp Trung Quốc có một nữ doanh nhân bắt đầu từ con số không và thành lập Nine Dragons Paper, dùng nỗ lực của bản thân để trở thành người phụ nữ giàu nhất đất nước với giá trị tài sản 42 tỷ Nhân dân tệ. Người phụ nữ đó là Yan Cheung.

Khi nhắc đến những tấm gương khởi nghiệp, ta đều nghĩ ngay đến Jack Ma hay Vương Kiện Lâm. Trên thực tế, có rất nhiều nữ doanh nhân thành đạt, chẳng hạn như Đổng Minh Châu, Chủ tịch Gree Electric được mệnh danh “Người đàn bà sắt”, v.v. Mạnh Tử từng nói “Thiên tương giáng đại nhậm ư tư nhân dã, tất tiên khổ kì tâm chí, lao kì cân cốt” (Trời định giao cho người nào trách nhiệm lớn lao, ắt trước tiên phải chịu khốn khó tâm chí, nhọc nhằn gân cốt). Có một nữ doanh nhân bắt đầu từ con số không và thành lập Nine Dragons Paper, dùng nỗ lực của bản thân để trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc với giá trị tài sản 42 tỷ Nhân dân tệ. Người phụ nữ đó là Yan Cheung.  

Nữ tỷ phú Yan Cheung
Nữ tỷ phú Yan Cheung. (Ảnh: internet)

Nói về khởi nghiệp chưa bao giờ là một con đường dễ đi, hoặc là từ bỏ mọi cố gắng trước đây làm lại từ đầu hoặc là lập nghiệp với hai bàn tay trắng với kiếp nợ nần. Tinh thần kinh doanh đôi khi là một cuộc chiến dài hơi, những người sống sót cuối cùng ắt hẳn đã trải qua gian khó mà người bình thường khó có thể tưởng tượng. 

Xuất thân bình thường nhưng tầm nhìn không tầm thường

Trước khi trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, Yan là một người phụ nữ bình thường như bao người. May mắn sở hữu đầu óc nhanh nhạy, sau khi tốt nghiệp đại học, bà đầu quân cho một công ty dệt ở Thâm Quyến với chức vụ kế toán và dần được đề bạt lên trưởng phòng tài chính, trưởng phòng thương mại vừa có tiền vừa có thế. Tuy nhiên, Yan không muốn gò bó cuộc sống theo khuôn phép, sôi sục bởi đam mê, bà từ bỏ công việc vào năm 1985 và đến Hồng Kông bắt đầu kinh doanh với 30 nghìn nhân dân tệ.

Để có một chỗ đứng giữa Hồng Kông phồn hoa mà hỗn loạn không phải chuyện dễ dàng, Yan Cheung thậm chí rơi vào cảnh không một xu dính túi. Thế nhưng, với tinh thần quật cường, bà không muốn trở về Quảng Đông với tư cách là một kẻ thất bại. Trong suốt những năm tháng cơ cực, tài sản cũng là chỗ dựa tinh thần duy nhất của Yan là câu nói người quản lý nhà máy giấy để lại: “Giấy phế liệu cũng là một khu vừng”. Cũng chính câu nói này đã khơi nguồn cảm hứng cho Yan Cheung thành lập một trạm tái chế rác thải ở Hồng Kông.

Tất nhiên quyết định này không phải do nhất thời xúc động. Yan đã nhận ra tiềm năng của ngành “thu gom phế liệu” từ lâu. Bà hiểu rõ nhu cầu giấy ở Trung Quốc không hề thua kém bất cứ thị trường mũi nhọn khác nhưng hiệu quả sản xuất khó có thể đáp ứng được tình hình hiện tại. 

Nhiều ý kiến cho rằng, việc mở thêm nhà máy giấy sẽ không giải quyết được vấn đề. Nếu suy nghĩ theo cách này, bạn hẳn đã nhầm bởi sản xuất giấy đi kèm với tiêu thụ cây, suy cho cùng, Yan Cheung không muốn chứng kiến sự biến mất của lượng lớn cây cối. Trong khi không mấy ai quan tâm đến giấy vụn, bà Yan đã nhìn ra giá trị và tiềm năng tái chế, thị trường rộng mở của loại phế liệu này. Với những nỗ lực bền bỉ, cuối cùng bà cũng có thế giới riêng ở Hong Kong. Những năm sau đó, Yan dần dần mở rộng ngành nghề, có thể nói là người đi đầu trong số các doanh nghiệp thu gom giấy phế liệu. 

Một phần nhà máy Nine Dragon Papers
Một phần nhà máy Nine Dragon Papers. (Ảnh: internet)

Vào thời điểm đó, Trung Quốc và Hoa Kỳ có quan hệ thương mại rất chặt chẽ, có rất nhiều người vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ, nữ doanh nhân nhân cơ hội mua lại giấy phế liệu của Hoa Kỳ nhập vào Trung Quốc với giá thấp. Năm 1990, Yan Cheung cùng chồng đến Hoa Kỳ, nơi bà vẫn làm công việc thu gom giấy vụn và thành lập công ty Zhongnan Holding. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, bà tin rằng sự phát triển của ngành sản xuất giấy sẽ lên một tầm cao mới. Năm 1996, hai vợ chồng bà đầu tư số tiền khổng lồ để thành lập Nine Dragons Paper và trở thành công dân Mỹ vài năm sau đó. Có công mài sắt, có ngày nên kim, Nine Dragons Paper trở nên nổi bật trong ngành. Kể từ đó, Yan đã thành lập 7 nhà máy đóng gói và công ty vận tải tại Hoa Kỳ.  

Yan Cheung xuất thân bình thường như tầm nhìn không tầm thường. Đối với chúng ta, một tờ giấy chỉ là một tờ giấy, nhưng đối với nữ tỷ phú, quả thật là một báu vật. Có rất nhiều tấm gương tỷ phú chứng minh rằng một số điều nhỏ nhặt có thể làm nên kì tích, cũng giống như Newton phát hiện lực hấp dẫn từ quả táo rơi khiến cả thế giới phải kinh ngạc. 

Khí chất độc đáo và cảm xúc tinh tế của một nữ doanh nhân 

“Làm một việc, yêu thích một việc, hoàn thành một việc”

Đó là triết lý để đời của Yan Cheung, giám đốc Câu lạc bộ Doanh nhân Trung Quốc kiêm Chủ tịch Nine Dragons Paper Holdings. Trong một buổi trò truyện tại sự kiện của công ty, bà Yan bộc bạch: “Tại sao tôi lại tập trung vào một ngành như sản xuất giấy? Bởi vì tôi đã trở thành chuyên gia trong ngành này. Dù mệt đến đâu, tôi vẫn có thể ngủ ngon. Nếu tôi phát triển khắp các ngành, tôi sẽ không thể nào ngủ ngon được”. Chính nhờ tập trung cao độ mà Nine Dragons Paper hiện đã phát triển thành tập đoàn sản xuất giấy lớn thứ hai thế giới về năng lực sản xuất và là doanh nghiệp sản xuất giấy hàng đầu của Trung Quốc. 

Những ngày đầu khởi nghiệp không tránh khỏi muôn trùng gian khó, bà Yan bồi hồi nhớ lại: “Nếu thất bại và quay về Thâm Quyến, tôi sẽ không chết đói. Nếu lãng phí cơ hội này, tôi sẽ tự trách mình cả đời!”. Đối mặt với cơ hội, một doanh nhân giỏi cần dám nghĩ dám làm, chủ động để rồi không phải hối hận. Trên thực tế, Yan Cheung đã từng chịu nhiều miệt thị của người đời, coi nhặt giấy vụn là công việc cấp thấp, hèn mọn. Bỏ ngoài tai mọi đàm tiếu, bà đã vươn lên trở thành nữ tỷ phú đầu tiên của Trung Quốc.

Lòng biết ơn

Trong chương trình Entreprenuers Talk Show, Yan Cheung thẳng thắn cho biết Nine Dragons Paper có được ngày hôm nay là nhờ ơn đất nước và cải cách. Nếu không có những chính sách tiến bộ, không có cơ hội thời thế sẽ không có công ty của ngày hôm nay. Ngoài ra, nữ tỷ phú bày tỏ lòng tri ân không chỉ riêng với giới kinh doanh mà còn dành cho cả nhân viên và gia đình. Sự nghiệp của bà không thể tách rời sự cống hiến quên mình và ủng hộ của các thành viên: “Nine Dragons Paper như một đại gia đình. Mọi người đều yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau. Văn hóa của công ty là ‘Yêu đất nước, yêu gia đình, yêu doanh nghiệp”.

Giấc mơ “xanh” 

Tôn chỉ của Tập đoàn Nine Dragons Paper là chỉ sản xuất giấy “xanh” và “không sản xuất giấy có hại cho môi trường”. Theo báo cáo, đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường của doanh nghiệp này vượt 10% tổng mức đầu tư, các chỉ số bảo vệ môi trường và tiêu thụ năng lượng khác nhau đạt mức hàng đầu quốc tế. Trong đó, lượng nước tiêu thụ trên một tấn giấy của Nine Dragons chỉ bằng 1/4 tiêu chuẩn quốc gia và các lò hơi đốt than hỗ trợ đạt được "lượng khí thải siêu sạch", đạt tiêu chuẩn khí thải của lò hơi đốt khí tự nhiên. Về xử lý chất thải rắn, công ty đi đầu trong việc xây dựng các lò đốt chất thải rắn thân thiện với môi trường ngay từ năm 2003, sau đó nâng cấp công suất sản xuất, mạnh dạn đầu tư nhập khẩu 5 lò đốt tiên tiến nhất quốc tế từ châu Âu.

Yan Cheung giữ vững mục tiêu trở thành doanh nghiệp sản xuất hàng thế kỷ của riêng Trung Quốc. Bà chia sẻ: “Tại phương Tây có rất nhiều công ty có tuổi đời hàng thế kỷ nhưng ở Trung Quốc lại hiếm thấy. Kể từ khi thành lập Nine Dragons Group đã có nhiều cơ hội để lựa chọn nhưng vẫn kiên quyết tập trung vào sản xuất giấy, các ngành công nghiệp thượng nguồn và hạ nguồn. Chỉ bằng cách tinh chế bền vững, công ty mới có sức duy trì bền lâu”. 

Chiến lược chưa bao giờ thất bại

Có thể bạn chưa biết, Yan Cheung là một trong số ít những tỷ phú “bách chiến bách thắng”. Bà tóm gọn kế hoạch của Nine Dragons từ ba khía cạnh: Chiến lược, chất lượng quản lý chi phí và đổi mới sản phẩm. “Với sự tăng trưởng của mua sắm trực tuyến và thay đổi trong lối sống của người dân, thị trường làm giấy của Trung Quốc cũng không tránh khỏi thời cuộc. Dịch vụ hậu cần giao hàng nhanh, các sản phẩm nông nghiệp phụ trợ đòi hỏi lượng lớn bao bì carton chính là thị trường của Nine Dragons”.

Theo quan điểm của Yan, quá trình hội nhập ngành giấy vẫn chưa hoàn thành, công ty vẫn có cơ hội thị trường tốt. Trên thực tế, kể từ năm 1995 khi tập đoàn xây dựng dây chuyền sản xuất đầu tiên tại Đông Quan đã hoàn thành bố trí 18 triệu tấn công suất sản xuất hàng năm tại chín cơ sở sản xuất lớn trên cả nước. Ngày nay, các nhà máy giấy của Nine Dragons Group được đặt tại nhiều trung tâm sản xuất khác nhau rải khắp cả nước. Yan chỉ ra rằng cách bố trí như vậy có thể cho phép Nine Dragons Paper gần với thị trường tiêu thụ và nguyên liệu nhất có thể, giảm chi phí vận chuyển và cải thiện sự tiện lợi của dịch vụ.

Đồng thời, Nine Dragons tích cực hưởng ứng sáng kiến ​​“Vành đai và Con đường”, không ngừng thúc đẩy phát triển toàn cầu và cải thiện chuỗi công nghiệp. Năm 2008, hoàn thành việc mua lại và nắm giữ Nhà máy giấy Chánh Dương của Việt Nam và gia nhập thị trường ASEAN; 2018 tiếp tục thu mua bốn nhà máy giấy và bột giấy loại A ở Hoa Kỳ... 

“Ngoài quy mô, chất lượng và giá thành là những chủ đề muôn thuở trong ngành sản xuất, và việc theo đuổi là vô tận”, bà Yan nhấn mạnh rằng “Mục tiêu của Nine Dragons Paper là kế thừa một thương hiệu lâu đời với tinh thần thủ công và làm nên cơ nghiệp ổn định lâu dài”. Vậy thế nào là lâu dài? Câu trả lời chỉ vỏn vẹn bốn chữ: Chất lượng – Giá thấp. Theo lời nữ tỷ phú: “Nine Dragons phải bắt đầu từ quan điểm của khách hàng ở mức độ lớn nhất, giúp khách hàng nâng cao chất lượng, giảm chi phí và có được sự tin tưởng và tin cậy”.

Năm 2009, ngành giấy đứng trước thách thức của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. “Thời điểm đó, Nine Dragons Group đang phải đối mặt với những khó khăn do nhiệm vụ nặng nề, nợ nần chồng chất, khả năng sinh lời rất thấp, nhưng công ty quyết tâm và cho ra đời nền tảng kiểm soát hệ thống dựa trên thông tin và dữ liệu. Ai tự lực tự cường trong kinh tế, người đó dẫn đầu tương lai”, bà Yan chia sẻ.

Kể từ đó, Nine Dragons Group đã từng bước thúc đẩy việc ra mắt PIM (Thông tin hóa sản xuất) và các hệ thống khác, thông qua việc ứng dụng thiết bị đầu cuối di động và tối ưu hóa khả năng điều phối chuỗi cung ứng, ổn định hoạt động của nhà máy, giảm tiêu thụ các nguồn lực và năng lượng. Hiệu quả của số hóa và trí tuệ hóa thể hiện rõ nhất ở chỉ tiêu “Sản lượng bình quân đầu người” năm 2010 là 633,7 tấn / người, đến nay đã đạt 871,1 tấn / người.

Nhìn lại lịch sử phát triển của ngành giấy Trung Quốc, những năm 1970 - 1980, nước này sử dụng nguyên liệu chính là bột giấy rơm và các loại xơ sợi khác, không kém chất lượng mà còn ô nhiễm nghiêm trọng. Sau những năm 1990, Tập đoàn Nine Dragons đã đi đầu trong giới thiệu thiết bị tiên tiến quốc tế, sử dụng một lượng lớn giấy phế liệu nhập khẩu với hàm lượng xơ nguyên chất cao làm nguyên liệu để sản xuất giấy bao bì chất lượng cao nhưng chi phí thấp, cho ra đời “Dây chuyền công nghiệp Made in China”.

Tất nhiên thách thức lớn nhất của Nine Dragons Paper phải đối mặt cũng đến từ yêu cầu môi trường khắt khe hơn, nguồn nhập khẩu hạn chế, cơ cấu nguyên liệu trước đây phụ thuộc vào giấy phế liệu chất lượng cao của nước ngoài. Do đó, “Chỉ bằng cách tăng cường đổi mới công nghệ, chất lượng giấy phế liệu trong nước mới có thể đáp ứng hoặc thậm chí vượt quá trình độ của các nước phát triển phương Tây”.

Tôn tử có câu: “Kì kí nhất dược, bất năng thập bộ, nô mã thập giá, công tại bất xả” (Ngựa kỳ ngựa ký một lần nhảy không thể xa đến mười bước nhưng nỗ lực kéo mãi cũng thành công). Cuối cùng, Yan Cheung đã có được thế giới riêng tại đất Cảng nơi vàng thau lẫn lộn. Cuộc sống là một chặng đường dài, nữ tỷ phú đã chọn cho mình một con đường riêng biệt.

Thu Đức