NSND Kim Cương: “Nhiều người thương anh Khê lắm, nhưng ảnh vẫn cần có một người đàn bà”

00:10 19/01/2022

NSND Kim Cương đã ôn lại những kỷ niệm khó quên của bà đối với GS-TS Trần Văn Khê tại buổi tọa đàm ra mắt sách "Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp" - tác phẩm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của GS-TS Trần Văn Khê nhằm bán gây Quỹ học bổng mang tên ông được tổ chức hôm 15-1 . Trong đó, bà kể lại chi tiết những trăn trở về cuộc đời của người nghệ sĩ tài hoa này, điều mà chưa báo chí nào được biết.

NSND Kim Cương
 NSND Kim Cương đã ôn lại những kỷ niệm khó quên của bà đối với GS-TS Trần Văn Khê, khẳng định cuộc đời mình có hai điểm tựa, đó là mẹ bà – cố NSND Bảy Nam và GS-TS Trần Văn Khê, "Tôi xem ông như một người anh lớn, một người thầy đã dạy tôi rất nhiều bài học quý.  

NSND Kim Cương xúc động khi kể về những kỉ niệm về một “con bé bơ vơ” trên đất Pháp, trốn đi chơi bị anh Hai (GS-TS Trần Văn Khê) rầy, rồi hỏi xin tiền, hay những lần tâm sự về đời người nghệ sĩ khi cánh màn nhung khép lại cùng người mà bà xem là anh lớn, người thầy, người cha.

"Tôi còn nhớ lần anh Khê rủ tôi qua nhà hàng Pacific, chỗ ảnh được mời đến dự, còn tôi thì chỉ  đi theo chơi và ăn ké. Khách khứa đông lắm, người ta xin chụp hình, xin chữ kí anh Khê nhiều lắm. Khi khách khứa về dần hết, còn lại 2 anh em ngồi nhìn sông Sài Gòn, anh Khê cười nói: “Em thấy không, tụi mình là những người sống cho mọi người, chứ không phải sống cho mình, sau những vinh hoa, vui vẻ của nghệ thuật rồi còn lại sự cô đơn."

"Hình như cái giá cho tài hoa ấy là những sự mất mát lớn trong đời người nghệ sĩ. Kì lắm, nhiều người thương anh Khê lắm, mặc dù ảnh xấu trai, nhưng mà có duyên. Đi theo anh Khê tôi mới biết, có 4, 5 người thương ảnh lận, nhưng đều chết trước anh Khê. Có người định bỏ hết tất cả bên Mỹ về sống với ảnh mà cuối cùng chỉ hay bị ung thư. Mới hiểu đời người nghệ sĩ ngoài danh vọng, ngoài tình thương của mọi người thì còn lại chỉ là sự cô đơn.

Ảnh nói, bao nhiêu năm nay anh đạt bao nhiêu danh vọng, bao nhiêu phần thưởng, bao nhiêu cử chỉ ái mộ của mọi người, anh thèm có một người đàn bà lo cho anh lắm.", bà kể lại.

"Anh Khê là một người rất yêu nước Việt Nam. Khi anh Khê về tới Việt Nam, nhà nước tạo mọi điều kiện ưu đãi ảnh. Rất nhiều người ái mộ anh Khê, mời ăn tiệc đi nói chuyện trong các buổi văn hóa văn nghệ, và trong nhiều sự kiện lớn nhỏ anh Khê đều đồng ý đến. Ảnh nói ảnh về Việt Nam lần này là những ngày tháng cuối đời, cho nên ảnh làm được gì, cống hiến được gì thì cứ làm hết cho quê hương cho đất nước. Đó cũng là một bài học cho tôi.

Điều làm tôi xúc động nhất là cả cuộc đời anh Khê sống ở Pháp, tới khi cuối đời vẫn giữ quốc tịch Việt Nam.

Ảnh nói: “Mỗi một nền văn hóa đều có quê hương của nó, em không được quên tất cả những gì em có đều có chất Việt Nam ở trỏng.”, NSND Kim Cương hồi tưởng kể lại trong niềm xúc động.

Sau cùng bà cho rằng, hãy cùng nhau góp phần thực hiện di nguyện của ông. "Đó là tiếp sức cho dòng chảy văn hóa Việt, âm nhạc dân tộc Việt, các di sản được thế giới công nhận sống mãi theo thời gian. Chỉ bằng cách duy nhất là hướng đến thế hệ trẻ, giáo dục và ươm mầm như ông đã từng làm" – Kỳ nữ nói. 

Từ trái sang nhà báo Thanh Hiệp, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nhà nghiên cứu Võ Thị Xuân Mai chia sẻ về cuốn sách và dự định làm nhà lưu niệm  tại căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh nơi GS. Trần Văn Khê từng sống
Từ trái sang nhà báo Thanh Hiệp, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, tiến sĩ Mai Mỹ Duyên, nhà nghiên cứu Võ Thị Xuân Mai chia sẻ về cuốn sách và dự định làm nhà lưu niệm tại căn nhà 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh nơi GS. Trần Văn Khê từng sống. 

6 năm sau ngày Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê ra đi về cõi vĩnh hằng (2015), sự nghiệp nghiên cứu, quảng bá âm nhạc dân tộc mà ông để lại cho cuộc đời đã có thêm những dấu mốc tích cực để việc giữ gìn, phát huy được tốt hơn.

Trong năm 2021, Quỹ Học bổng Trần Văn Khê đã được chính thức thành lập theo di nguyện của ông nhằm động viên, khuyến khích những người theo đuổi hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và học tập âm nhạc dân tộc. Hội đồng chuyên môn của Quỹ hàng năm sẽ xem xét và trao học bổng, giải thưởng cho các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, sinh viên trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc trên phạm vi cả nước.

Quỹ Học bổng Trần Văn Khê hoạt động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận, tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của Quỹ.

Do dịch Covid diễn biến nghiêm trọng và kéo dài nên kế hoạch xét trao giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê năm đầu tiên đã không thể thực hiện trong năm 2021. Mặc dù vậy, lễ Kỷ niệm 100 năm sinh của GS.TS Trần Văn Khê và chính thức ra mắt Quỹ Học bổng Trần Văn Khê cũng đã được tổ chức trang trọng vào ngày 23.12.2021. 

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (đứng giữa)
Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn (đứng giữa). 

Tiếp theo các hoạt động phát huy giá trị tinh thần của Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê, đúng vào những ngày đầu năm 2022, Nhóm thân hữu Trần Văn Khê phối hợp với Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố HCM ấn hành cuốn sách “Trần Văn Khê trăm năm Tâm và Nghiệp” nhằm kỷ niệm 100 năm sinh Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê và để gây quỹ học bổng Trần Văn Khê.

Cuốn sách bao gồm 58 bài viết của 50 tác giả. Bên cạnh phần lớn các bài viết lấy từ sách đã in năm 2016 là các bài viết, hình ảnh, tư liệu mới được bổ sung vào cuối năm 2021 đã làm đầy đặn thêm tình cảm, sự đánh giá của các nhà hoạt động văn hóa đặc biệt là hoạt động âm nhạc dành cho con người và sự nghiệp đáng trân trọng của Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê – người mà cả cuộc đời chỉ có một tâm nguyện là góp phần đưa âm nhạc dân tộc Việt Nam rộng khắp năm châu, sâu trong dân tộc, đặc biệt là lớp trẻ. Bởi vì theo ông: “ Âm nhạc của dân tộc Việt Nam mình rất đẹp, rất quý, rất độc đáo”.

Ông được biết đến như một trí thức – nghệ sĩ uyên bác, tài năng, khiêm nhường, rất yêu đất nước và văn hóa của dân tộc mình. Hơn nửa đời sống ở nước ngoài, các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của Trần Văn Khê về đờn ca tài tử, về cải lương Việt Nam trong đối sánh với các loại hình âm nhạc, kịch nghệ của các quốc gia châu Á (pansori của Triều Tiên, kinh kịch của Trung Quốc, noh và kabuki của Nhật Bản) đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá rất cao.

Từ sự đánh giá đó, nhiều bộ môn văn hóa - nghệ thuật dân tộc của Việt Nam với sự góp sức trực tiếp và gián tiếp của GS.TS Trần Văn Khê đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới như Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Đàn ca tài tử Nam Bộ…

Trong sự nghiệp hoạt động âm nhạc dài hơn 60 năm của mình, Giáo sư Trần Văn Khê đã được nhận nhiều sự vinh danh cao quý: Huy chương bội tinh hạng nhất của chính phủ Việt Nam Cộng hòa, Giải thưởng Âm nhạc của UNESCO (1981), Huân chương Nghệ thuật, Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (1991), Viện sĩ Thông tấn của Viện hàn lâm Khoa học, Văn hóa, Nghệ thuật châu Âu (1993), Huân chương Lao Động hạng Nhất do Chủ tịch nước cấp (1999), Giải thưởng Đào Tấn  (2005), Giải thưởng Phan Châu Trinh về nghiên cứu (2011) …

Gần mười năm cuối đời, Giáo sư Trần Văn Khê đã chuyển về ở hẳn tại Việt Nam. Từ hàng chục nghìn cuốn sách, báo, sổ ghi chép, băng từ ghi hình và tiếng cùng nhiều kỷ vật ông mang về sau hơn nửa thế kỷ sống ở Pháp, Giáo sư Trần Văn Khê đã góp phần quan trọng xây dựng Thư viện Trần Văn Khê và một địa chỉ giao lưu văn hóa có giá trị tại ngôi nhà ông sống ở 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh. 

Đỗ Mỹ Dung