Nộp thuế như thế nào với mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu?

00:00 12/10/2020

Những lao động có 1-2 người phụ thuộc mà thu nhập hàng tháng 15,4 triệu đồng và 19,8 triệu đồng không phải nộp thuế thu nhập cá nhân.

Mức giảm trừ gia cảnh cho người lao động và phụ thuộc được nâng lên 11 triệu đồng và 4,4 triệu đồng mỗi tháng áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020, theo quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo đó, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu của cá nhân cũng tăng từ 9 lên 11 triệu đồng, nghĩa là một người có thu nhập bình quân mỗi tháng 11 triệu đồng, không phải nuôi thêm người phụ thuộc nào thì không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Còn với những lao động có 1-2 người phụ thuộc, ngưỡng thu nhập chịu thuế mới sẽ là 15,4 triệu đồng và 19,8 triệu đồng mỗi tháng, tức trên các mức này mới phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Giao dịch tại một ngân hàng ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Giao dịch tại một ngân hàng ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Số tiền đóng thuế được tính như sau: Thuế TNCN phải nộp = thu nhập tính thuế x thuế suất theo biểu thuế luỹ tiến.

Trong đó, thu nhập tính thuế = tổng thu nhập chịu thuế - tổng mức giảm trừ gia cảnh + khoản đóng bảo hiểm bắt buộc + từ thiện (nếu có).

Theo luật hiện hành, cách tính thuế với tiền lương, tiền công dựa trên biểu luỹ tiến từng phần, tức là mỗi bậc thu nhập có một thuế suất tương ứng sau:

Bậc  Thu nhập tính thuế/tháng(ĐVT: Triệu đồng) Thuế suất (%)
1 Đến 5 5%
2 Trên 5 đến 10 10%
3 Trên 10 đến 18  15%
4 Trên 18 đến 32 20%
5 Trên 32 đến 52 25%
6 Trên 52 đến 80 30%
7 Trên 80 35%

Ví dụ, trong tháng 5/2020, bạn có thu nhập 20 triệu đồng và đang nuôi hai con nhỏ. Theo đó, tổng mức giảm trừ gia cảnh theo quy định mới sẽ là 19,8 triệu (11+4,4+4,4), còn thu nhập tính thuế là 200.000 đồng (20 triệu -19,8 triệu). Nên số tiền thuế thu nhập cá nhân bạn phải đóng là 10.000 đồng (200.000 đồng x 5%), trong khi mức cũ phải đóng 190.000 đồng.

Trường hợp bạn có thu nhập 20 triệu đồng mỗi tháng và có 1 người phụ thuộc thì phải nộp số thuế là 230.000 đồng, giảm 260.000 đồng so với mức cũ. 

Với người thu nhập 40 triệu đồng mỗi tháng và có 2 người phụ thuộc, khi áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới thì mức thu nhập tính thuế là 20,2 triệu (40-19,8). Trong đó, số thuế phải nộp là 5 triệu có mức thuế suất 5%, 5 triệu theo thuế suất 10%, 8 triệu theo thuế suất 15% và 2,2 triệu có thuế suất 20%. Như vậy, số tiền thuế phải nộp tương đương như sau: 

5 x 5% + (10-5) x 10% + (18-10) x 15% + (20,2-18) x 20% = 0,25 + 0,5 + 1,2 + 0,44 = 2,39 (triệu đồng)

Cách tính rút gọn thuế thu nhập phải nộp trên mức thu nhập tính thuế như sau (A là mức thu nhập tính thuế): 

Bậc  Mức thu nhập tính thuế (triệu đồng) Số thuế phải nộp
1 Đến 5 5% x A
2 Trên 5 đến 10 10% x A - 0,25
3 Trên 10 đến 18 15% x A - 0,75
4 Trên 18 đến 32 20% x A - 1,65
5 Trên 32 đến 52 25% x A - 3,25
6 Trên 52 đến 80 30% x A - 5,85
7 Trên 80 35% x A - 9,85

Như vậy, với số thu nhập bình quân mỗi tháng lần lượt từ 15 đến 150 triệu đồng, số thuế phải nộp như sau: 

                                                                                     Đơn vị tính: triệu đồng

Bình quân thu nhập hàng tháng 1 người phụ thuộc 2 người phụ thuộc
Thuế phải nộp với mức giảm trừ cũ Thuế phải nộp với mức giảm trừ mới Thuế phải nộp vơi mức giảm trừ cũ Thuế phải nộp với mức giảm trừ mới
15 0,12 0 0 0
20 0,49 0,23 0,19 0,01
30 1,86 1,44 1,32 0,78
40 3,83 3,27 3,11 2,39
70 11,37 10,53 10,29 9,3
100 20,74 19,76 19,48 18,22
150 38,24 37,26 36,98 35,72

 

Với quyết định này, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng nộp thuế, trong đó mức độ giảm số thuế phải nộp của nhóm người nộp thuế ở bậc thấp sẽ lớn hơn so với những người nộp thuế ở bậc cao.

Tuy nhiên, theo PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), động thái điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh lần này chỉ là một giải pháp mang tính nhất thời và không theo kịp thực tế đời sống.

Lý giải được ông Long đưa ra, ngoài yếu tố về giá tăng thì mặt bằng thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng tăng nhanh. Do đó, phải tính toán cả hai yếu tố này khi điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Tương tự, Th.S Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Viet Analytic cho rằng, ngưỡng chịu thuế 11 triệu đồng được các cơ quan quản lý đưa ra là thấp và sẽ sớm lạc hậu. Theo ông, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2019 – theo đánh giá lại là 3.000 USD - tăng 36% so với năm 2013. Vì vậy chỉ dựa vào mức tăng CPI để điều chỉnh ngưỡng chịu thuế là không phù hợp.

"Chính phủ lẽ ra phải căn cứ vào mức tăng thu nhập của người dân để điều chỉnh, bởi thuế thu nhập cá nhân dùng để đánh vào người có thu nhập cao chứ không phải đánh vào đại đa số dân có thu nhập trung bình", ông Minh chia sẻ.

Đề xuất giải pháp, ông Ngô Trí Long cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần tính toán phương án sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân – quy định ngưỡng khởi điểm tính thuế theo một tỷ lệ phần trăm nhất định so với mức tiền lương, tiền công tối thiểu. Như vậy, mỗi lần các cơ quan quản lý điều chỉnh tiền lương, tiền công tối thiểu sẽ không ảnh hưởng đến Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Ngoài ra, nên mở rộng phạm vi đối tượng phụ thuộc, bao gồm: con cái chưa đến tuổi trưởng thành, bố mẹ già không còn sức lao động. Đồng thời, không nên quy định số lượng các đối tượng phụ thuộc nhằm tăng sự đồng tình của xã hội.

Còn ông Đinh Tuấn Minh cho rằng ngưỡng chịu thuế nên bắt đầu từ mức 14 triệu đồng. Bên cạnh đó, nên dãn các bậc chịu thuế sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế. "Người có thu nhập 15 triệu đồng và 25 triệu đồng mỗi tháng không có quá nhiều sự khác biệt trong hành vi tiêu dùng. Do đó, Chính phủ không nên đặt ngưỡng thuế quá dày", ông Minh nhận định.

  • PV