Nông sản Việt Nam nắm bắt cơ hội trong thách thức

00:00 12/10/2020

Dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến tình hình xuất khẩu nông sản của Việt Nam, nhất là tại những thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU.

Những tháng cuối năm 2020, xuất khẩu nông sản được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn do làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 2 đang diễn biến khó lường. Yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với Việt Nam là cần khẩn trương nắm bắt cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do cũng như linh hoạt mở rộng thị trường để duy trì đà tăng trưởng.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vượt Thái Lan, dẫn đầu thế giới

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, mặt hàng gạo đang là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của Việt Nam. Thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ giữa tháng 7, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng và đến nay đã vượt qua giá gạo cùng chủng loại của nhiều nước, vượt Thái Lan để vươn lên dẫn đầu thế giới. Trong lịch sử 30 năm xuất khẩu gạo, đây là lần đầu tiên gạo Việt Nam có giá xuất ngang ngửa với gạo Thái Lan, thậm chí bỏ xa gạo Thái Lan loại 5% tấm đến 20 USD/tấn.

Chế biến hạt điều xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu điều Việt Hà (Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - Hapro).  Ảnh: Sinh Vũ

Lý giải nguyên nhân khiến giá gạo 5% tấm của Việt Nam vượt qua gạo Thái Lan, đại diện VFA cho rằng, hiện nay đồng baht Thái tiếp tục tăng giá so với đồng USD khiến hoạt động xuất khẩu của Thái Lan bị thiệt thòi. Trong khi đó, loại gạo 5% tấm hiện nay trên thị trường cung không đủ cầu khiến giá tăng mạnh. Nhiều DN xuất khẩu gạo cũng nhận định, gạo Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo đã được cải thiện rõ rệt. Cùng với đó, lợi thế về việc có sẵn nguồn cung và khả năng giao hàng nhanh giữa bối cảnh Covid-19 cũng giúp gạo Việt Nam được các nhà nhập khẩu ưu tiên.

Tổng Giám đốc Công ty Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình phân tích, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang có chiều hướng tốt hơn một phần nhờ hiệu ứng tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Trước đây, gạo Việt Nam xuất khẩu vào EU thường là loại chưa qua chà xát, không có thương hiệu và chịu thuế nhập khẩu rất cao. Khi EVFTA có hiệu lực thì gạo thơm Việt Nam được ưu đãi thuế suất 0% với hạn ngạch 80.000 tấn/năm.

“Đây thật sự là cú hích giúp gạo Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh tại EU. Hơn nữa, Việt Nam có rất nhiều chủng loại gạo thơm được công nhận ngon nhất thế giới như ST24, ST25 đủ sức cạnh tranh với các loại gạo thơm từ Thái Lan, Ấn Độ” - ông Phạm Thái Bình chia sẻ.

Duy trì đà tăng trưởng

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, vai trò của lương thực, thực phẩm trong thời điểm dịch Covid-19 còn diễn ra ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như nhu cầu về các mặt hàng này sẽ vẫn tăng trưởng bởi đây là hàng hóa thiết yếu. Vì vậy, các ngành hàng nông sản phải nắm lấy cơ hội trong thách thức để giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu trên cơ sở đa dạng hóa các mặt hàng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng của người dân ở nhiều quốc gia.

Đơn cử như mặt hàng gạo sẽ tiếp tục bứt phá vào các tháng cuối năm. Với sản lượng lúa thu hoạch tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, vụ hè thu năm nay có khoảng 2,5 triệu tấn gạo đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. “Để tăng được giá trị xuất khẩu thì điều mà các DN cần quan tâm nhất vẫn là bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, đặc biệt tập trung xuất khẩu các loại gạo thuộc phân khúc chất lượng cao, gạo thơm, gạo đặc sản” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

Trước tình hình làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19, phía Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đặc biệt, Trung Quốc tiến hành rà soát nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn, trong đó, tăng cường kiểm tra các loại giấy tờ như chứng nhận đạt chuẩn chất lượng, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ và chứng từ mua hàng đối với nông sản dùng làm thực phẩm.

Nhằm ứng phó với việc này, Bộ Công Thương đã khuyến nghị DN và hộ sản xuất nông sản, thủy sản xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cường giám sát chất lượng, chủ động phối hợp với đối tác nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực thẩm, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, DN cần tích cực theo dõi, nắm bắt thông tin thị trường để chủ động trong việc đưa hàng lên các cửa khẩu biên giới, qua đó góp phần giảm thiểu rủi ro và thời gian thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu.

Giải bài toán thị trường

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, những tháng cuối năm tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Bất ổn liên quan dịch Covid-19, chính sách thương mại, căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực. Cùng với đó là xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước; nhiều thị trường nhập khẩu nông sản siết chặt hơn nữa hàng rào kỹ thuật và các biện pháp tự vệ thương mại.

Đặc biệt là nhiều nước đưa ra yêu cầu mới về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp chứng thư xuất khẩu, đẩy mạnh chính ngạch, thanh kiểm tra chất lượng tại nước xuất khẩu. Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Ðình Hòe cho biết, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng cá tra đang giảm rất sâu tại thị trường châu Âu.

Nguyên nhân vẫn là do dịch bệnh khiến hoạt động thương mại, vận tải, chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Mặt khác, mức tiêu dùng bị thu hẹp, các hoạt động của nhà hàng, dịch vụ bị đình trệ tại nhiều quốc gia kéo theo nhu cầu nhập khẩu cũng giảm đáng kể. Nếu dịch Covid-19 không được kiểm soát sớm thì nhiều mặt hàng thủy sản sẽ còn phải đối mặt với mức giảm sâu những tháng tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay, từ nay đến hết năm, xuất khẩu nông sản sẽ tốt hơn nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Do đó, về thị trường, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, các cơ quan, DN theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu trong nước để bảo đảm an ninh lương thực và duy trì xuất khẩu. Đồng thời, thường xuyên cập nhật diễn biến tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để kịp thời ứng phó.

“Liên Bộ sẽ tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường, mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, DN xuất khẩu sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á - Âu, Mỹ…” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), 7 tháng năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm thủy sản ước đạt gần 39,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 22,3 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2019; nhập khẩu đạt 17,2 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất siêu gần 5,2 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2019. Có nhiều mặt hàng như: Gạo, rau, sắn, tôm, đều có giá trị xuất khẩu tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, xuất khẩu gạo đạt 1,9 tỷ USD (tăng 10,9%), rau đạt 414 triệu USD (tăng 9,6%), sắn đạt 107 triệu USD (tăng 101,8%), xuất khẩu tôm đạt 2 tỷ USD (tăng 12,1%).

Ánh Ngọc