Nông sản Việt hãy chủ động đừng chờ giải cứu

00:00 12/10/2020

Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, việc đẩy mạnh thông quan cho các lô hàng nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc là rất khó khăn...

Nông sản Việt 'lao đao' vì virus corona. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong năm 2019 vừa qua, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 26,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 8,47 tỷ USD. Trong đó có nhiều nhóm nông sản như: thanh long, dưa hấu có tỉ trọng xuất khẩu sang Trung Quốc rất lớn, lên đến 80%...

Tuy nhiên, trong những ngày đầu năm 2020, do diễn biến phức tạp, khó lường của dịch viêm phổi cấp (virus nCoV gây ra) tại Trung Quốc đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình xuất nhập khẩu giữa 2 nước. Để hạn chế lây lan của dịch nCoV, một số cửa khẩu xuất khẩu nông sản đã tạm thời đóng cửa ngừng thông quan. Vì vậy, nếu không nhanh chóng tìm phương án tiêu thụ, chắc chắn ngành nông nghiệp nói chung, các mặt hàng trái cây của Việt Nam nói riêng sẽ rơi vào tình cảnh "trắng tay", đổ bỏ vì hư hỏng.

Theo báo cáo nhanh của các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai, đến ngày 3/2 có 307 xe hàng nông sản và 2.000 tấn mặt hàng tinh bột sắn đã tập kết tại khu vực cửa khẩu chờ xuất khẩu sang Trung Quốc (Quảng Ninh: 2.000 tấn mặt hàng tinh bột sắn; Lạng Sơn: 167 xe hàng nông sản, thanh long là chính; Lào Cai: 140 xe hàng nông sản, chủ yếu là thanh long, 10 xe dưa hấu). Tuy nhiên, đến thời điểm này một số chủ xe đã quay về tiêu thụ tại Hà Nội, Bắc Giang, Lạng Sơn…

Trước tình trạng trên, Bộ Công Thương đã đề nghị các địa phương và các doanh nghiệp có sự trao đổi thông tin về nguồn cung, nhu cầu và kế hoạch triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại để qua đó phối hợp, hỗ trợ nhau trong việc kết nối tiêu thụ các sản phẩm nông sản, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

"Trong điều kiện lo ngại về dịch bệnh, hệ thống phân phối hiện đại đang ngày càng phát triển và mở rộng của các doanh nghiệp phân phối đang được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn nên việc đưa các sản phẩm nông sản tiêu thụ qua kênh phân phối này sẽ có ưu thế lớn trong giai đoạn hiện nay", Bộ Công Thương nhận định.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, thanh long mùa vụ ngắn nên trước hết phải tập trung tiêu thụ vào thị trường nội địa, bên cạnh việc tính tới giải pháp tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới. 

Chia sẻ với Thời báo Kinh Doanh, Ts. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã nói: "Phát triển thị trường nội địa chính là nâng cao thu nhập của nông dân. Việc phát triển thị trường trong nước không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, mà cả hàng công nghiệp. Nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... đã làm rất tốt điều này".

Tuy vậy, cũng cần phải thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề lâu dài để ngành nông nghiệp chinh phục tốt người Việt, cũng như không lâm vào tình cảnh phụ thuộc vào một thị trường là cần phải tái cơ cấu sản xuất. Sản xuất với số lượng lớn, đạt tiêu chuẩn chất lượng, kết nối chặt chẽ với các nhà phân phối.

Chia sẻ về định hướng phát triển của ngành trong năm 2020, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng nhấn mạnh: Ba trục sản phẩm: nhóm sản phẩm quốc gia, nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm là đặc sản địa phương theo mô hình "Mỗi xã một sản phẩm" đều phải coi khoa học công nghệ là giải pháp then chốt, có như vậy sản phẩm nông nghiệp Việt Nam mới có giá thành phù hợp, chất lượng tốt nhất, nền quản trị tốt để đưa sản phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hợp lý nhất.

Đồng thời, ngành nông nghiệp phải tổ chức sản xuất chuỗi, khép kín từ khâu tổ chức nguyên liệu, chế biến tới thị trường. "Các sản phẩm không thể thoát khỏi chu trình này, mà trong chuỗi này DN, HTX là hạt nhân trong sự liên kết để "các nhà cùng xúm vào". Như vậy, chúng ta mới có được nhóm sản phẩm phù hợp đặc thù vùng miền, nhóm sản phẩm thị trường đang cần và nhóm sản phẩm áp dụng khoa học công nghệ, cụ thể là công nghệ 4.0 để cho ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh với các nước trên thế giới", ông Cường nhấn mạnh. 

MiMi (t/h)