Nông dân Nghi Lộc vươn lên làm giàu từ nguồn vốn tín dụng chính sách

16:12 11/11/2021

Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Nghị Lộc (Nghệ An) đã phối hợp với NHCSXH thực hiện tốt việc ủy thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người vay, giúp nhiều hội viên nông dân có vốn phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước nâng cao thu nhập, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Hội viên nông dân trên địa bàn huyện Nghi Lộc sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi
Hội viên nông dân trên địa bàn huyện Nghi Lộc sử dụng vốn vay ưu đãi phát triển chăn nuôi.

Để thực hiện tốt chương trình ủy thác cho vay, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện luôn bám sát nội dung ủy thác đã ký, Nghị quyết của Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện, các văn bản chỉ đạo của NHCSXH các cấp, chỉ đạo các cấp hội cơ sở, các Tổ tiết kiệm và vay vốn trực thuộc Hội quản lý thực hiện đúng chủ trương Đảng, chính sách của Nhà nước, của Chính phủ về tín dụng đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách khác. Hội cũng đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến hội viên và nhân dân trên địa bàn bằng nhiều hình thức như: lồng ghép với các hội nghị, buổi sinh hoạt của các Chi hội ở cơ sở, nhờ đó nguồn vốn vay NHCSXH huyện do tổ chức Hội Nông dân quản lý ngày càng phát huy hiệu quả. Hiện Hội Nông dân huyện đang quản lý 114 Tổ tiết kiệm và vay vốn với  4.144 hộ đang vay vốn. Đến 31.10.2021, tổng dư nợ vốn vay ủy thác từ NHCSXH do Hội Nông dân huyện quản lý đạt 130.875 tỷ đồng, tăng 7.180 tỷ đồng so với đầu năm 2021; tổng số dư tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đat 9.278 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn vay đã giải quyết được nhiều việc làm cho hội viên nông dân tham gia thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ, tham gia vào các mô hình kinh tế tập thể, từng bước làm quen với sản xuất hàng hóa, sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đạt mức thu nhập cao đã thoát nghèo. Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Văn thuộc xóm 13, xã Nghi Văn, là một hộ nghèo của xã, gia đình chị rất khó khăn, chồng mất sớm, một mình chị phải  nuôi 7 người con ăn học. Năm 2015 chị được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét cho vay vốn ưu đãi từ chương trình cho vay hộ nghèo với tổng số tiền là 50 triệu đồng. Với số vốn được vay, gia đình chị đã mạnh dạn mua trâu và bò nái sinh sản. Nhờ chăm chỉ làm ăn, chỉ trong vòng 4 năm gia đình chị đã trả được nợ cho ngân hàng, sửa được nhà và có thêm 1 con trâu, 3 con bò trị giá 120 triệu đồng. Từ một gia đình đói nghèo, giờ đây chị là một trong những hội viên nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của huyện.

Đến với Hội Nông dân xã Nghi Long, chúng tôi càng thấy rõ được hiệu quả nguồn vốn ủy thác NHCSXH. Hiện nay, Hội Nông dân xã Nghi Long có 1.300 hội viên tham gia sinh hoạt ở 10 Chi hội. Đến nay, tổng số dư nợ do Hội Nông dân xã quản lý là 4.558 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 325 hội viên vay vốn. Cùng với đó, các chi hội còn tích cực vận động hội viên tham gia gửi tiết kiệm, đến nay số tiền tiết kiệm qua Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt 867 triệu đồng. Từ các nguồn vốn vay đã giúp bà con nông dân có điều kiện liên kết các mô hình kinh tế tập thể, cánh đồng rau, củ quả cho thu nhập cao với mức thu nhập từ 150 - 250 triệu đồng/năm.

Để phát huy hiệu quả vốn vay ủy thác trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách ưu đãi của Chính phủ, gương người tốt việc tốt, các mô hình phát triển kinh tế sử dụng vốn tín dụng chính sách mang lại hiệu quả cao. Đồng thời đẩy mạnh, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát để hạn chế sai sót; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc họp bình xét vay vốn. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với NHCSXH huyện, Ban giảm nghèo các xã, thị trấn có biện pháp đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn, thu lãi đảm bảo đúng quy định.

Có thể thấy rằng, với việc phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác NHCSXH, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện Nghi Lộc đã tạo hiệu quả trong việc cải thiện, nâng cao đời sống hội viên nông dân. Từ đó, góp phần ổn định xã hội, bảo đảm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Đảng bộ huyện khóa XXIX đề ra và xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

Tâm Bình (vbsp.org.vn)