Nợ xấu tăng trở lại, đâu là nguyên nhân?

00:00 12/10/2020

Ngược lại xu thế giảm dần các năm gần đây, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến hết tháng 6/2019 đã tăng nhẹ lên 1,91% so với mức cuối năm 2018 là 1,89%.

nh

Ảnh minh họa
 

Theo đánh giá của chuyên gia, nợ xấu tăng khi các ngân hàng mở rộng mảng bán lẻ. Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu tồn đọng chững lại trước những vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 42.

Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ lên 1,91%

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) về tình hình hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm cho biết, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 6/2019, ước tính toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 937,5 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng trong năm 2018, đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu.

Về kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 6/2019, toàn hệ thống TCTD ước đã xử lý được 264,06 nghìn tỷ đồng nợ xấu (xác định theo Nghị quyết 42), trong đó xử lý nợ xấu nội bảng là 127,641 nghìn tỷ đồng. Kết quả xử lý nợ xấu (xác định theo Nghị quyết số 42) theo hình thức khách hàng trả nợ có xu hướng tăng, phần nào phản ánh ý thức trả nợ của khách hàng đã cải thiện khi TCTD, Công ty Quản lý tài sản các TCTD Việt Nam (VAMC) có quyền thu giữ tài sản bảo đảm theo Nghị quyết số 42. Với kết quả này, sau gần 2 năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, ước tính đã xử lý được gần 52% số nợ xấu (được xác định theo Nghị quyết 42). 

Tuy nhiên, cũng theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng ước đến cuối tháng 6/2019 là 1,91%. Như vậy, đi ngược lại xu thế giảm dần các năm gần đây, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng nhẹ so với mức cuối năm 2018 là 1,89%. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng thời gian gần đây không còn ở mức cao như những năm trước. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức 14%, thấp hơn mục tiêu đặt ra 17% hồi đầu năm. 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng tín dụng cũng chỉ đạt 7,33%, tương đương 6 tháng đầu năm 2018. 

Về vấn đề này, Công ty CP Chứng khoán VNDirect cho rằng, bên cạnh số nợ xấu tồn đọng đang được xử lý tích cực thì nợ xấu mới lại tiếp tục hình thành. Khác với trước đây, nợ xấu trong quá khứ của các ngân hàng đến từ các khoản cho vay với mục đích đầu cơ và các hoạt động không phải ngành kinh doanh chính (như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản) và cho vay các khoản đầu tư không hiệu quả của doanh nghiệp quốc doanh. Trong khi đó, nợ xấu mới hiện tại lại đến từ các khoản đầu tư của tư nhân và vay tiêu dùng của hộ gia đình và cá nhân, đặc biệt là ở các ngân hàng bán lẻ. Do đó, nợ xấu sẽ tăng nhiều nhất ở các ngân hàng mở rộng mạnh trong mảng bán lẻ, đặc biệt là tài chính tiêu dùng, do hoạt động này rủi ro cao và tăng chậm hơn ở ngân hàng có tiêu chuẩn cho vay khắt khe hơn và việc mở rộng cho vay bán lẻ thận trọng hơn.

Bên cạnh đó, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng không được mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích tái cơ cấu nợ cho doanh nghiệp phát hành, thông qua Thông tư số 15/2018/TT-NHNN có hiệu lực tháng 8/2018. Do đó, nợ xấu đã tăng vì ngân hàng phải rà soát và phân loại lại nợ xấu của doanh nghiệp.

Trong số 14 ngân hàng niêm yết mà VNDirect theo dõi, có 6 ngân hàng báo cáo tỉ lệ nợ xấu cao hơn, 3 ngân hàng báo cáo tỉ lệ nợ xấu không thay đổi và chỉ 4 ngân hàng báo cáo tỉ lệ nợ xấu giảm trong quý I/2019. Theo quan điểm của VNDirect, nợ xấu tăng lên do các ngân hàng mở rộng cho vay cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ trong bối cảnh lãi suất tăng. Với tình hình này, VNDirect nhận định, nợ xấu toàn ngành sẽ tăng nhẹ, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát ở mức dưới 3% trong năm 2019 - 2020.

Nhiều vướng mắc khi triển khai Nghị quyết 42

Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu tồn đọng trước đây theo Nghị quyết 42 vẫn còn gặp những vướng mắc đáng kể. Theo TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng BIDV, mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, song thực tế cho thấy còn nhiều vướng mắc cần phải được tháo gỡ, để việc thực thi Nghị quyết 42 đạt hiệu quả như kỳ vọng. 

Một trong những vướng mắc lớn, theo TS. Cấn Văn Lực là quyền thu giữ tài sản đảm bảo của TCTD - nội dung được xem là một trong những đột phá của Nghị quyết 42, nhưng việc áp dụng trong thực tế lại không hề đơn giản. Việc thực hiện quyền thu giữ tài sản đảm bảo của các TCTD vẫn cần đến sự hỗ trợ của cơ quan công an các cấp, trong khi vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Công an về cơ chế, cách thức thực hiện việc này. Do đó, để thu giữ tài sản đảm bảo được thành công vẫn phụ thuộc lớn vào thiện chí của bên vay. 

Bên cạnh đó, việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục rút gọn rất hạn chế. Theo rà soát sơ bộ, đến nay vẫn chưa có vụ án nào được áp dụng trong thực tế theo hướng dẫn thủ tục rút gọn. Ngoài ra, còn nhiều vướng mắc trong thủ tục sang tên, chuyển nhượng tài sản đảm bảo… cùng với những vướng mắc liên quan đến sự thiếu đồng bộ, nhất quán và quyết liệt của các bên tham gia xử lý nợ xấu, sự thiếu vắng của một thị trường mua bán nợ thực sự… 

Như vậy, dù tốc độ tăng trưởng tín dụng không quá cao, tỷ lệ nợ xấu đang được kiểm soát tốt, song để đạt mục tiêu về kiểm soát nợ xấu trong dài hạn, đòi hỏi phải kiểm soát chặt chẽ dòng tín dụng trong các lĩnh vực rủi ro song hành với việc giải quyết những vướng mắc về chính sách, về cơ chế phối hợp trong quá trình xử lý nợ xấu.

D.A