Nợ xấu ngân hàng: Lo cả cũ lẫn mới

00:00 12/10/2020

Ngành ngân hàng không chỉ lo nợ xấu phát sinh mới do các ngân hàng mạnh tay cho vay, mà còn lo các khoản nợ cũ buộc phải ghi nhận trở lại trong bản cân đối tài chính, sau thời gian tạm "giấu nợ" tại Công ty quản lý tài sản VAMC.

Khách hàng giao dịch tại VietcomBank chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải

Ước tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89% giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là đến cuối năm 2019 tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2%.

Nợ xấu giảm mạnh

Theo Phó Chánh Thanh tra giám sát NHNN Trần Đăng Phi, trong quá trình hoạt động tín dụng, nợ xấu luôn rủi ro tiềm ẩn có thể xuất hiện trong tương lai cùng với đó là quá trình tăng trưởng nhanh của nền kinh tế thì tỷ lệ nợ xấu cũng có thể tăng lên trong thời gian tới. Do đó, mục tiêu cụ thể đối với xử lý nợ xấu của NHNN đến cuối năm 2019 là tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TCTD ở mức dưới 2% và nợ xấu với nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%.

Cần sớm có giải pháp mở rộng phương thức mua bán nợ, bao gồm cho phép chứng khoán hóa, bổ sung các chủ thể tham gia thị trường và thúc đẩy sự phát triển của các chủ thể này. Bao gồm: Cho phép thành lập Hiệp hội các DN mua bán nợ (như LSTA của Mỹ); công ty nhận ủy thác (trustees) cho nhà đầu tư nước ngoài, công ty định giá, tổ chức xếp hạng tín nhiệm…

TS Cấn Văn Lực

Đây cũng là yêu cầu của Chính phủ đặt ra tại Nghị quyết 01/2019, trong đó Chính phủ nhấn mạnh việc quyết liệt thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD, yêu cầu NHNN chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (các ngân hàng) tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu.

Năm 2018, khả năng sinh lời và chất lượng tài sản của các nhà băng đã được cải thiện rất nhiều. Tỷ lệ nợ xấu liên tục đi xuống qua các năm kể từ mức đỉnh năm 2012, một phần xuất phát từ việc các ngân hàng chuyển nợ sang VAMC. Ngoài ra, thị trường bất động sản ấm lên trong vài năm gần đây cũng giúp các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc xử lý các tài sản thế chấp bằng bất động sản.

Tuy vậy, ngành ngân hàng không chỉ lo nợ xấu phát sinh mới do họ mạnh tay cho vay, mà còn lo các khoản nợ cũ buộc phải ghi nhận trở lại trong bản cân đối tài chính, sau thời gian tạm "giấu nợ" tại VAMC.

Năm 2019 cũng là thời điểm cuối của lộ trình 5 năm khi nợ xấu mà các ngân hàng đã bán cho VAMC trước đó sẽ quay trở lại nhà băng nếu chưa được xử lý. Do đó, các ngân hàng cần đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định. Tính đến nay, cả hệ thống chỉ mới có 5 nhà băng tất toán xong trái phiếu VAMC bao gồm: Vietcombank, VIB, Techcombank, MB, ACB. Các ngân hàng còn lại đang nỗ lực xử lý và kỳ vọng sẽ tất toán xong trái phiếu VAMC trong năm 2019 là OCB, VPBank, Nam A Bank, Eximbank… Tuy nhiên, lãnh đạo các ngân hàng đều thừa nhận, quá trình xử lý nợ gặp khó khăn nhất định khi việc phát mãi tài sản đảm bảo mất rất nhiều thời gian.

Vẫn cần thêm “quyền” xử lý nợ xấu

Vấn đề xử lý nợ xấu không chỉ đơn thuần từ phía ngân hàng mà liên quan đến nhiều bộ, ngành khác. Vì vậy, để đẩy nhanh xử lý nợ xấu, ông Trần Đăng Phi cho biết, NHNN sẽ trình Chính phủ một số nội dung cụ thể liên quan đến sự phối hợp với các bộ, ngành khác trong công tác xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Đồng thời, các ngân hàng cũng cần có nguồn lực tốt hơn để xử lý nợ xấu, nhất là từ trích lập dự phòng. Vì thế các ngân hàng buộc phải tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng hoạt động, giảm tín dụng ở các lĩnh vực rủi ro và đẩy mạnh mảng dịch vụ. Các chuyên gia cho rằng, nhìn vào cơ cấu nguồn thu hiện nay, thu nhập của ngân hàng vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng. Tuy nhiên, sự chuyển dịch cơ cấu nguồn thu của các ngân hàng được kỳ vọng sẽ có thay đổi lớn trong các năm tới và mức 50 - 55% là chuẩn mực của các ngân hàng lành mạnh nên hướng đến.
Ngoài ra, để việc xử lý nợ xấu được đẩy nhanh, đòi hỏi phải hình thành được thị trường mua - bán nợ. Khi thị trường mua - bán nợ hoạt động sôi nổi, có sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài thì quá trình xử lý nợ xấu mới có thể được thúc đẩy nhanh hơn nữa.
Theo TS Vũ Đình Ánh, cần hình thành sàn giao dịch mua bán nợ. Đây là nơi giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ nhất về các khoản nợ đến các nhà đầu tư. Việc hình thành sàn giao dịch sẽ tăng tính minh bạch và công khai của thị trường.

Nguyên Anh