Nỗ lực đưa du lịch Tam Đảo phục hồi trở lại

00:20 26/04/2021

Bên cạnh việc nghiên cứu xây dựng các mô hình, sản phẩm du lịch mới như du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe; trải nghiệm văn hóa lễ hội; khám phá văn hóa, lịch sử; thể thao mạo hiểm và vui chơi giải trí; du lịch sinh thái, đồng quê,… thì việc thực hiện tốt công tác quy hoạch, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng đều là những giải pháp tích cực mà huyện Tam Đảo đang triển khai để giúp ngành du lịch khởi sắc

Với sự thay đổi nhanh chóng về diện mạo, cảnh quan, hạ tầng giao thông, du lịch… đã giúp Khu du lịch Tam Đảo, khu danh thắng Tây Thiên trở thành những điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi tới Vĩnh Phúc. Nếu như năm 2011, huyện Tam Đảo chỉ đón khoảng 244.700 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, thì đến năm 2019 đón hơn 1.500.000 lượt khách. Năm 2020, do ảnh hưởng dịch Covid - 19, nhưng Tam Đảo vẫn đón lượng khách lớn, nhất là từ sau 30/4 khi dịch bệnh trên địa bàn và cả nước được khống chế tốt.

Hoạt động du lịch đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, du lịch ở Tam Đảo chưa thực sự “cất cánh”, bởi chưa khai thác, phát triển được các loại hình du lịch tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Thực tế, các sản phẩm du lịch ở Tam Đảo còn đơn điệu, chất lượng dịch vụ thấp; chưa có nhiều các khu mua sắm, vui chơi, giải trí, trải nghiệm hấp dẫn để giữ chân du khách; mức độ tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch còn thấp, chủ yếu mang tính tự phát… 

 Sự thay đổi nhanh chóng về diện mạo đã giúp Khu du lịch Tam Đảo trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách.

Trao đổi với phóng viên về những giải pháp để gỡ khó trong phát triển du lịch ở địa phương, Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo Đinh Văn Mười cho hay: Mặc dù ngành du lịch của huyện Tam Đảo những năm qua đã đạt được những kết quả tích cực, song, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, nhất là về hạ tầng cơ sở, hệ thống xử lý nước thải, rác thải, công tác quy hoạch… Khắc phục những vấn đề trên, huyện Tam Đảo đã rà soát, đánh giá thực trạng, tiềm năng lợi thế phát triển du lịch của từng địa phương để điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của huyện đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; nâng cao chất lượng và tính khả thi của các quy hoạch phát triển du lịch trên địa bàn.

Theo đó, thời gian tới, huyện tập trung hoàn thiện các chương trình, đề án phát triển du lịch, dịch vụ, lập quy hoạch chung cho đô thị Tam Đảo theo hướng đô thị xanh; hoàn thiện quy hoạch cho các khu, điểm du lịch trọng điểm của huyện như: Khu du lịch Tam Đảo I, Khu du lịch Tam Đảo II, Khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên… Xây dựng chiến lược về thị trường, sản phẩm du lịch; đa dạng hóa, nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch và tạo khả năng hội nhập của du lịch Tam Đảo với hoạt động phát triển du lịch của tỉnh, trong nước và trên thế giới.

Cụ thể, nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm văn hóa lễ hội, khám phá các di sản văn hóa dân tộc Sán Dìu, du lịch sinh thái, đồng quê, du lịch homestay… đảm bảo hiệu quả trong công tác vừa bảo tồn, vừa phát triển. Phối hợp với các địa phương xây dựng tác tour du lịch trong tỉnh, liên tỉnh để tăng tính hấp dẫn. Cùng đó, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT - XH phục vụ phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng then chốt như: Giao thông, điện, bưu chính - viễn thông, thương mại - dịch vụ, tài chính, chăm sóc sức khỏe… Đa dạng hóa các loại hình đầu tư, tạo cơ chế thuận lợi, áp dụng thông thoáng cho các dự án đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch cho các khu du lịch thông qua mô hình BT, BOT. Để thu hút đầu tư, Tam Đảo không chỉ tạo thuận lợi về thủ tục trong quá trình cấp phép dự án mà còn bảo đảm và cam kết về sự minh bạch của định hướng chính sách dài hạn; phối hợp giải quyết những vướng mắc phát sinh kịp thời trong quá trình triển khai, đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch và những sự kiện sẽ diễn ra hàng năm trên địa bàn huyện như: Lễ hội Tây Thiên; các lễ hội truyền thống đầu xuân; tổ chức triển lãm, hội chợ, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao…

Một giải pháp quan trọng khác cũng được huyện Tam Đảo quan tâm triển khai là phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch. Huyện đã có kế hoạch phối hợp, đặt hàng các cơ sở đào tạo về du lịch mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phát triển du lịch, kỹ năng chăm sóc khách hàng; các kỹ năng nghề du lịch chuyên sâu, ngoại ngữ giao tiếp thông dụng cho đội ngũ lao động phục vụ du lịch tại địa phương như: Hộ gia đình, con em của cộng đồng dân cư để vừa lao động ngành nghề khác vừa có thể tham gia hướng dẫn du lịch tham quan hoặc phục vụ lưu trú, ăn uống, trải nghiệm tại các điểm tham quan du lịch cộng đồng. Với sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của chính quyền và người dân, cùng những giải pháp đồng bộ, tích cực, tin rằng, du lịch Tam Đảo sẽ sớm “cất cánh” và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện. Mục tiêu đến năm 2025, huyện Tam Đảo phấn đấu đón khoảng 3.000.000 du khách, đạt doanh thu hơn 1.600 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 13.000 lao động.

Trung Hiếu