|
Từ vùng đất gắn liền với những di sản lịch sử và thiên nhiên, Ninh Bình đang trở thành một biểu tượng mới của du lịch Việt Nam trên bản đồ thế giới. Không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp kỳ vĩ của Tràng An, Tam Cốc – Bích Động hay chùa Bái Đính… Ninh Bình còn đang định vị mình như một thương hiệu du lịch có chiều sâu, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.
***
TỪ DI SẢN TRÀNG AN… TỚI ĐIỂM ĐẾN QUỐC TẾ
Ninh Bình từng được biết đến như một địa phương “ẩn mình” phía Nam Đồng bằng sông Hồng – nơi quy tụ nhiều danh thắng, nhưng chưa thực sự bứt phá về du lịch. Tuy nhiên, cột mốc thay đổi lớn bắt đầu từ năm 2014, khi Quần thể danh thắng Tràng An chính thức được UNESCO công nhận là Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới.
Đây là sự kiện văn hóa lớn không chỉ làm nức lòng nhân dân tỉnh Ninh Bình mà với đồng bào cả nước và được nhiều quốc gia trên thế giới chào đón nồng nhiệt. Danh hiệu này đã mở ra cơ hội lớn, giúp Ninh Bình bước ra khỏi “cái bóng địa phương”, thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế và nhà đầu tư du lịch.
Cùng với đó là các sự kiện văn hóa lớn như: Lễ hội Tràng An, Tuần du lịch Ninh Bình, các hoạt động đón phim trường quốc tế... tạo sức bật mạnh mẽ cho địa phương này.
Không giống với các điểm du lịch ven biển hay đô thị lớn, Ninh Bình chinh phục du khách bởi vẻ đẹp nguyên sơ, sự kết hợp hài hòa giữa núi, sông, hang động và di tích lịch sử. Khu danh thắng Tràng An – Tam Cốc không chỉ đẹp mà còn mang giá trị địa chất hàng triệu năm. Những trải nghiệm du thuyền len lỏi qua các hang đá, đền cổ, ruộng lúa mùa gặt… đem lại cảm xúc “du lịch chậm” hiếm có.
|
Với sự hấp dẫn đó, khách du lịch đến với Ninh Bình ngày càng tăng cao. Theo thống kê của Sở Du lịch Ninh Bình, chỉ riêng trong năm 2024 địa phương đã đón trên 8,7 triệu lượt khách du lịch, vượt 16% so với kế hoạch đề ra, tăng gần 30% so với năm 2023. Trong đó, khách nội địa 7,2 triệu lượt khách, khách quốc tế trên 1,5 triệu lượt khách. Doanh thu ước đạt 9.100 tỷ đồng, tăng 40,15% so với năm 2023. Số lượt khách đến cơ sở lưu trú ước đạt trên 2.028,4 nghìn lượt, tăng 45,33%.
![]() |
Ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình - chia sẻ: Đây là kết quả của một quá trình với những nỗ lực, sáng tạo, hiệu quả, thực chất, từ chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp để thực thi chính sách phục hồi du lịch quốc tế trong điều kiện mới. Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng phối hợp chặt chẽ với Hiệp hội Du lịch tỉnh vận động các doanh nghiệp kinh doanh du lịch tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, nghiên cứu bổ sung sản phẩm du lịch mới và điều kiện phục vụ khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế.
![]() |
ĐỊNH HÌNH THƯƠNG HIỆU: KHÔNG THỂ CHỈ DỰA VÀO CẢNH QUAN
Với những bước đi vững chắc, Ninh Bình hoàn toàn tin tưởng sẽ đạt được mục tiêu phấn đấu: Năm 2025, tổng doanh thu du lịch đạt trên 8.000 tỷ đồng, đóng góp khoảng 6,5% GRDP của tỉnh. Đến năm 2030, tổng thu du lịch đạt 18.660 tỷ đồng, đóng góp khoảng 8% GRDP của tỉnh, đưa Ninh Bình trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
![]() |
Tuy nhiên, để du lịch trở thành một thương hiệu bền vững, Ninh Bình không thể chỉ trông chờ vào tài nguyên thiên nhiên. Một trong những hướng đi quan trọng là phải xây dựng hình ảnh đặc trưng, khác biệt so với các điểm đến khác.
Lãnh đạo Sở Du lịch Ninh Bình cho hay, địa phương đang nỗ lực phấn đấu trở thành điểm đến thân thiện, an toàn, mang đậm bản sắc văn hóa, không chỉ hấp dẫn du khách mà còn giữ được giá trị truyền thống.
Theo đó, địa phương đã triển khai hàng loạt giải pháp như: Phát triển du lịch cộng đồng, nâng cấp cơ sở lưu trú, đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên bản địa, kiểm soát chất lượng dịch vụ, đồng thời ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý và quảng bá du lịch…
![]() |
Dù có bước tiến mạnh mẽ song du lịch Ninh Bình vẫn đối diện không ít thách thức, đó là: Quy hoạch còn manh mún, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tình trạng quá tải cục bộ vào mùa lễ hội chưa được xử lý triệt để. Một số khu vực khai thác du lịch quá mức đang ảnh hưởng đến cảnh quan tự nhiên…
Có chuyên gia du lịch đã phải thốt lên: Ninh Bình cần tránh lối mòn phát triển ồ ạt. Việc gìn giữ môi trường, kiểm soát lượng khách, nâng cao trải nghiệm có chiều sâu sẽ là chìa khóa để duy trì thương hiệu bền vững.
Bên cạnh đó, việc liên kết vùng, đặc biệt với Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa cũng là yếu tố quyết định trong việc kéo dài chuỗi lưu trú của khách quốc tế, thay vì chỉ dừng lại ở những tour trong ngày.
HƯỚNG TỚI MỘT ĐIỂM ĐẾN XANH VÀ THÔNG MINH
Trong giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh Ninh Bình đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử trọng điểm của miền Bắc. Điều này đòi hỏi đia phương phải hài hòa giữa phát triển kinh tế du lịch và bảo tồn di sản.
Một số mô hình như du lịch nông nghiệp kết hợp trải nghiệm, du lịch học đường, hay phát triển bản đồ số du lịch Ninh Bình đang được triển khai nhằm mở rộng loại hình, đa dạng đối tượng du khách. Việc số hóa các di tích, bảo tàng, ứng dụng công nghệ AR/VR vào giới thiệu di sản cũng đang được đẩy mạnh.
![]() |
Du lịch Ninh Bình đang đi đúng hướng, từ một địa phương nổi bật nhờ di sản, dần định hình thành thương hiệu du lịch quốc tế có chiều sâu và bản sắc riêng. Nhưng để “tỏa sáng lâu dài” trên bản đồ thế giới, Ninh Bình cần đầu tư bài bản, tầm nhìn chiến lược và hành động nhất quán, không chỉ từ địa phương mà từ cả hệ thống quản lý và ngành du lịch quốc gia.
Tiếp tục cụ thể hóa chiến lược thành hành động, những ngày cuối tháng 5 vừa qua, Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2025 mang chủ đề “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An” đã được tổ chức, với nhiều hoạt động hấp dẫn như: Lễ khai mạc Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2025; tổ chức phố đi bộ; trình diễn, trưng bày các sản phẩm OCOP của tỉnh; trình diễn, trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của tỉnh; tổ chức tour du lịch chụp ảnh mùa vàng Tam Cốc.
Trong khuôn khổ Tuần Du lịch Ninh Bình năm 2025 còn diễn ra các chương trình khảo sát, giới thiệu sản phẩm du lịch (Famtrip Presstrip); triển lãm ảnh nghệ thuật chủ đề "Mùa vàng Tam Cốc Tràng An"; biểu diễn múa rối nước, hát chèo, hát xẩm, các làn điệu dân ca 3 miền; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống; liên hoan các đội, nhóm dân vũ; hội thi "Tinh hoa ẩm thực miền Cố đô"; Ngày hội văn hóa… đã thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia.
Thông tin từ Sở Du lịch Ninh Bình, trong thời gian diễn ra Tuần Du lịch Ninh Bình (từ ngày 23 - 31/5/2025) toàn tỉnh đã đón khoảng 485.000 lượt khách, tăng 70% so với năm 2024 (đón 285.500 lượt), trong đó khách quốc tế đạt trên 120.000 lượt khách, tăng 96,7% so với Tuần Du lịch năm 2024. Tiếp sau sự kiện Tuần Du lịch Ninh Bình, trong năm 2025, tỉnh còn tổ chức các chương trình khác như: Hội thảo quốc tế về giá trị thương hiệu Quần thể danh thắng Tràng An gắn với chính sách bảo tồn Di sản và phát triển du lịch bền vững tại Quần thể danh thắng Tràng An (dự kiến tháng 7/2025); Liên hoan ẩm thực du lịch Ninh Bình “Tinh hoa ẩm thực miền Cố đô (dự kiến tháng 9/2025); Festival Ninh Bình (dự kiến vào tháng 11/2025). |
Từ một vùng đất yên bình, gắn với những câu chuyện lịch sử, Ninh Bình đang bứt phá trở thành điểm đến toàn cầu. Hành trình “từ di sản quê hương đến thương hiệu quốc tế” là minh chứng sống động cho cách làm du lịch có tầm nhìn, có bản sắc và chiến lược rõ ràng. Ninh Bình không chỉ là nơi để đến, mà đang là nơi để trở lại và ghi dấu trên bản đồ du lịch thế giới.
![]() |