Những tác phẩm điện ảnh khiến các hãng phim bị xóa sổ

08:00 16/12/2020

Lần lượt “The Golden Compass”, “Mars Needs Mom”, “Superman IV” từng khiến các hãng sản xuất rơi vào tình cảnh bị thâu tóm hoặc phá sản...

Battlefield Earth (2000)

(Ảnh: Internet)

Là tín đồ trung thành của Khoa luận giáo (Scientology), tài tử John Travolta đã cố gắng trong nhiều năm để chuyển thể nguyên tác cùng tên của người thành lập giáo phái L. Ron Hubbard lên màn ảnh rộng. Đến năm 1998, nam diễn viên mới tìm thấy nhà tài trợ là hãng phim mới Franchise Pictures. Song, doanh thu phòng vé của Battlefield Earth không bằng một nửa vốn sản xuất, còn giới phê bình chỉ trích bộ phim về mọi mặt, từ đạo diễn cho đến hiệu ứng kỹ xảo

Sau này, ban lãnh đạo của Franchise bị kết tội thổi phồng chi phí làm phim để lừa nhà đầu tư. Công ty nộp đơn tuyên bố phá sản vào năm 2007, để lại di sản là hàng loạt thỏa thuận lừa đảo, cùng tác phẩm thường xuyên bị liệt vào danh sách những bộ phim tệ hại nhất mọi thời đại. Ngoài ra, sự nghiệp của John Travolta tiếp tục lao đao kể từ sau bộ phim trong suốt 20 năm qua.

Mars Needs Moms (2011)

(Ảnh: Internet)

Robert Zemeckis có một sự nghiệp điện ảnh lên xuống thất thường. Ông đứng sau Forrest Gump (1994) và Back to the Future (1985), nhưng đồng thời cho ra đời những tựa phim nhạt nhòa như What Lies Beneath (2000) hay Welcome to Marwen (2018). Dù Zemeckis không trực tiếp làm đạo diễn, công ty của ông là ImageMovers đã hợp tác đầu tư cùng Disney để sản xuất Mars Needs Moms.

Kết quả là bộ phim lỗ nặng khi chỉ thu về 39 triệu USD so với kinh phí lên tới 150 triệu USD. Nguyên nhân công chúng không hứng thú với bộ phim bắt nguồn từ công nghệ ghi hình chuyển động (motion capture) mà Zemeckis từng áp dụng cho A Christmas Carol nay khiến Mars Needs Moms trông vừa kỳ quặc, vừa ghê rợn. Thậm chí, từ trước lúc bộ phim công chiếu, các bên đã tuyên bố đơn vị ImageMovers Digital sẽ ngừng hoạt động.

The Golden Compass (2007)

(Ảnh: Internet)

Từ năm 1967, New Line Cinema đã gây dựng tiếng tăm qua nhiều dự án đầy hoài bão. A Nightmare on Elm Street cùng Teenage Mutant Ninja Turtles từng là thành tựu lớn nhất của hãng cho đến khi loạt chuyển thể The Lord of The Rings ra đời đầu thế kỷ XXI và đạt tổng doanh thu phòng vé gần 3 tỷ USD toàn cầu. Từ thành công vang dội ấy, New Line đầu tư 180 triệu USD vào một dự án giả tưởng chuyển thể khác là His Dark Materials của nhà văn Philip Pullman, với ước mơ biến đây thành thương hiệu điện ảnh mới.

Thật không may, thương hiệu “chết yểu" bởi doanh thu bộ phim mở đầu không tốt như kỳ vọng. Tồi tệ hơn, The Golden Compass chỉ thu 70 triệu USD tại Bắc Mỹ, nhưng New Line không kiếm được đồng nào từ quá trình phát hành quốc tế do đã bán quyền này trước đó để chi trả cho quá trình sản xuất. Toàn bộ dự án bị cho là sai lầm từ phía công ty mẹ Time Warner, và New Line bị thôn tính bởi Warner Bros. chỉ hai tháng sau đó.

Heaven’s Gate (1980)

(Ảnh: Internet)

Từ giữa thập kỷ 1960 đến đầu thập kỷ 1980, Hollywood là thiên đường cho các thử nghiệm điện ảnh. Những nhà làm phim tiên phong như Martin Scorsese, Robert Altman và Francis Ford Coppola đều đi lên từ thời kỳ này, nhưng thời hoàng kim nào rồi cũng phải kết thúc. Sau chiến thắng tại Oscar với The Deer Hunter (1978), Michael Cimino quyết định đưa xung đột giữa giới địa chủ và dân khai hoang ở Wyoming cuối thế kỷ XIX lên màn ảnh với Heaven’s Gate.

Khi ra mắt, bộ phim vấp phải sự chỉ trích từ mọi phía trong ngành điện ảnh, đến nỗi hãng United Artists phải dừng chiếu tác phẩm chỉ sau một tuần ra mắt. Heaven's Gate bị coi là một trong những bộ phim dở nhất lịch sử, nhưng hãng vẫn cố phát hành nó một năm sau đó dưới phiên bản của đạo diễn (director's cut). Với doanh thu vỏn vẹn 3,5 triệu USD so với kinh phí 44 triệu USD, bộ phim khiến United Artists phải ngừng hoạt động trước khi sáp nhập vào MGM.

The Lady Vanishes (1979)

Internet
Ảnh: Internet.

Hãng Hammer Productions và đạo diễn Alfred Hitchcock là hai trong số những cái tên khổng lồ của ngành điện ảnh nước Anh. Nhờ thương hiệu “Hammer Horror” - ý chỉ những tác phẩm kinh dị kinh điển của hãng như The Quatermass Xperiment (1955) hay Dracula (1958), họ vẫn duy trì được danh tiếng đến ngày nay. Về phần Hitchcock, tên ông luôn gắn liền với những tượng đài như Psycho (1960) và Vertigo (1958). Khi hãng Hammer làm lại kiệt tác năm 1938 của Hitchcock, kế hoạch tưởng chừng sẽ đem lại thành công.

Cuối những năm 1970, phong cách gothic trong phim của Hammer không còn được ưa chuộng, nên hãng muốn tận dụng The Lady Vanishes để chuyển hướng. Nhưng cả công chúng lẫn giới phê bình đều không mấy mặn mà với sự thay đổi. Bộ phim trở thành là giọt nước tràn ly sau chuỗi dự án thất bại, khiến hãng phim phải ngừng hoạt động. Sau lần cải tổ năm 2007, Hammer trở thành bến đỗ cho những dự án kinh dị không quá tiếng tăm và khó có thể trở lại thời hoàng kim.

An Thanh