Những “ông vua tiền mặt” trong mùa COVID-19

00:00 12/10/2020

Khi nhiều doanh nghiệp đang phải đi vay để duy trì hoạt động trong mùa COVID-19 thì nhiều doanh nghiệp lại đang sở hữu hàng chục ngàn tỉ đồng tiền mặt.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Có thể nói, tiền mặt đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Tiền mặt sẽ giúp doanh nghiệp xử lý một cách dễ dàng trong tình huống kế hoạch kinh doanh đang diễn biến xấu đi và nó cũng cho doanh nghiệp nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư trong tương lai.

Trong thời đại dịch COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ngưng trệ. Nhiều doanh nghiệp phải "vò đầu bứt tai" để tìm ra phương án giảm thiểu chi phí, duy trì dòng tiền để có thể tồn tại được trong mùa đại dịch này. Thì có những doanh nghiệp lại sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ, lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng.

4 "ông vua tiền mặt" sở hữu bình quân 41% lượng tiền mặt trên tổng tài sản 

Cuối quý I/2020, ACV sở hữu hơn 478,7 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Trong đó chủ yếu là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn. Phải kể đến đầu tiên là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV) lượng tiền mặt lớn nhất trong các doanh nghiệp niêm yết.

Đặc biệt, vào thời điểm 31.3, ACV đã đem hơn 32.400 tỉ đồng gửi ngân hàng với kỳ hạn không quá 12 tháng. So với hồi đầu năm 2020, lượng tiền gửi này tăng 4,85%.

Như vậy, cuối quý I/2020, ACV sở hữu lượng tiền mặt lên tới hơn 32.800 tỉ đồng, tăng gần 5% so với đầu năm 2020.

Cuối quý I/2020, tổng tài sản của ACV là hơn 58.742 tỉ đồng, trong đó có gần 56% tiền mặt. Nhờ lượng tiền gửi ngân hàng lớn, cuối quý I/2020, ACV thu về hơn 538,8 tỉ đồng lãi tiền gửi, tăng hơn 45,1% so với quý I/2019.

Trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp như trong quý I/2020, thì doanh thu từ hoạt động tài chính (chủ yếu là lãi tiền gửi) là một điểm sáng trong kết quả kinh doanh của ACV.

Tổng kết quý I/2020, lãi sau thuế của Công ty giảm 22,4% so với cùng kỳ năm trước. Và là một trong các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước ít chịu ảnh hưởng bởi COVID-19.

Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS, HOSE: GAS).

Cuối quý I/2020, tổng tài sản của PVGAS đạt hơn 65.400 tỉ đồng, trong đó, có tới 31.177 tỉ đồng tiền mặt. Cụ thể, thời điểm 31.3 PVGAS có hơn 5.277 tỉ đồng tiền mặt và các khoản tương đương tiền, trong đó chủ yếu là các khoản tương đương tiền.

Cũng như ACV, PVGAS đem lượng lớn tiền gửi ngân hàng. Cuối quý I/2020, Công ty sở hữu gần 25.900 tỉ đồng tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn từ 3-12 tháng, tăng gần 4% so với đầu năm 2020.

Như vậy, lượng tiền mặt chiếm khoảng 47,6% tổng tài sản của PVGAS tại thời điểm cuối quý I/2020.  

Cuối quý I/2020, PVGAS thu về hơn 364,6 tỉ đồng lãi tiền gửi, tiền cho vay, giảm nhẹ hơn 5,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Về kết quả kinh doanh, PVGAS đạt hơn 2.350 tỉ đồng lãi sau thuế, giảm hơn 23% so với quý I/2019.

Tiền mặt được NCĐT thể hiện trên biểu đồ bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền.

Tiền mặt được NCĐT thể hiện trên biểu đồ bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền.

“Vua sữa” 

Cuối quý I/2020, Vinamilk sở hữu hơn 15.748 tỉ đồng, bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền. Trong đó, chủ yếu là tiền gửi ngân hàng có tiền kì hạn ngắn dưới 12 tháng tại các ngân hàng. Vinamilk cho biết, lãi suất của các khoản tiền gửi này dao động từ 7,1%-8,65% mỗi năm.

Lượng tiền mặt (bao gồm tiền và các khoản tương đương tiền) của Vinamilk chiếm gần 34,2% tổng tài sản của Công ty tại thời điểm 31.3.

Về kết quả kinh doanh, lãi sau thuế hợp nhất của Vinamilk đạt hơn  2.700 tỉ đồng trong quý I/2020, giảm nhẹ so với cùng kỳ 2019 do các chi phí hoạt động tăng nhanh hơn so với doanh thu. Tuy nhiên, hoạt động tài chính ghi nhận sự tăng trưởng mạnh trong quý đầu tiên của năm 2020. Cụ thể, những khoản tiền gửi ngân hàng đã đem về cho “vua sữa” hơn 255 tỉ đồng lãi tiền gửi trong quý I/2020, tăng hơn 56% so với cùng kỳ 2019.

Petrolimex

Trong bối cảnh ngành dầu khí chịu “cú đấm kép” của COVID-19 và cuộc chiến giá dầu, lượng tiền mặt khủng đã giúp Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex, HOSE: PLX) duy trì hoạt động, giảm nhẹ thiệt hại trong quý I/2020.

Cụ thể, cuối quý I/2020, Petrolimex báo lỗ hơn 1.800 tỉ đồng. Công ty cho biết, ngoài ảnh hưởng do yếu tố giá dầu thế giới liên quan đến kết quả kinh doanh tại công ty mẹ thì sản lượng xăng dầu bán ra trên hệ thống Petrolimex giảm 10% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của COVID-19.

Ngoài ra, các công ty con của Petrolimex trong lĩnh vực vận tải, gas, hóa dầu,… cũng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong quý đầu tiên của năm 2020 này.  

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý là doanh thu từ hoạt động tài chính, đặc biệt là lãi tiền gửi của Petrolimex tăng mạnh trong kì. Cụ thể, cuối quý I/2020, Petrolimex thu về hơn 182,2 tỉ đồng lãi tiền gửi, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 31.3, Petrolimex sở hữu hơn 15.040 tỉ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, trong đó chủ yếu là tiền gửi ngân hàng.  Con số này chiếm hơn 27,3% tổng tài sản của Công ty hồi cuối quý I/2020.

Vũ Hoài