Những kiến thức cơ bản về “Tội rửa tiền”

04:43 10/12/2020

Rửa tiền là hành vi hợp pháp hóa nguồn gốc các tài sản do phạm tội mà có. Thông qua rửa tiền, các khoản tiền hoặc tài sản từ vi phạm pháp luật được che giấu nguồn gốc và “biến hóa” thành tiền sạch hay tài sản hợp pháp.

Hoạt động rửa tiền  bùng nổ với toàn cầu hóa, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội
Hoạt động rửa tiền bùng nổ với toàn cầu hóa, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội. (Ảnh: minh hoạ, nguồn internet)

Lịch sử và thực trạng

Rửa tiền (tiếng Anh: money laundering) là hành vi của cá nhân hay tổ chức tìm cách chuyển đổi các khoản lợi nhuận hoặc tài sản khác có được từ hành vi phạm tội hoặc tham nhũng trở thành các tài sản được coi là “hợp pháp”.

Các tổ chức tội phạm và cá nhân tham nhũng luôn che giấu nguồn gốc của khoản tiền thu được từ những hoạt động bất hợp pháp mà không gây nghi ngờ cho các cơ quan thực thi pháp luật. Do vậy, cần có thời gian và nỗ lực đáng kể để tạo ra những chiến lược cho phép sử dụng an toàn những khoản tiền thu được mà không bị nghi ngờ. Thực hiện các chiến lược như vậy thường được gọi là rửa tiền.

Rửa tiền không phải là một hiện tượng mới trong lĩnh vực tài chính. Nhiều chuyên gia lịch sử cho hay, từ hơn 3 ngàn năm trước, ở Trung Quốc, các thương gia từ khoảng năm 2000 TCN đã che giấu tài sản của họ, không để vua biết được, nếu không sẽ có nguy cơ bị tịch thu toàn bộ tài sản và bị trục xuất ra khỏi vương quốc. Ngoài việc giấu tài sản, các thương gia đã chuyển tiền và đầu tư vào các doanh nghiệp khác ở các tỉnh xa hơn hoặc thậm chí ở bên ngoài Trung Quốc.

Ngày nay, hoạt động này đã bùng nổ với toàn cầu hóa, gây nhiều hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và xã hội, đặc biệt ở các nước đang phát triển hoặc chuyển tiếp. Tội phạm rửa tiền đang trở thành vấn nạn tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Tội phạm rửa tiền là loại tội phạm nguy hiểm với nhiều thủ đoạn tinh vi và hình thức phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế của các quốc gia.

Nhóm đối tượng có nhu cầu rửa tiền

Các chuyên gia kinh tế nhận định, tội rửa tiền thường gắn với những hành vi phạm tội khác như tội phạm về tham nhũng, kinh doanh trái phép, buôn lậu…

Tội phạm rửa tiền là loại tội phạm nguy hiểm với nhiều thủ đoạn tinh vi và hình thức phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế của các quốc gia

Tội phạm rửa tiền là loại tội phạm nguy hiểm với nhiều thủ đoạn tinh vi và hình thức phức tạp, gây ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế của các quốc gia. (Ảnh: minh hoạ)

Ngoài hiện tượng tương đối mới là việc các tổ chức khủng bố thường hay thực hiện hành vi rửa tiền thì có thể xếp những người có nhu cầu rửa tiền thành ba nhóm, gồm: Những người buôn lậu (ma túy, vũ khí, lao động bất hợp pháp…); Những người tham nhũng; Những người muốn tránh thuế, nói chung là những người muốn giữ kín thu nhập thật sự (dù là hợp pháp) của mình.

Tiền bẩn (do phạm pháp mà có được) có thể từ các doanh nghiệp làm ăn công khai, chẳng hạn khi họ chuyển tiền từ nước này sang nước khác để tránh thuế. Có hai phương pháp để làm việc này. Một là khai gian giá trị những dịch vụ mà bản chất là hợp pháp. Hai là khai (như trong hóa đơn) một dịch vụ hoàn toàn không có (kể cả việc lập công ty ma). Trong các nguồn tiền cần rửa thì có lẽ nguồn kinh doanh là phản ánh tính toàn cầu hóa nhiều nhất, mà một trong những biểu hiện là việc khai man giá chuyển giao (transfer price) để tránh thuế của các công ty xuyên quốc gia.

Điều đáng lưu ý là ba nhóm trên không hề có biệt lập, tham nhũng, rửa tiền, và kinh doanh bất chính có nhiều điểm giống nhau, cấu kết với nhau và tiếp sức cho nhau  (tham nhũng thì cần có người để rửa tiền hối lộ, người rửa tiền này có thể là tội phạm chuyên nghiệp, hoặc công ty ma. Ngược lại, tội phạm và doanh nghiệp cũng thường đút lót các quan chức tham ô để làm ngơ dịch vụ rửa tiền).

Nhận diện quá trình rửa tiền

Việc rửa tiền thường được tiến hành theo một chu trình cơ bản bao gồm 3 giai đoạn: phân phối, dàn trải, hội nhập. Cụ thể như sau:

Giai đoạn phân phối (placement): Phân phối nguồn tiền từ các hoạt động phi pháp vào các định chế tài chính mà không bị phát hiện bởi các cơ quan luật pháp. Các tội phạm rửa tiền thực hiện đầu tư phân tán bằng cách chia các khoản “tiền bẩn” thành nhiều khoản tiền nhỏ dưới mức quy định;

Giai đoạn dàn trải (layering): Tiền được chuyển từ tổ chức tài chính nầy sang tổ chức tài chính khác để che giấu nguồn gốc và chủ sở hữu của tiền. Thực chất đây là quy trình tạo ra một chuỗi các giao dịch nhằm mục đích che đậy các nguồn tiền từ các hoạt động phi pháp và làm cho chúng ngày càng xa nguồn gốc ban đầu;

Giai đoạn hội nhập (integration): Tiền được đầu tư vào những hoạt động kinh doanh hợp pháp.

Trong các bài viết tiếp theo, Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập sẽ gửi tới quý độc giả định nghĩa “Tội rửa tiền” được pháp luật Việt Nam quy định, những vụ án điển hình và các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền; hợp tác quốc tế về phòng, chống rửa tiền.

Trần Linh (T/h)