Doanh nhân Trần Mộng Hùng
Ông Trần Mộng Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) từng có thời gian là giảng viên trường Cao cấp nghiệp vụ ngân hàng (từ năm 1978 đến 1980).
Cơ duyên với ACB của ông Hùng bắt đầu từ những năm 1990, khi ông nhìn ra cơ hội lúc hệ thống ngân hàng được phân thành hai cấp là ngân hàng nhà nước và thương mại.
Vốn có kiến thức chuyên môn về ngân hàng, ông Trần Mộng Hùng cùng các bạn bè quyết định rời bục giảng, xây dựng ACB thành ngân hàng phục vụ các nhu cầu dân sinh.
Với 35 tuổi nghề ngân hàng, ông Hùng đã có 15 năm giữ chiếc ghế Chủ tịch ACB. Năm 2008, ông Hùng rút lui khỏi HĐQT và chỉ giữ vị trí cố vấn quản trị. Tuy nhiên, đến năm 2012, sau khi vụ việc "bầu" Kiên bị bắt khiến ACB không khỏi lao đao, ông quay trở lại vị trí HĐQT từ năm 2012, để cùng ACB “vượt cạn”.
Đã 5 năm trôi qua, bảng kết quả kinh doanh và cơ cấu tài sản của ACB đã cho thấy những tín hiệu tích cực, có vẻ như đây chính là thời điểm để ông Hùng “nhường lại” phần đường phía trước cho con trai của mình – Chủ tịch Trần Hùng Huy chèo lái ACB.
Nguyên Phó Tổng giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại
Ở ACB, ngoài ông Trần Mộng Hùng còn có ông Nguyễn Thanh Toại - nguyên Phó Tổng giám đốc, cũng có thâm niên làm nhà giáo trước khi đến với ngành ngân hàng.
Ông Toại từng là giảng viên tại Đại học Kinh tế TP.HCM những năm 1978 đến 1984 và 1991 đến 1993.
Theo thông tin ACB công bố, ông Toại được bổ nhiệm vào vị trí Phó Tổng giám đốc ACB từ năm 1994. Ngoài cương vị là Phó Tổng giám đốc, ông Toại còn đảm nhiệm vai trò là người công bố thông tin của ngân hàng.
Tuy nhiên, ACB đã có quyết định miễn nhiệm chức danh Phó Tổng giám đốc đối với ông Nguyễn Thanh Toại kể từ ngày 25/6. Được biết, ông Toại rời ACB để đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV cho thuê tài chính ngân hàng Á Châu (ACB Leasing).
Tổng giám đốc SaiGonBank Trần Thị Việt Ánh
Trong những cái tên CEO nữ chuyển từ nghề giáo sang làm ngân hàng, không thể không nhắc tới Tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Công Thương (SaiGonBank) Trần Thị Việt Ánh.
Bà Ánh đã từng có thời gian giảng dạy tại Đại học Ngân hàng TP.HCM, từng đảm đương vị trí Phó chủ nhiệm khoa Kế toán ngân hàng.
Năm 1994, bà Việt Ánh chuyển về SaigonBank và trở thành một trong những lãnh đạo của ngân hàng này. Và 10 năm sau, bà được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc.
"Cá mập" Đỗ Thị Kim Liên
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn AquaOne và Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nước mặt Sông Đuống - bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên), cũng từng xuất thân là một giáo viên dạy Văn trước khi bước vào kinh doanh.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm trong ngành giáo dục, ban đầu, bà Liên cũng theo nghề giáo như định hướng của gia đình. Tuy nhiên, theo vị "cá mập" này, nghề giáo cao quý nhưng không cho bà cơ hội được sáng tạo nhiều. Vì là người mạnh mẽ, thích hợp với thương trường nên bà quyết định bỏ nghề giáo, dấn thân vào kinh doanh.
"Tôi vốn xuất thân là giáo viên, nghề của gia đình. Tôi có vài năm theo nghề giáo viên văn theo định hướng của gia đình, nhưng ẩn sâu bên trong tôi là người hơi “nổi loạn”, không thể làm những việc giống nhau mỗi ngày. Nghề giáo là nghề cao quý, nhưng không cho tôi cơ hội được sáng tạo nhiều. Tôi lại là người mạnh mẽ nên thích hợp với thương trường hơn. Thế là tôi bỏ nghề giáo và dấn thân vào kinh doanh", bà Liên từng chia sẻ.
Trong chương trình Shark Tank Việt Nam, Shark Đỗ Thị Kim Liên cũng nhiều lần nói về xuất thân nhà giáo của mình và bày tỏ sự hứng thú đối với những startup gọi vốn đầu tư cho những dự án đầu tư liên quan đến giáo dục.
Năm 2005, Shark Đỗ Liên lập ra Công ty Cổ phần Bảo hiểm AAA, từng bước đưa AAA phát triển với doanh thu lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Đến năm 2013, khi đang ở giai đoạn đỉnh cao, bà Liên bất ngờ chuyển nhượng cổ phần cho Tập đoàn Insurance Australian Group (IAG) của Australia.
Đến cuối tháng 10/2018, bà Đỗ Thị Kim Liên quay trở lại thị trường bảo hiểm bằng việc ra mắt ứng dụng bảo hiểm tự động LIAN và. Tại đây, bà Liên đóng vai trò là cố vấn đặc biệt của Bảo hiểm Viễn Đông, cũng là nhà sáng lập ứng dụng Bảo hiểm LIAN.
Giữa lùm xùm giá nước Sông Đuống "cõng" lãi ngân hàng, Shark Liên rời ghế Tổng giám đốc Nước mặt Sông Đuống nhưng vẫn là Chủ tịch doanh nghiệp này.
Đại gia gỗ Trường Thành
Nhắc đến những trường hợp thầy giáo “tay ngang” thành công trên thương trường còn phải kể đến đại gia Võ Trường Thành - ông chủ Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành.
Ông Võ Trường Thành sinh năm 1958, trên đất võ Tây Sơn - Bình Định. Năm 21 tuổi, khi đang làm nghề giáo viên, ông Thành quyết định rời vùng đất võ Tây Sơn lên Tây Nguyên lập nghiệp. Công việc ở xưởng chế biến gỗ của Lực lượng Thanh niên xung phong đóng tại Tây Nguyên đã khởi đầu mối lương duyên của người thầy giáo trẻ với gỗ.
Sau hơn 7 năm miệt mài cùng xưởng gỗ, ông được bầu làm Giám đốc Xí nghiệp Khai thác và Chế biến lâm sản Thanh niên Xung phong. Niềm đam mê với gỗ đã thúc đẩy ông tự khởi nghiệp với số vốn vay mượn 50 triệu đồng, thành lập xưởng sơ chế gỗ tại Đắk Lắk vào năm 1990.
Từng là giáo viên dạy Toán, ông Thành luôn áp dụng tư duy Toán học để tìm lời giải cho các vướng mắc trong điều hành. Chính điều này đã tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp luôn ổn định và phát triển.
Nhưng cuối năm 2008 đầu 2009, kinh tế bắt đầu khó khăn và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm gỗ nội thất trên thế giới cũng giảm đã đẩy doanh nghiệp của ông rơi vào tình trạng khó khăn. Đến giờ, doanh nhân này ngập trong đống nợ.
Nhà sáng lập thương hiệu Bitas Đỗ Long
Từng làm giáo viên nhưng cuộc sống cơm áo gạo tiền đã đưa ông Đỗ Long, TGĐ Công ty Bitas, đến với nghề làm giày truyền thống của gia đình. Sau hơn 20 năm quay cuồng với kinh doanh, đã có lúc ông nghĩ đến việc quay trở về với nghề "gõ đầu trẻ”.
"Tôi may mắn được làm thầy, dù thời gian đi dạy chỉ ngắn ngủi có 5 năm, nhưng từ đó đến nay, hơn 30 năm, lớp học trò cũ vẫn hằng năm tổ chức gặp gỡ, thăm hỏi tôi vào dịp Ngày Nhà giáo 20/11", doanh nhân Đỗ Long, nhà sáng lập thương hiệu giày Bitas (công ty giày Bình Tân) từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn.
Theo đó lý do ông chuyển sang làm nghề sản xuất giày dép cũng là do cơ duyên và thời cuộc đưa đẩy. Ngoài thương hiệu giày Bitas vợ chồng ông Long còn sáng lập nên thương hiệu thời trang Newtop (Công ty Nhật Tân).
Và còn rất nhiều những doanh nhân nổi tiếng khác của Việt Nam như , ông Trịnh Kim Quang – nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị ACB, ông Nguyễn Thanh Toại – nguyên Phó tổng giám đốc ACB, ông Võ Trường Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành... cũng từng là những giáo viên đầy tâm huyết trước khi trở thành doanh nhân.
TH