Những cổ phiếu dự báo sẽ thu hút mạnh dòng tiền của giới đầu tư

00:00 12/10/2020

Theo các công ty chứng khoán, trong tuần này, dòng tiền dự kiến sẽ tìm đến các cổ phiếu đang trong nhịp điều chỉnh thuộc các nhóm ngành như dầu khí, điện, khu công nghiệp, dệt may, vật liệu xây dựng và bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận.

Thị trường giằng co, chỉ số Vn-Index gặp khó ở ngưỡng 1.000 điểm

Tiếp nối tuần làm việc thận trọng trước đó, thị trường chứng khoán tuần vừa qua (từ 4 – 8/3) diễn ra với tâm lý dè dặt. Các chỉ số liên tục trồi sụt trong biên độ hẹp, trong đó chỉ số Vn-Index bị giằng co mạnh và tiếp tục thất bại khi chinh phục ngưỡng kháng cự tâm lý mạnh 1.000 điểm.

Theo đó, thị trường khởi động phiên đầu tiên của tuần làm việc vừa qua với tâm lý khá hứng khởi. Sắc xanh bảo phủ khắp thị trường với hoạt loạt mã lớn tăng giá, thanh khoản trên sàn cũng cải thiện đáng kể. Chốt phiên, chỉ số Vn-Index ghi thêm tới 14,36 điểm, chỉ số HNX-Index ghi thêm 1,27 điểm.

Sau phiên tăng mạnh đầu tuần, thị trường chứng khoán quay về trạng thái thận trọng, hoạt động chốt lời lên cao. Các chỉ số quay đầu đi xuống với khoảng cách hẹp. Các chỉ số đã đi lên nhẹ trong phiên thứ 3 của tuần làm việc, tuy nhiên nhanh chóng đi xuống trong 2 phiên cuối tuần.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo dõi thị trường chứng khoán tuần qua có thể thấy, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số Vn-Index là VIC, BID và PLX khi đóng góp lần lượt 2,92, 1,20 và 0,75 điểm tăng. Ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số Vn-Index là VNM, YEG và NVL khi lấy đi của chỉ số lần lượt 2,34, 0,71 và 0,48 điểm.

Về nhóm ngành tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng 1,53% nhờ các cổ phiếu BID, SHB và CTG tăng lần lượt 3,50%, 2,63% và 1,92%. Nhóm cổ phiếu bất động sản tăng 1,56% do nhóm cổ phiếu Vingroup và các cổ phiếu KBC, VPI, PDR tăng điểm tuần qua. Nhóm cổ phiếu dầu khí tăng 3,25% nhờ việc các cổ phiếu vốn hóa lớn trong ngành như GAS, PLX, PVD và PVS đều tăng.

Tính chung cả tuần qua, các chỉ số trên cả hai sàn Hà Nội và TP.HCM đều tăng. Trong đó, chỉ số Vn-Index kết thúc tuần với mức tăng thêm 0,59% và đang giữ tại mốc 985,25 điểm. Cùng chiều, chỉ số HNX-Index cũng đóng cửa tuần với mức tăng 0,89% và đang dừng tại mốc 108,22 điểm.

Thanh khoản trung bình trên cả hai sàn đồng loạt tăng. Trong đó, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn TP.HCM đạt hơn 201,4 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 5,73% so với tuần giao dịch trước. Còn sàn Hà Nội đạt trung bình hơn 51,4 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 31,69%.

Trong tuần qua, trên sàn TP.HCM, cổ phiếu dẫn dầu danh sách tăng mạnh nhất tuần là DCL của Công ty cổ phần Dược phẩm Cửu Long với mức gần 31% giá trị; tiếp theo là PPI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Dự án Hạ tầng Thái Bình Dương với mức 30,51%; cổ phiếu PNC của Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam tăng 30% giá trị trong tuần làm việc vừa qua.

Bên sàn Hà Nội, cổ phiếu KSK của Công ty cổ phần Khoáng sản Luyện kim màu với mức tăng thêm 50% giá trị và dẫn đầu trong danh sách Top10 mã tăng mạnh nhất tuần qua; tiếp theo sau là cổ phiếu GDW của Công ty cổ phần cấp nước Gia Định với mức gần 46% giá trị; cổ phiếu KSQ của Công ty cổ phần CNC Capital Việt Nam tăng hơn 38% giá trị cổ phiếu trong tuần làm việc vừa qua.

Thị trường dự báo sẽ tiếp tục giảm điểm

Trải qua một tuần làm việc giằng co, thị trường chứng khoán trong nước được dự báo sẽ đối mặt với áp lực giảm điểm trong tuần làm việc này. Tâm lý thận trọng vẫn là xu hướng chủ đạo.

Theo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, trong tuần này, thị trường được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với áp lực giảm điểm. Trong đó, chỉ số VnIndex có thể sẽ lùi về vùng hỗ trợ 970 điểm - 980 điểm trước khi được kỳ vọng sẽ cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại.

Cũng theo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt, hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETFs trong tuần có thể khiến cho các cổ phiếu bluechips biến động tương đối khó lường và theo chiều hướng bất lợi nhiều hơn.

“Thị trường nhiều khả năng sẽ có diễn biến phân hóa mạnh trong tuần tới. Nhóm cổ phiếu ngân hàng được kỳ vọng sẽ có diễn biến khởi sắc hơn để hỗ trợ và giữ nhịp cho thị trường. Bên cạnh đó, dòng tiền dự kiến sẽ tìm đến các cổ phiếu đang trong nhịp điều chỉnh thuộc các nhóm ngành như dầu khí, điện, khu công nghiệp, dệt may, vật liệu xây dựng và bất động sản… để tìm kiếm lợi nhuận”, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt nhận định.

Công ty chứng khoán Bảo Việt cũng cho rằng, xu hướng tăng điểm ngắn hạn của thị trường đang gặp nhiều khó khăn trước vùng kháng cự mạnh quanh 1000 điểm. Rủi ro giảm mạnh của thị trường có thể sẽ hình thành nếu chỉ số phá vỡ vùng hỗ trợ 970-980 điểm. Trên cơ sở đó, các nhà đầu tư nên ngừng các hoạt động giải ngân mới. Có thể canh các nhịp tăng điểm của thị trường để bán giảm tỷ trọng danh mục về mức an toàn. Tỷ trọng danh mục tổng có thể giảm về mức 35 - 45% cổ phiếu trong giai đoạn này.

Minh Ngọc