Những chính sách đặc thù của chính phủ sẽ thúc đẩy sự phát triển của Thanh Hóa

10:10 17/09/2021

Phiên họp thứ 3 ngày 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.

Báo cáo nội dung dự thảo Nghị quyết của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tại phiên họp cho biết việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị (Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5/8/2020) về xây dựng, phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của khu vực và cả nước. 

Phiên họp thứ 2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: VOV)

Cụ thể, dự thảo Nghị quyết quy định tỉnh Thanh Hóa được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ về cho tỉnh vay lại với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp.

Hiện tại, theo quy định tại Luật Ngân sách thì tỉnh Thanh Hóa được áp dụng mức dư nợ vay không quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu nâng hạn mức dư nợ vay 60% thì mức dư nợ vay tối đa của tỉnh là 7.909 tỷ đồng, mới đáp ứng đủ nhu cầu huy động trước nguồn lực để đầu tư phát triển của tỉnh.

Dự thảo Nghị quyết cũng đề xuất quy định hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh Thanh Hóa không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hoàn thành việc di dân, tái định cư trong Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm tạo quỹ đất sạch cho việc thu hút đầu tư các dự án trọng điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Dự thảo cũng đề xuất cơ chế, ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh (trừ các cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của tỉnh (khoảng 443 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí trên để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách tỉnh… 

Thanh Hóa sẽ được hưởng những chính sách đặc thù để phát triển kinh tế
Thanh Hóa sẽ được hưởng những chính sách đặc thù để phát triển kinh tế. (Ảnh: TH)

Thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) cho biết, Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đã quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù khác với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa quy định cụ thể tại các văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền tỉnh Thanh Hóa, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của tỉnh, đề ra mục tiêu đến năm 2030, Thanh Hoá là một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước, trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước, các giá trị di sản văn hoá, lịch sử được bảo tồn, phát huy; quốc phòng, an ninh bảo đảm vững chắc.

Để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, đa số ý kiến nhất trí cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa nhằm góp phần tạo thuận lợi cho Thanh Hóa trong quá trình thu hút nguồn lực đầu tư, tăng tính đột phá về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững, tạo sự lan tỏa vùng, miền.  

Cơ chế đặc thù phải gắn với đề cao tính tự lực, tự cường, chủ động, nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo, làm tiền đề để giải phóng mọi nguồn lực cho phát triển; quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm cụ thể, nhất là trách nhiệm cá nhân người đứng đầu trong quản lý, sử dụng nguồn lực từ cơ chế đặc thù.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị về lâu dài, cần nghiên cứu toàn diện để có đề xuất mang tính sáng tạo, tránh dập khuôn; chú trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh đặc thù về kinh tế, điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, truyền thống lịch sử, văn hóa… để tạo tiền đề cho Thanh Hóa giữ được vị trí là tỉnh có tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất cả nước và tiếp tục phát triển năng động, bền vững trong những năm tiếp theo.

Qua thảo luận, đa số ý kiến tại phiên họp cũng đồng tình với các nội dung dự thảo trình, và hiệu lực áp dụng từ 1/1/2022, thực hiện trong 5 năm.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban TCNS cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu các ý kiến bổ sung để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 2.

Ngọc Lâm