Nhu cầu nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Hoa Kỳ và Hàn Quốc sẽ tăng cao trong năm 2022

16:06 21/12/2021

Hoa Kỳ và Hàn Quốc là những nước có nền kinh tế phát triển và có dự án xây dựng cũng như nhiệt điện lớn vào cuối năm 2021 và trong năm 2022 đang có nhu cầu nhập khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ Việt được giới chuyên môn dự báo là tương đối lớn trong năm tới.

Gỗ ở EU
Gỗ ở EU. (Ảnh: EURACTIV)

Theo số liệu tổng hợp, 11 tháng đầu năm 2021 xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ đạt hơn 14 tỷ USD, tăng hơn 20% so với năm 2020. Ước giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản ngoài gỗ năm 2021 đạt hơn 15 tỷ USD, tăng gần 20% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,5 tỷ USD, tăng hơn 17% so với năm 2020; xuất khẩu lâm sản ngoài gỗ đạt hơn 1 tỷ USD, tăng gần 30% gồm: sản phẩm từ mây, tre 841 triệu USD, tăng hơn 38%; sản phẩm từ quế, hồi 265,4 triệu USD, tăng hơn 8%.

Các thị trường lớn nhất về xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt lớn nhât trong số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU và Hàn Quốc với tổng giá trị xuất khẩu ước đạt gần 14 tỷ USD, chiếm gần 90% giá trị xuất khẩu lâm sản của chúng ta. 

Trong đó, xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ ước đạt hơn 9 tỷ USD, tăng gần 21,5% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản ước đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ước đạt 1,5 tỷ USD, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt hơn 1 tỷ USD, tăng gần 14,5 % so với năm 2020.

Bên cạnh đó, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của doanh nghiệp FDI ước đạt gần 7,4 tỷ USD, tăng gần 21% so với năm 2020, chiếm hơn 47% giá trị xuất khẩu lâm sản.

Giới chuyên môn cho biết, vào năm 2022 trị giá xuất khẩu gỗ, lâm sản vào một số thị trường truyền thống giữ mức tăng trưởng cao cho thấy các doanh nghiệp chế biến đã và đang tranh thủ tận dụng thời cơ phát triển mở rộng thị trường trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia.

Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu một số sản phẩm tăng cao bao gồm Dăm gỗ tăng gần 18,5%, viên nén gỗ tăng gần 17,5%. Nguyên nhân do thực trạng kể trên được giới chuyên môn cho biết là bởi nhu cầu tiêu dùng nhiệt điện tăng mạnh tại một số quốc gia đặc biệt là Hàn Quốc.

Để tận dụng những thuận lợi từ các thị trường nước bạn, giới chuyên môn cũng khuyến nghị các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ cần được tiếp cận tiêm vắc xin mũi 3 sớm nhất có thể. Thêm vào đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần “chung tay” với doanh nghiệp chuyển dịch từ nguồn nguyên liệu gỗ nhập khẩu sang gỗ rừng trồng trong nước bằng các cơ chế chính sách về đất đai phải thay đổi mang tính đột phá để phù hợp với thời cuộc. Cuối cùng, chính bản thân các doanh nghiệp cũng cần thay đổi phương thức sản xuất, đóng gói, giao hàng để theo kịp yêu cầu những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU và Hàn Quốc. 

Anh Đức