Nhu cầu hàng hóa và dịch vụ của Anh tăng kỷ lục kể từ những năm 1990

14:16 24/05/2021

Nền kinh tế nước Anh đang phục hồi mạnh mẽ sau đợt mở cửa trở lại, giải phóng nhu cầu bị dồn nền do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Các hoạt động kinh doanh tại Vương quốc Anh đã ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Vào tháng 5 này, người mua sắm đổ về các con phố trung tâm sau khi giới chức gỡ bỏ lệnh phong tỏa, đẩy nhanh sự phục hồi nền kinh tế. Theo số liệu được công bố vào thứ Sáu tuần trước, mức độ phục hồi trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ gần như trở lại trạng thái trước đại dịch. Chỉ số quản lý mua hàng của IHS Markit (PMI) theo dõi chặt chẽ hoạt động kinh tế cho thấy các khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ tiêu dùng khác bùng nổ nhu cầu, dẫn đến tốc độ tăng trưởng trưởng nhanh nhất kể từ chỉ số PMI đo được năm 1998. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet) 

Chris Williamson, nhà kinh tế trưởng tại IHS Markit cho hay, Vương quốc Anh đang tận hưởng “sự bứt phá tăng trưởng chưa từng có” khi nền kinh tế mở cửa trở lại, cụ thể chỉ số PMI cho tháng 5 là 62, tăng từ 60,7 của tháng trước. Ông nói: “Các đơn đặt hàng tại các nhà máy đang tăng với tốc độ chóng mặt khi nhu cầu hàng hóa toàn cầu tiếp tục hồi sinh, lĩnh vực dịch vụ báo cáo mức tăng trưởng gần như đạt kỷ lục. Trong khi đó, niềm tin kinh doanh đã lên đến mức cao nhất mọi thời đại còn lo ngại về tác động của dịch bệnh đang được đẩy lùi”. Tuy nhiên, công ty tư vấn Capital Econmics cho biết, các nhà sản xuất vẫn gặp một vài trở ngại trong xuất nhập khẩu hậu Brexit. Sự xuất hiện của dịch bệnh đã làm trì hoãn nguồn cung ứng cũng như kéo dài thời gian giao hàng các nguyên liệu khô, thành phần cấu tạo hàng hóa quan trọng.

Về phía Markit chia sẻ thêm, các hóa đơn vận tải cũng như tăng giá kim loại, xăng dầu đã khiến chi phí mua hàng tăng kỷ lục kể từ tháng 1 năm 1992. Trong bối cảnh hoạt động trở lại sau gần 4 tháng đình trệ kinh doanh, tính từ ngày 12 tháng 4 đến 26 tháng 4 ở Scotland, các cửa hàng quần áo và giày dép ghi nhận doanh thu tăng gần 70% so với tháng trước đó. Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết, sự bùng nổ doanh số bán hàng trên tất cả các lĩnh vực của ngành bán lẻ đồng nghĩa với việc khối lượng hàng hóa mua tháng 4 cao hơn 10,6% so với tháng 2 năm 2020. Ngoài ra, doanh số bán hàng tại các cửa hàng truyền thống cũng cho thấy các tín hiệu khả quan, cổ vũ các nhà bán lẻ bên cạnh xu hướng mua hàng trực tuyến giảm dần ở hầu hết lĩnh vực trong tháng 4 và chỉ chiếm 1/3 tổng doanh số trong đợt tăng đột biến hiện nay.

TL