NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất

13:14 11/08/2021

Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam Đào Minh Tú thông tin, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc các ngân hàng thực hiện các cam kết giảm lãi suất để có sự hỗ trợ thực chất với các doanh nghiệp...

Tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn ra trên diện rộng tại 42 tỉnh, thành phố và đang ngày càng có những diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh ấy, rất nhiều tỉnh thành đã và đang phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Thực tế, đây là quyết định khó khăn, gây tác động rất lớn đến tất cả các loại hình doanh nghiệp.

Các ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay gồm Vietcombank, Agribank, ACB, TPBank, Sacombank...

Các ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay gồm Vietcombank, Agribank, ACB, TPBank, Sacombank.... (Ảnh: minh họa)

Thời gian qua, để giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những biện pháp giải quyết trong nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều Nghị quyết, chương trình hành động để hỗ trợ, tháo gỡ, đáp ứng mục tiêu kép vừa chống dịch bảo vệ sức khỏe của người dân cũng như đảm bảo nền kinh tế không bị gián đoạn, hạn chế giảm sút.

Mới đây nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội khóa XV, trong đó áp dụng một số nội dung khác với quy định của luật. Dịch bệnh diễn biến ngày một phức tạp, biến chủng Delta nguy hiểm hơn, phát tán mạnh hơn. Việc chống dịch lần này là chưa có tiền lệ.

Bên cạnh đó không thể không kể tới vai trò và sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế, trong năm 2020 và 7 tháng năm 2021, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp.

“Ngay từ khi có dịch Covid-19, một trong những giải pháp NHNN triển khai rất quyết liệt, đồng bộ đó là ban hành Thông tư 01 và sau đó là Thông tư 03 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết.

Ông Tú cho biết thêm, nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả doanh nghiệp lớn, nhỏ, các hộ kinh tế gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng, ở mức độ phù hợp với điều kiện thực tế mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi ngành nghề.

Mới đây, một số doanh nghiệp và Hiệp hội tiếp tục kiến nghị ngành Ngân hàng giảm thêm lãi suất, bởi mức giảm như vừa qua chưa đáng kể so với thiệt hại của doanh nghiệp.

Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội đã gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ với mong muốn hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp bằng cách giảm từ 3-5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho khoản vay tín dụng trong năm 2021-2023… Thậm chí, câu chuyện “hy hữu” gần đây là một doanh nghiệp thủy sản phía Nam đã gửi văn bản từ chối phần lãi suất được giảm của ngân hàng B.

Thống kê cho thấy, hiện có trên 10 ngân hàng đã công bố giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, với mức giảm từ 0,5-2%, có ngân hàng đã giảm tới 3% so với lãi suất cho vay hiện hữu.

Tuy nhiên, đại diện một số doanh nghiệp và hiệp hội đã cho rằng, lãi suất cho vay hiện đã rất thấp, nhưng mức giảm 1-2% vẫn không đáng kể so với quy mô và dòng tiền đã mất của doanh nghiệp.

Trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú khẳng định, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc giảm lãi suất của các ngân hàng, số lượng giảm như thế nào, có thực hiện theo cam kết không để có sự hỗ trợ thực chất nhất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như cam kết để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Theo ông Tú, mới đây, Hiệp hội Ngân hàng đã tổ chức 16 TCTD họp và tự nguyện thống nhất cam kết các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, với nguồn lãi vay sẽ được cắt giảm khoảng 20.300 tỷ từ nay đến cuối năm, tuỳ quy mô ngân hàng.

Riêng 4 NHTM nhà nước lớn là Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV đã phát huy vai trò tiên phong, ngoài gói hỗ trợ chung còn cam kết bỏ thêm khoảng 1000 tỷ đồng mỗi ngân hàng (tổng số 4000 tỷ của 4 ngân hàng) hỗ trợ giảm thêm lãi suất cho các DN, người dân ở Tp.HCM, Bình Dương và các địa phương gặp khó khăn nhất do dịch COVID-19 đang phải thực hiện giãn cách, chống dịch theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Bốn ngân hàng này cũng sẽ triển khai miễn phí 100% tất cả các loại phí dịch vụ ngân hàng cho các địa phương bị ảnh hưởng nặng như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Ông Tú nhấn mạnh, NHNN sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất. Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết, để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Bên cạnh giảm lãi suất, NHNN cũng đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp. Ước tính tổng số phí mà các TCTD giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng. Thời gian tới, NHNN đã giảm các loại phí thanh toán và chỉ đạo các tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục giảm phí tạo thuận lợi cho các NHTM giảm sâu các loại phí cho khách hàng.

Bảo Ngân