Nhìn lại hành trình của startup WeWork trong 1 thập kỷ trước khi lao xuống bờ vực của sự thất bại

08:09 05/12/2020

Cách WeWork đánh mất hơn 80% giá trị chỉ trong vài tháng, khiến công ty này trở thành startup thất bại nhất trong lịch sử. Sự trỗi dậy và thất bại của startup kỳ lân WeWork đã để lại nhiều bài học cho các nhà đầu tư cũng như những nhà quản trị doanh nghiệp.

Thập kỷ qua là quãng thời gian phát triển của hàng loạt startup công nghệ thế giới. Sự phổ biến của smartphone ở khắp nơi trên thế giới đã giúp hàng tỷ người kết nối với nhau, đồng thời tạo điều kiện phát triển cho rất nhiều mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, làn sóng khởi nghiệp này đã phần nào lắng xuống vào nửa sau của thập kỷ khi hàng loạt vụ bê bối chấn động bị phanh phui, dẫn tới sự sụp đổ của nhiều công ty cũng như sự ra đi của các nhà sáng lập. Trong số đó, không thể không nhắc tới WeWork – "kỳ lân xác sống" đầu tiên của làng công nghệ.

Nhiều CEO bất động sản vẫn nghi ngại về công ty cho thuê văn phòng WeWork nhưng họ không muốn mạo hiểm bỏ lỡ sự vượt trội của startup này.

Chính họ là những người đã đưa WeWork nhanh chóng lên đỉnh cao thành công và cũng vội vàng góp tay hạ gục gã khổng lồ khởi nghiệp này ngay khi họ biết sự thất bại của nó.

Nhà báo Reeves Wiedeman, tác giả cuốn Billion Dollar Loser (tạm dịch Kẻ thất bại tỷ đô) viết: “Họ không thể giải thích được mức định giá của WeWork, nhưng họ sợ rằng Adam Neumann - đồng sáng lập WeWork có thể đạt được tham vọng của mình. Cho đến nay chưa có gì ngăn cản anh ta tiếp tục tiến xa và trở nên mạnh mẽ hơn. Không ai muốn trở thành đối thủ với anh ấy".

Adam Neumann đã có ảnh hưởng không nhỏ tới sự thành công và suy sụp của WeWork. Ảnh: Getty Images.
Adam Neumann đã có ảnh hưởng không nhỏ tới sự thành công và suy sụp của WeWork. Ảnh: Getty Images.

Nhìn lại hành trình của WeWork trong 1 thập kỷ qua qua những mốc thời gian đáng chú ý:

Adam Neumann đến thành phố New York năm 2001, sau khi hoàn thành nghĩa vụ trong quân đội Israel. Ban đầu, anh thành lập một công ty tên là Krawlers, chuyên bán quần áo có đệm đầu gối cho trẻ sơ sinh đã biết bò.

Khi đó, Neumann làm việc trong cùng tòa nhà với kiến trúc sư Miguel McKelvey, người đồng sáng lập WeWork sau này. Hai người trở thành bạn.

Adam Neumann và Miguel McKelvey.
Adam Neumann và Miguel McKelvey.

Neumann cũng có hứng thú với bất động sản và rất thích một nhà kho bỏ trống trên phố Water khi làm việc ở Dumbo, Brooklyn. Không lâu sau, anh và McKelvey tìm đến chủ nhà để hỏi về nhà kho đó. Hai người ký thỏa thuận để bắt đầu kinh doanh bất động sản tại đây, lấy tên công ty là Green Desk.

Năm 2008, Green Desk chính là hiện thân ban đầu của WeWork. Đây là công ty cung cấp không gian làm việc chung mang đậm tính bền vững với nội thất tái chế và đồ dùng văn phòng xanh.

Khách hàng, được gọi là "thành viên", có thể thuê bàn làm việc hoặc văn phòng riêng từ tháng này sang tháng khác. Neumann và McKelvey kiếm tiền bằng cách tính phí cho những không gian đó nhiều hơn tiền thuê của họ.

Green Desk cung cấp hầu hết những thứ mà các cá nhân và công ty nhỏ cần: văn phòng đầy đủ tiện nghi, phòng họp, truy cập internet tốc độ cao, in ấn và nhà bếp. Một thời gian sau, Green Desk đã phát triển mạnh mẽ.

Neumann và McKelvey nhận ra rằng yếu tố thu hút mọi người đến với Green Desk không hẳn là tính bền vững, mà là việc họ muốn trở thành một phần của cộng đồng.

Năm 2010, hai người bán cổ phần công ty để thành lập WeWork. Sở hữu 300.000 USD và không có bất kỳ bất động sản nào trong tay, Neumann và McKelvey đã thuyết phục một chủ nhà cho thuê 1 tầng của tòa nhà để thử nghiệm. Địa điểm đầu tiên của WeWork nằm trong khu SoHo của Manhattan với ván sàn ọp ẹp và lớp sơn bong tróc.

Ngay từ đầu, Neumann và McKelvey mường tượng văn phòng cho thuê của họ là một phần của hệ sinh thái, bao gồm các căn hộ, phòng gym và thậm chí cả cửa hàng cắt tóc, phục vụ cho khái niệm về một cuộc sống chung trong một không gian chung.

1 tháng từ khi ra mắt, công việc kinh doanh đã đem lại lợi nhuận. Từ đó, Neumann và McKelvey đẩy mạnh kêu gọi các nhà đầu tư và phát triển thương hiệu WeWork. Trong 2 năm tiếp theo, công ty mở thêm 4 địa điểm mới và thu hút sự chú ý của Benchmark, một công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu đã đặt cược sớm vào Twitter và Uber.

Trong vòng gọi vốn đầu tiên, Benchmark đã rót 17 triệu USD cho WeWork. Công ty tiếp tục mở thêm địa điểm và có 10.000 thành viên vào năm 2014. Cũng trong năm đó, WeWork mở văn phòng quốc tế đầu tiên tại London.

Với nỗ lực đa dạng hóa các dòng doanh thu, WeWork tham gia vào lĩnh vực bất động sản nhà ở năm 2016. WeLive cung cấp các căn hộ siêu nhỏ đầy đủ tiện nghi. Mọi người có thể tham gia các cộng đồng này và tiếp cận ngay với các tiện ích như Internet miễn phí, dịch vụ người giúp việc và kết bạn mới.

Đến năm 2017, WeWork công bố WeGrow, trường học dành cho trẻ em từ 2 đến 11 tuổi. Cuối năm, WeWork mua tòa nhà cửa hàng hàng đầu của Lord & Taylor ở New York với giá 850 triệu USD. Cùng thời điểm, họ khai trương phòng gym đầu tiên của mình mang tên "Rise by We" tọa lạc tại 85 Broad Street, New York với các lớp học yoga, đấm bốc và phòng spa.

Tháng 9/2018, WeWork trở thành công ty thuê văn phòng tư nhân lớn nhất ở Manhattan sau khi trở thành công ty có diện tích văn phòng chiếm nhiều nhất ở London và Washington vào đầu năm đó.

Tháng 12/2018, WeWork âm thầm nộp hồ sơ IPO và chuyển thành WeCompany với 3 ngành nghề kinh doanh riêng biệt: WeWork cho thuê văn phòng; WeLive, vận hành hai tòa nhà chung cư với thiết kế chung và WeGrow, điều hành một trường tiểu học ở New York.

Mô hình WeGrow.

Đến tháng 4/2019, Neumann mới công bố việc WeWork nộp hồ sơ IPO.

Tháng 7/2019, Bloomberg tiết lộ WeWork muốn IPO vào tháng 9. Thời điểm đó, công ty có doanh thu 1,82 tỷ USD và tỷ lệ "lấp đầy" 80%. Nhờ những kết quả đó, tập đoàn SoftBank đã quyết định đầu tư hơn 10 tỷ USD, nâng giá trị của WeWork lên 47 tỷ USD, một kỷ lục trên toàn thế giới.

Ngày 14/8/2019, bản cáo bạch của WeWork được nộp cho SEC để IPO, tiết lộ khoản lỗ 2,9 tỷ USD trong 3 năm và 690 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2019. Công ty được cho là xem xét mức định giá từ 20 - 30 tỷ USD trong đợt IPO sắp tới nhưng sau đó đã giảm xuống dưới 20 tỷ USD.

Sau khi nộp bản cáo bạch, cơn ác mộng tồi tệ ập đến với WeWork khi công ty phải đối mặt với sự giám sát gắt gao về tài chính cũng như hứng chịu chỉ trích về khả năng quản lý của Neumann.

Chỉ trong vòng 6 tuần ngắn ngủi, từ chỗ là một startup được tung hô với mức định giá "trên trời", WeWork đã đứng trước bờ vực phá sản. Họ bắt đầu bán bớt những doanh nghiệp mình từng mua lại, sa thải hàng loạt nhân viên và đóng cửa WeGrow.

Tháng 9/2019, WeWork gây bất ngờ khi tuyên bố hoãn kế hoạch IPO vô thời hạn. Không lâu sau, nhà đồng sáng lập Adam Neumann cũng tuyên bố rời ghế CEO. Chỉ trong một thời gian ngắn, từ chỗ được SoftBank định giá 47 tỷ USD, WeWork đã lao dốc không phanh khi các gói cứu trợ do tập đoàn Nhật Bản và JPMorrgan đề xuất chỉ định giá công ty ở mức trên dưới 8 tỷ USD.

Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này là kết quả kinh doanh thua lỗ triền miên cùng lo ngại của các nhà đầu tư về khả năng quản lý của Neumann.

Đến cuối tháng 10/2019, WeWork đã trở thành startup trong lĩnh vực công nghệ trở thành kỳ lân xác sống đầu tiên trên thế giới. "Zombie startup" là tên gọi dùng để chỉ những công ty liên tục huy động tiền, tập trung nhiều vào nhà đầu tư hơn là khách hàng. Họ tạo ra doanh thu vừa đủ để bù đắp chi phí hoạt động nhưng không đủ để tạo ra lợi nhuận lớn cho các nhà đầu tư. Hay nói cách khác, "zombie startup" người không ra người, ma không ra ma.

2020 là một năm ảm đạm của WeWork. Trong khi cựu CEO Adam Neumann khởi kiện SoftBank sau khi tập đoàn này hủy thỏa thuận mua lại cổ phần của anh và các cổ đông khác tại WeWork trị giá 3 tỷ USD, hoạt động kinh doanh của công ty đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Ông chủ SoftBank và Adam Neumann.
Ông chủ SoftBank và Adam Neumann.

Cuối tháng 9/2020, vật lộn với khó khăn tài chính, WeWork bán phần lớn cổ phần của mình ở Trung Quốc cho cổ đông hiện tại Trustbridge Partners với giá 200 triệu USD.

Một số chuyên gia nhận định rằng dù không rơi vào cảnh phá sản nhưng có thể nói, thời huy hoàng của WeWork đã gần như chấm dứt. Đó là một điều đáng tiếc nhưng là cái giá mà WeWork phải trả khi phát triển thương hiệu không bền vững.

Tín hiệu suy sụp

Trên thực tế, đã có rất nhiều dấu hiệu cảnh báo dẫn tới việc WeWork thất bại với tham vọng phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) tại sàn giao dịch chứng khoán tháng 10/ 2019: Tăng trưởng nhanh, chi phí tăng, thiếu các công nghệ quan trọng và không có kế hoạch rõ ràng cho lợi nhuận trong tương lai.

Nhưng sau đó vẫn còn nhiều nhà đầu tư tiếp tục ném tiền vào công ty này, mong muốn thu lời. Ngay cả Fidelity và SoftBank, những đế chế đầu tư ban đầu không quan tâm tới WeWork, cũng đã quay lại sau khi thấy những người khác đặt cược vào công ty này vì những con số giá trị quá lớn và sự tự tin của Neumann.

 Cho đến tháng 5 năm nay, CEO SoftBank Masayoshi Son cuối cùng cũng đã phải thừa nhận sự “dại dột” khi đầu tư hàng tỷ USD vào WeWork.

LyLy