Nhìn lại chặng đường 25 năm tái lập và phát triển tỉnh Bình Dương

16:15 18/04/2022

Sau 25 năm tái lập và phát triển, với sự nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo, doanh nghiệp và nhân dân, Bình Dương đã chuyển mình từ một tỉnh nông nghiệp là chủ yếu thành một tỉnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Cách đây 1/4 thế kỷ, ngày 1-1-1997, thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị khóa VIII và Nghị quyết kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX về việc chia tách tỉnh Sông Bé, Bình Dương bắt đầu bước vào quá trình xây dựng, phát triển. Kế thừa những thành tựu từ tỉnh Sông Bé cũ, với chủ trương đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bằng tinh thần dám nghĩ, biết làm, tư duy năng động sáng tạo, đặc biệt là phát huy truyền thống đoàn kết, Bình Dương từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp, nay đã trở thành một tỉnh công nghiệp phát triển năng động trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Bình Dương
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc tại Bình Dương.

Sau 25 năm tái lập và phát triển, với sự nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo, doanh nghiệp và nhân dân, Bình Dương đã chuyển mình từ một tỉnh nông nghiệp là chủ yếu thành một tỉnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ năng động của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Bình Dương hôm nay có một nền kinh tế mạnh, chất lượng sống của người dân được nâng lên, dư địa phát triển ngày càng rộng mở. Thành quả đó mang dấu ấn của trí tuệ, của bản lĩnh kiến tạo, mang tính đột phá và thực thi quyết liệt, hiệu quả của Đảng bộ, chính quyền tỉnh từ những ngày đầu xây dựng và xuyên suốt từng giai đoạn phát triển của Bình Dương. Đó cũng chính là khát vọng đổi mới, vươn tầm vì lợi ích xây dựng một cuộc sống chất lượng hơn, giàu có hơn và hạnh phúc hơn cho mỗi một người dân tỉnh nhà.

Có được thành tựu ấn tượng trong 25 năm qua, trước hết phải khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng bộ, chính quyền tỉnh qua các thời kỳ. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nguồn lực đầu tư, thực hiện nhiều quyết sách đúng đắn, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của tỉnh.

Những thành quả vượt bậc

Tiếp nối chủ trương “trải chiếu hoa mời gọi đầu tư”, đến “trải thảm đỏ thu hút nhân tài”, sau ngày tái lập tỉnh năm 1997, lãnh đạo tỉnh đã luôn nhận thức và hành động theo quan điểm nhất quán là để phát triển cần phải đẩy mạnh công nghiệp hóa gắn với khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và con người. Đặc biệt, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã chủ động đề ra các giải pháp để thu hút đầu tư. Cùng sự quyết đoán, đồng hành với doanh nghiệp, Bình Dương đã có 29 khu công nghiệp, trong đó 27 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đi vào hoạt động. Cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Dương phát triển lớn mạnh ở cả ba mô hình doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trải qua 1/4 thế kỷ, Bình Dương có dịp nhìn lại những thành tựu đáng tự hào về kinh tế - xã hội đã đạt được. Quy mô nền kinh tế của Bình Dương đã lớn mạnh hơn, sức cạnh tranh đã cải thiện đáng kể, đà tăng trưởng liên tục trong nhiều năm liền đã tạo tiền đề, nền tảng cơ bản để tỉnh tiếp tục đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững trong những năm tiếp theo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư phát huy hiệu quả; môi trường đầu tư tiếp tục được quan tâm cải thiện; niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên... thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra động lực mới.

Quy mô nền kinh tế của Bình Dương đã lớn mạnh hơn, sức cạnh tranh đã cải thiện đáng kể
Quy mô nền kinh tế của Bình Dương đã lớn mạnh hơn, sức cạnh tranh đã cải thiện đáng kể.

Bình Dương hiện đang giữ nhiều vị trí trong tốp đầu của Việt Nam. Bình Dương đứng thứ hai trong thu hút FDI, thu nội địa đứng thứ ba cả nước, là một trong năm tỉnh, thành có đóng góp và tỷ lệ trích nộp vào ngân sách Trung ương nhiều nhất, là địa phương luôn có tỷ lệ xuất siêu cao nhất cả nước, là tỉnh đầu tiên không còn hộ nghèo theo tiêu chí cả nước, là địa phương có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước, đứng thứ 4/63 tỉnh, thành trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI)... Và trên tất cả, ở Bình Dương dù là người dân bản xứ, người lao động ngoài tỉnh đều có cùng chung cơ hội hưởng thụ những thành quả từ sự phát triển này.

Bình Dương liên tục thuộc tốp dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, hiện có 53.000 doanh nghiệp trong nước với vốn đăng ký 515.000 tỉ đồng và hơn 4.000 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư 37 tỉ USD, tăng gấp nhiều lần so với năm 1997.

Thành quả mà Bình Dương đạt được hôm nay, đó cũng chính là sự ghi nhận, trân trọng, hợp tác và tin tưởng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và bạn bè quốc tế. Hiện tỉnh đang thu hút được vốn đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ. Những dự án lớn trị giá lên tới hàng tỷ đô la Mỹ ngày một xuất hiện nhiều hơn. Đây là kết quả đáng khích lệ cho những nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc chủ động, sáng tạo công tác xúc tiến và tiếp nhận đầu tư.

Mục tiêu trở thành một thành phố thông minh

So về lợi thế, Bình Dương không có cảng biển, sân bay, đó là khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Với phương châm “Thành công của doanh nghiệp là sự thành công của tỉnh nhà”, Bình Dương liên tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư sản xuất, kinh doanh, tập trung cải cách hành chính, xây dựng, vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp... Bên cạnh đó, Bình Dương luôn chú trọng tạo lợi thế về hạ tầng, đầu tư các khu công nghiệp hiện đại, hoàn chỉnh, giữ vững vị thế là điểm đến ưu tiên của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Sau một chặng đường thu hút đầu tư để phát triển, công nghiệp Bình Dương hôm nay đã chuyển hướng, đi vào sự phát triển bền vững bằng những ngành nghề kỹ thuật hiện đại, có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao. Chuẩn bị cho bước đột phá mới, từ cuối năm 2016, Bình Dương đặt mục tiêu phát triển để trở thành một thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo.

Mục tiêu đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định là "phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước".

công nghiệp Bình Dương hôm nay đã chuyển hướng, đi vào sự phát triển bền vững bằng những ngành nghề kỹ thuật hiện đại
Công nghiệp Bình Dương hôm nay đã chuyển hướng, đi vào sự phát triển bền vững bằng những ngành nghề kỹ thuật hiện đại.

Các nhân tố cốt lõi để xây dựng thành phố thông minh đó là con người, công nghệ, cộng đồng doanh nghiệp và hạ tầng cơ sở, môi trường đầu tư. Cả 4 yếu tố không đứng riêng lẻ mà cùng đóng góp cho một Bình Dương sáng tạo hơn, mạnh mẽ, bền vững hơn. Hiện thực hóa mục tiêu mang tầm phát triển cao đó, Bình Dương nhanh chóng xây dựng, triển khai những đề án phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khu công nghiệp khoa học - công nghệ, hình thành nền kinh tế số nhằm thu hút, mời gọi hàm lượng tri thức, chất xám, khoa học kỹ thuật trong và ngoài nước hội tụ, cùng phát triển.

Hình mẫu phát triển và minh định cho sự đột phá theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp xanh, thông minh, bền vững không thể không nhắc đến thương hiệu VSIP, hình thành từ sự hợp tác giữa 2 Chính phủ Singapore và Việt Nam do Bình Dương làm đại diện. Từ khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (VSIP I) tại TP.Thuận An, Bình Dương, đến nay VSIP đã phát triển 11 dự án khu công nghiệp ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Ngoài VSIP I, ngay tại địa bàn Bình Dương còn có VSIP II và VSIP III vừa được khởi công xây với quy mô 1.000ha, tổng mức đầu tư hạ tầng hơn 6.400 tỷ đồng. Cần biết, VSIP là nhà phát triển hạ tầng khu công nghiệp hàng đầu Việt Nam với hàng loạt Kkhu công nghiệp xanh, kiểu mẫu, hiện đại. Quy mô của VSIP thực sự lớn, với 11 dự án khu công nghiệp, quỹ đất 10.000ha, đã thu hút vốn đầu tư 17 tỷ đô la Mỹ, với 880 công ty đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, giải quyết việc làm cho 295.000 lao động. Các VSIP tại Bình Dương tới thời điểm hiện tại đã thu hút 8,3 tỷ đô la Mỹ, 584 dự án đầu tư, tạo ra 149.000 việc làm cho người lao động, không chỉ là người dân Bình Dương.

Bình Dương luôn chú trọng tạo lợi thế về hạ tầng
Bình Dương luôn chú trọng tạo lợi thế về hạ tầng.

Không riêng các VSIP, các khu công nghiệp hiện hữu cũng như sắp hình thành tại Bình Dương cũng đã có sự chuyển hướng, nâng tầm bằng việc lựa chọn, mời gọi các đối tác tầm cỡ, giàu kinh kiệm, tiềm lực vốn liếng cũng như trình độ khoa học, công nghệ. Tất cả chính là minh chứng về một nền kinh tế đột phá mạnh mẽ vào công nghiệp 4.0, thông minh, bền vững.

Trong tương lai, Bình Dương sẽ tiếp tục phải duy trì được những thành tựu xuyên suốt như trên, đồng thời củng cố nguồn nhân lực, củng cố năng lực quản trị địa phương một cách khoa học, đưa Bình Dương vượt qua được thách thức về bẫy thu nhập trung bình đang hiển hiện, trở thành vùng đất phát triển, thịnh vượng, vì sự ấm no và hạnh phúc của người dân.

Bình Dương đặt mục tiêu phát triển để trở thành một thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo
Bình Dương đặt mục tiêu phát triển để trở thành một thành phố thông minh, vùng đổi mới sáng tạo.

Nhân dịp 25 năm tỉnh Bình Dương được chia tách từ tỉnh Sông Bé (1997-2022), Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương và Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường ¼ thế kỷ: Thành tựu và Triển vọng”. Hội thảo sẽ được diễn ra vào 2 ngày 19, 20/4/2022 tại Trung tâm Hội nghị - Triển lãm tỉnh Bình Dương bằng hình thức trực tiếp theo các phiên chuyên đề và phiên toàn thể. Hội thảo sẽ là dịp để khẳng định và tôn vinh những thành tựu của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đạt được trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hoàng Thu