Nhiều tín hiệu khả quan – Doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất, kinh doanh

11:13 16/10/2021

Việc kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 ở các địa phương đã tạo tiền đề cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang phục hồi sau đại dịch.

 

Nhiều tín hiệu khả quan – Doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất, kinh doanh
Nhiều tín hiệu khả quan – Doanh nghiệp dần phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Tạo sự chủ động cho doanh nghiệp

Nghị quyết số 128 mà Chính phủ vừa ban hành về Quy định tạm thời về "Thích ứng an toàn dịch COVID-19" là tin tích cực với nhiều doanh nghiệp, ở chỗ nó có ý nghĩa thống nhất quy định chống dịch trong bối cảnh mới cho toàn bộ các tỉnh thành, hạn chế tình trạng cục bộ, chia cắt, gây khó cho doanh nghiệp.

Theo nhận định của một số doanh nghiệp thì Nghị quyết này giúp họ xác định được một cách rõ ràng hơn trạng thái hoạt động trong bối cảnh mới. Với các tiêu chí cụ thể để phân loại 4 cấp độ dịch ở các tỉnh thành, Nghị quyết đã cho doanh nghiệp nắm được với cấp độ dịch nào thì doanh nghiệp thuộc ngành nào được hoạt động hay không hoạt động và hoạt động ở mức độ nào.

Nghị quyết 128 ban hành quy định một số lĩnh vực được phép hoạt động ở cả 4 cấp độ, trong đó có sản xuất, xây dựng, thi công công trình, hay vận chuyển hàng hóa liên tỉnh. Doanh nghiệp cho rằng, điều này sẽ giúp chủ động hơn trong tổ chức sản xuất, đặc biệt với các ngành sản xuất có đơn hàng tăng cao vào cuối năm.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp vẫn thận trọng chờ đợi vì lo ngại rủi ro vì các tỉnh, thành sẽ có cách hiểu và vận dụng quy định mới khác nhau. Mặc dù phấn khởi với chủ trương mới, song có những doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn khi triển khai ở cấp địa phương.

Chính quyền chạy đua tập trung tháo gỡ vướng mắc

Trải qua thời gian khó khăn khốc liệt nhất, giống như một chiếc lò xo bị nén đến mức tối đa, giờ là lúc giải nén để bật lên phục hồi. Một chính sách tốt được thực hiện có hiệu quả, cả nghìn doanh nghiệp được hưởng lợi kéo theo đó là sinh kế của rất nhiều lao động hoặc ngược lại.

Do đó đây được ví như một giai đoạn chạy đua của cả doanh nghiệp lẫn chính quyền. Doanh nghiệp chạy đua để tái cấu trúc. Chính quyền cần chạy đua tập trung tháo gỡ vướng mắc để phục hồi kinh tế nhanh hơn.

Chiều 15/10, Bộ Công Thương cũng đã có cuộc làm việc trực tuyến với các địa phương. Những khó khăn phổ biến vẫn được nêu ra như: chi phí lớn khi thực hiện 3 tại chỗ, đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên liệu, vận tải khó khăn, thiếu lao động...

Điều đó để thấy rằng vẫn còn rất nhiều vấn đề nội tại phải giải quyết để phục hồi sản xuất. Chưa kể sức ép từ khủng hoảng năng lượng thế giới, rất nhiều chi phí có nguy cơ tăng vọt sẽ đe dọa đến sức đề kháng vốn đã mong manh của doanh nghiệp. Đây là vấn đề cần dự liệu khi các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất.

Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp rất lớn trong cuộc chiến chống dịch vừa qua. Giờ là lúc mà chính các doanh nghiệp cần được tiếp sức cho chặng đường phía trước. Nguồn lực tiếp sức không gì khác chính là một chính sách vừa đủ thông thoáng, đồng bộ ở mọi cấp để không xảy ra tình trạng chia cắt, thiếu đồng bộ.

Theo VTV