Nhiều thương hiệu thời trang bán lẻ phương Tây "khó xử" vì căng thẳng Mỹ - Trung

21:36 26/04/2021

Với khoảng 1,4 tỷ dân, là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cùng với sức mua khổng lồ đã biến trung Quốc trở thành thị trường béo bở cho các nhà bán lẻ. Tuy nhiên những sự kiện tẩy chay đối với các thương hiệu phương tây đã trở nên bùng nổ và không có dấu hiệu hạ nhiệt khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa. (Ảnh: internet)

Nhiều thương hiệu đã bày tỏ lo ngại về các báo cáo lao động cưỡng bức mà phía Hoa Kỳ và đồng minh đã gây áp lực và cáo buộc Trung Quốc “diệt chủng” người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Ngược lại, sáng kiến Better Cotton Initiative (BCI), một nhóm thương mại toàn cầu với hơn 2.000 thành viên đang tìm cách thúc đẩy ngành sản xuất bông đã không được lòng Đảng Cộng sản cầm quyền quyết tâm trừng phạt những người có quan điểm khác về bông Tân Cương. Nhà kinh tế học kiêm tác giả George Magnus cho biết: “Đó là tình huống khá khó khăn. Các công ty đổ xô đến Trung Quốc trong 25 năm qua với một mục đích duy nhất là kiếm tiền. Giờ đây, họ đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan”.

Tâm điểm của vụ việc được châm ngòi kể từ sau một tuyên bố của H&M và thương hiệu này đã nhanh chóng cứu chữa sự việc giành lại sự ủng hộ của người tiêu dùng Trung Quốc như sau: “Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi... Công ty đang nỗ lực để lấy lại niềm tin và sự tin tưởng của khách hàng, đồng nghiệp và đối tác kinh doanh của chúng tôi tại Trung Quốc”. Theo ông Xu Guixiang, phát ngôn viên của chính quyền Tân Cương cho hay: “Tôi không nghĩ một công ty nên chính trị hóa hành vi kinh tế” như một động thái đáp trả thương hiệu thời trang từ phương Tây.

Ngoài ra, gã khổng lồ thời trang của Đức Hugo Boss cũng đang phải vật lộn để xoa dịu cả hai thị trường. Công ty đã từng trả lời NBC News vào hồi tháng 9 rằng họ đã yêu cầu các nhà cung cấp trực tiếp trên khắp thế giới chứng minh sản phẩm không đến từ Tân Cương, và “không chấp nhận lao động cưỡng bức”. Tuy nhiên, đối mặt với làn sóng kêu gọi tẩy chay, tháng trước, công ty đã đưa ra một tuyên bố trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc rằng sẽ “tiếp tục mua và hỗ trợ bông Tân Cương” và đây là “một trong những loại tốt nhất trên thế giới”.

Thương hiệu Muji của Nhật Bản dường như cởi mở hơn đối với việc sử dụng bông từ Tân Cương nhưng cũng cho hay, công ty đang “thực hiện tất cả các bước cần thiết để tôn trọng nhân quyền và quản lý các tiêu chuẩn lao động”. Trong khi đó, thương hiệu quần áo thể thao Fila chi nhánh Trung Quốc cho biết tiếp tục sử dụng vải bông từ Tân Cương và sẽ rút khỏi Better Cotton Initiative. Jamie Jeong, người phát ngôn của FILA Holdings chia sẻ: “Quan điểm của FILA Holding về lao động cưỡng bức và tìm nguồn cung ứng nguyên liệu thô vẫn giữ nguyên theo thông báo trong suốt năm 2020 và 2021”.

Nhằm thể hiện thái độ cứng rắn, các nhà kiểm duyệt xứ Trung liên tục làm mờ hình ảnh logo của các thương hiệu nước ngoài xuất hiện trên truyền hình. Một số cửa hàng H&M dường như đã biến mất khỏi các công cụ tìm kiếm và trang thương mại điện tử nổi tiếng của Trung Quốc. Vào tháng Giêng, Hoa Kỳ tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu bông từ khu vực Tân Cương và vào tháng Ba, chính quyền Biden đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân Trung Quốc bị cáo buộc lạm dụng ở khu vực này. Các quan chức Trung Quốc đã bác bỏ những tuyên bố này. Chính phủ cho rằng các khóa học tại nơi được gọi là “trung tâm giáo dục và đào tạo nghề” cung cấp việc làm cho người Duy Ngô Nhĩ và chống lại chủ nghĩa cực đoan.

Nhà kinh tế học Magnus nhận xét: “Về cơ bản, đây là cuộc chiến giữa các giá trị và hệ thống niềm tin. Những lựa chọn mà các doanh nghiệp đưa ra hiện nay có thể có ảnh hưởng lâu dài đối với thương hiệu ở cả Trung Quốc và các nước phương Tây. Cho dù họ chọn cách nào đi nữa thì cũng đều phải trả giá”. Điển hình như tình trạng của công ty Catch-22 đang trở nên trầm trọng hơn do mối quan hệ căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington. Cuộc chiến giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới trong bối cảnh thương mại nói chung và bán lẻ nói riêng vẫn chưa đến hồi kết. Khi cả hai bên đều không nhượng bộ sẽ rất khó cho doanh nghiệp có thể dung hòa lợi ích từ hai phía.

TL