Nhiều dự án nhà máy chế biến cà phê hoà tan khởi công trong năm 2022

23:55 26/01/2022

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, mỗi một phút người tiêu dùng trên thế giới tiêu thụ từ 2 - 3 triệu cốc cà phê, trong thời gian tới tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ tăng lên thêm.

Nhân viên đang làm việc ở khâu đóng gói thành phẩm tại nhà máy Nestlé
Nhân viên đang làm việc ở khâu đóng gói thành phẩm tại nhà máy Nestlé.

Ông William Mackereth, Giám đốc Chuỗi cung ứng Công ty Nestlé Việt Nam cho biết, hiện có khoảng 200.000 tấn cà phê tương đương từ 12% đến 15%/ tổng sản lượng cà phê của Việt Nam được chế biến.

Tuy nhiên, phần lớn là gia công nội địa nhưng Chính phủ thường chỉ nói đến xuất khẩu cà phê giá trị gia tăng, trong khi chế biến nội địa cũng đóng góp lớn vào giá trị gia tăng của cà phê Việt Nam. 

“Theo ước tính của tôi để có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 30% lượng cà phê hoà tan/tổng lượng cà phê xuất khẩu thì Việt Nam có thể phải đợi đến năm 2030”.

Còn theo Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc INTIMEX Group, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 30% cà phê hoà tan trước tiên phải có nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này, nếu doanh nghiệp nào đầu tư rồi thì phải có thị trường.

Ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào mảng chế biến cà phê, sắp tới sẽ có một loạt các nhà máy của các doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới đầu tư tại Việt Nam khởi công xây dựng.

Ví dụ như Công ty Louis Dreyfus Company (LDC) và Công ty Instanta hợp tác xây dựng và vận hành nhà máy cà phê hòa tan sấy lạnh tại tỉnh Bình Dương. Liên doanh này sẽ hoạt động dưới tên pháp nhân ILD Coffee Việt Nam. Dự kiến, nhà máy sẽ được khởi công xây dựng vào đầu năm 2022.

Marubeni - Tập đoàn đầu tư đa ngành của Nhật Bản chuẩn bị xây dựng nhà máy chế biến cà phê hòa tan tại Việt Nam có công suất 16.000 tấn/năm. Dự án sẽ được xây dựng tại khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Như vậy mục tiêu xuất khẩu 30% cà phê hoà tan của Bộ NN-PTNT có thể không trễ hạn đến 10 năm.

“Nói vậy, không phải các doanh nghiệp Việt Nam không có tiền đầu tư nhà máy chế biến cà phê mà vấn đề là đầu tư rồi thì sản phẩm sẽ bán cho ai, tuy nhiên trên thực tế họ vẫn đang cố gắng.

Riêng với nhà máy chế biến cà phê hoà tan của INTIMEX cũng đã chạy đạt công suất giai đoạn 1 là 4.000 tấn/năm, nhu cầu tiêu dùng đã ổn định sang năm 2022 nhà máy sẽ được mở rộng giai đoạn 2 với công suất nhân lên gấp đôi là 8.000 tấn. Dự kiến đến năm 2026 cũng là giai đoạn 3, tập đoàn sẽ nâng công suất của nhà máy gấp 5 lần từ 18.000 - 20.000 tấn/năm”, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc INTIMEX Group nhận định.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, mỗi một phút người tiêu dùng trên thế giới tiêu thụ từ 2 - 3 triệu cốc cà phê, trong thời gian tới tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ tăng lên thêm.

Tại thị trường trong nước, tiêu thụ cà phê bình quân đầu người được dự báo sẽ tăng lên hơn 2,6 kg/người vào năm 2024, vì vậy 125 triệu lao động trong ngành cà phê và Việt Nam đang đứng trước các ứng yêu cầu đó.

Hiện nay tất cả các thị trường mà Việt Nam đã ký kết các FTA đều mở cửa cho các sản phẩm cà phê chế biến của Việt Nam ở mức thuế ưu đãi từ 0 đến 5%, riêng EVFTA cam kết bỏ thuế cho tất cả các sản phẩm cà phê xuống 0%, đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho ngành cà phê Việt Nam.

“Từ năm 2019 đến nay trong khuôn khổ đề án thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp vào mảng phân phối nước ngoài, Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và chế biến cà phê những thông tin về thị trường cũng như tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, các chương trình giới thiệu về cà phê Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc giữ ổn định sản lượng, gia tăng chất lượng sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp có uy tín đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sẽ giúp cho giá trị cà phê Việt Nam phát triển bền vững hơn”, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ nhấn mạnh.

Khánh Anh