Nhiều cách thức lừa đảo qua mạng mới mùa dịch

11:42 21/08/2021

Lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng sử dụng hình thức lừa đảo như “giao hàng chuyển khoản trước” hay đầu tư vào các “app Vaccine” hay mạo danh nhân viên y tế.

Cẩn thận khi mua hàng online trong mùa dịch

Kể từ khi Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chỉ thị 16 của chính phủ, nhiều đối tượng lợi dụng việc khó khăn khi giao nhận hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người mua hàng.

Hình minh họa (nguồn: Internet)
Hình minh họa (nguồn: Internet).

Cụ thể, các đối tượng lừa đảo sử dụng tài khoản ảo để đăng tải các mặt hàng như: khẩu trang, thực phẩm, gạo, … lên các nhóm trên facebook để “chào hàng”. Nhiều đối tượng còn tạo các tin nhắn ảo với khách hàng để nhằm tạo uy tín và lôi kéo con mồi. Sau khi khách hàng nhắn tin mua hàng, các đối tượng này sẽ yêu cầu chuyển tiền trước 100% thì sau đó mới gửi hàng với lý do khó khăn trong việc giao nhận hàng. Khi khách hàng chuyển tiền, ngay lập tức sẽ bị tài khoẳn này chặn và chiếm đoạt toàn bộ số tiền mua hàng.

Các chuyên gia an ninh mạng khuyên rằng: “Chỉ nên mua hàng tại các cửa hàng uy tín và không nên mua tại những tài khoản facebook ảo. Ngoài ra, để đề phòng việc gặp phải các tài khoản lừa đảo khi mua hàng, người dân nên cẩn thận xin thêm ảnh của mặt hàng có biên lai kèm theo để tránh các trường hợp lừa đảo đáng tiếc”.

Đầu tư “app Vaccine” -  “Bình mới rượu cũ”

Một trong những hình thức lừa đảo mới rộ lên trong thời gian gần đây đó chính là mô hình đầu tư vào các app (ứng dụng) Vaccine. Về bản chất, người dùng cần bỏ tiền ra và mua các gói Vaccine, thiết bị bảo hộ, khẩu trang,… và được nhận lợi nhuận hàng ngày. 

“App vaccine” - mô hình đầu tư lừa đảo mới
“App vaccine” - mô hình đầu tư lừa đảo mới.

Thực chất, các chuyên gia cho rằng đây chỉ là hình thức lừa đảo giống các mô hình tài chính lừa đảo trước đây có thể kể đến như: BUSSTRADE, COOLCAT, UKTRADE, LION GROUP,... Về bản chất, các app đầu tư vaccine này mở ra nhằm kêu gọi vốn của “nhà đầu tư” thiếu hiểu biết, khi bỏ vốn vào sẽ nhận được các loại tiền ảo vô giá trị. Đến một thời điểm nào đó, khi số tiền các nhà đầu tư bở vào đủ nhiều, app sẽ sập và tiền đầu tư vào đó sẽ “bốc hơi” ngay lập tức.

Các App đầu tư theo dạng này đều không hề có văn phòng hay người đại diện nào, cũng không có địa chỉ cụ thể. Do đó, nhà đầu tư nếu đầu tư vào đây thì khi mất tiền, việc lấy lại tiền hay tiefm ra người đứng sau là điều gần như là không thể.

Giả mạo nhân viên y tế đòi tiền người nhà bệnh nhân đã khỏi COVID-19

Nhiều người dân tại thành phố Hồ Chí Minh còn gặp các trường hợp kẻ xấu mạo danh là nhân viên Y tế gọi điện thoại thông báo đã điều trị COVID-19 cho người thân hoặc bạn bè của họ và yêu cầu chi trả viện phí cũng như chi phí điều trị COVID-19.

Ngoài ra các kẻ gian còn mạo danh, Trung tâm kiểm soát và phòng, ngừa dịch bệnh (CDC) hay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sau đó gửi tin nhắn hoặc thư điện thử có đính kèm đường link độc. Khi người dân truy cập vào các đường link này sẽ phải làm theo các chỉ dẫn như: Điền thông tin cá nhân, Email, Số điện thoại,… Thực chất, các đường link này là nơi để kẻ gian thu thập thông tin người dùng, từ đó chiếm đoạt mà sử dụng với các mục đích xấu.

Người dân nên cẩn thận trong việc truy cập vào các đường link lạ, tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân cho người lạ và tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai. Khi phát hiện các trường hợp lừa đảo, hãy cảnh báo cho người thân và bạn bè để mọi người đề phòng, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Hữu Ước